Thuyết hệ thống môi sinh – Ecological system theory

Thuyết hệ thống môi sinh – Ecological system theory

Thuyết Hệ thống môi sinh dựa trên kiến thức của thuyết Hệ thống/systems theory và khoa học về Môi sinh/Ecology

1. Thuyết Hệ thống

Hệ thống là tập hợp của một bộ những thành phần, mỗi thành phần có phần hành riêng, khi tập chung lại một cách trật tự sẽ tạo thành hệ thống với chức năng riêng của hệ thống. Một cá nhân, một cơ quan, tổ chức, đoàn thể, hội tương trợ… là những thí dụ về hệ thống. Cá nhân cũng là một hệ thống vì cá nhân là kết quả tập hợp của nhiều phần: phần tâm lý, phần sức khỏe vật chất, phần ảnh hưởng văn hóa, tôn giáo, gia đình, xã hội, nghề nghiệp, chức vụ… mỗi thành phần này có một tác động riêng tạo thành cá tính và cách ứng xử của cá nhân. Zasteract và Kirst-Ashman, (2007), chọn ra những khái niệm chính sau đây của thuyết Hệ Thống:

Tương Tác/Interaction:

Là sự tác động qua lại không ngừng giữa các thành phần tạo nên cá nhân hay giữa cá nhân và các thành phần khác trong hệ thống. Tác động qua lại này có thể tiêu cực hoặc tích cực và ảnh hưởng đến an sinh của cá nhân, thí dụ quan hệ xấu với hàng xóm gây nên sự căng thẳng, bực mình; quan hệ tốt với cộng đồng giúp nhân viên CTXH hoàn thành hữu hiệu nhiệm vụ giúp đỡ khách hàng khiến cho cả nhân viên CTXH lẫn khách hàng đều hài lòng…

Nguyên Liệu/Input:

Là năng lượng, thông tin, truyền thông, sự hỗ trợ của các nguồn tài nguyên mà cá nhân nhận được từ môi trường.

Sản Phẩm/Output:

Là năng lượng, thông tin, truyền thông, sự hỗ trợ của cá nhân dành cho môi trường.

Trạng Thái Ổn Định/Homeostasis:

Diễn ra khi có sự tương tác hài hoà giữa cá nhân và môi trường, cá nhân đóng góp cho môi trường và được môi trường hỗ trợ một cách tương xứng.

Nhiều Con Đường Dẫn Đến La Mã/Equifinality:

Nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra cùng một vấn nạn. Thí dụ những đứa trẻ thiếu cha mẹ, hay bị cha mẹ ngược đãi, hay trải qua áp bức về tình dục… đều có thể mắc bệnh trầm cảm. Một vấn nạn có thể có nhiều cách giải quyết. Trong CTXH, tùy theo lý thuyết áp dụng, nhân viên CTXH có thể tiếp cận vấn nạn của khách hàng bằng nhiều cách khác nhau, và giúp khách hàng chọn lựa giải pháp thích hợp nhất. Thí dụ để chống trầm cảm, có thể uống thuốc, hoạt động thể thao, tham gia sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt nhóm… tùy theo hoàn cảnh của mỗi người.

2. Khoa học về Môi sinh

Tương tự như thuyết Hệ Thống (chú ý đến tác động diễn ra bên trong các hệ thống và giữa các hệ thống với nhau), khoa học về môi sinh chú ý đến tác động qua lại và sự thích ứng của vạn vật vào môi trường chung quanh. Có thể nói khoa học này bắt nguồn từ tư tưởng triết học Đông phương (kinh Dịch), theo đó vạn vật không ngừng chuyển động, tương tác, và ảnh hưởng lẫn nhau, tạo nên sự quân bình rất tinh tế của vũ trụ.

3. Thuyết Hệ thống môi sinh

Phối hợp thuyết Hệ thống và khoa học về môi sinh, thuyết Hệ thống môi sinh chú ý vị trí của cá nhân trong môi trường sống. Điều này quan trọng vì con người không sống biệt lập mà luôn luôn sống trong cộng đồng, và tác động qua lại giữa các hệ thống con người và môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến an sinh của cá nhân và của xã hội.

Những khái niệm chính:

Sự Hài Hoà Giữa Cá Nhân và Môi Trường:

Diễn ra khi môi trường có tài nguyên và phương pháp phân phối tài nguyên một cách công bằng và hợp lý để thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của con người. Có ba trường hợp thiếu hài hoà giữa cá nhân và môi trường:

1) Môi trường có tài nguyên và phương pháp phân phối hợp lý nhưng cá nhân không sử dụng, có thể vì thiếu kiến thức về tài nguyên hay không có ý chí sử dụng tài nguyên.

2) Môi trường có tài nguyên nhưng không có phương pháp phân phối công bằng và hợp lý. Đây là trường hợp xảy ra tại nhiều cơ sở xã hội ở California: một số đông cư dân không sử dụng dịch vụ vì cơ sở chỉ cung cấp dịch vụ bằng tiếng Anh, tiếng Tây ban nha, tiếng Hoa, tiếng Tagalog (Phi luật tân) và tiếng Việt trong số hơn 100 ngôn ngữ khác nhau của cư dân (có tới 39.5% cư dân California chỉ nói một ngôn ngữ khác không phải tiếng Anh hoặc nói được tiếng Anh và một hay nhiều ngôn ngữ khác).

3) Môi trường không có tài nguyên để thỏa mãn nhu cầu của cá nhân.

Trong cả ba trường hợp trên đây, nhân viên CTXH đều có thể đóng một vai trò tích cực trong việc tạo ra hài hoà giữa cá nhân và môi trường, đạt được an sinh cho mọi công dân.

Năng Lượng, Nguyên Liệu, và Sản Phẩm:

Giống như những khái niệm này trong thuyết Hệ Thống.

Điểm Giao Thoa/Interface:

Là tác động qua lại hoặc nơi chính xác diễn ra tác động qua lại giữa hai hệ thống riêng biệt hay giữa cá nhân và môi trường. Trong quá trình lượng định theo lý thuyết Hệ thống môi sinh, điểm giao thoa chính xác cần được xác định để tập trung vào đó năng lực và tài nguyên nhằm tạo ra thay đổi. Trong thí dụ nhiều cộng đồng thiểu số không sử dụng đúng mức tài nguyên xã hội ở California kể trên, điểm giao thoa là vấn đề truyền thông. Khi giải quyết được vấn đề này sẽ giải quyết được, hoặc góp phần giải quyết được vấn nạn ít sử dụng tài nguyên xã hội của người thiểu số ở California. Thí dụ khác: nhiều cặp vợ chồng than phiền không có hạnh phúc vì nhiều nguyên nhân: bất đồng trong việc nuôi dạy con cái, đối xử với cha mẹ hai bên, chi tiêu trong gia đình, quan hệ vợ chồng nguội lạnh, không có thì giờ cho nhau… nhưng nhiều khi điểm giao thoa cũng chỉ là vấn đề truyền thông, tức là không biết cách truyền đạt cho nhau những nhu cầu, quan tâm, lo lắng, vui,buồn, một cách đúng phương pháp và hiệu quả.

Thích Ứng/Adaptation :

Là khả năng thay đổi để thích nghi với những biến động của bản thân và môi trường, thí dụ lập gia đình, thay đổi công việc, dọn nhà, gia đình thêm người, bớt người… Thích ứng đòi hỏi năng lượng, khi cá nhân không có đủ năng lượng để thích ứng, nhân viên CTXH sẽ giúp cá nhân huy động được năng lượng cần thiết từ môi trường để thích ứng. Thích ứng cũng có nghĩa là tạo ra thay đổi môi trường để thỏa mãn nhu cầu của con người.

Đối Phó/Coping:

Là một hình thức của thích ứng. Thích ứng có nghĩa rộng, bao trùm mọi trường hợp khi cá nhân đối diện một thay đổi mới hoặccủa môi trường hoặc của bản thân. Đối phó là sự phấn đấu để thích ứng với một thay đổi, một tình huống tiêu cực.

Liên Lập/Interdependence:

Con người không thể sống hoàn toàn biệt lập mà phải nhờ đến nhiều người khác để được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản: ăn, mặc, nhà ở, hạnh phúc, sự an toàn…

chronosystem
4. Ứng dụng trong CTXH

Thuyết Hệ thống môi sinh cho phép nhân viên CTXH vừa nhìn được khách hàng trong bức tranh tổng thể qua nhãn quan của con chim bay trên cao, vừa thấy rõ tình trạng của những thành phần nhỏ đóng góp nên bức tranh qua nhãn quan của con rắn bò sát đất, và nhờ vậy có thể định vị chính xác được chỗ nào cần và có thể tác động để thay đổi, và thay đổi này sẽ giải quyết được vấn nạn hay chỉ là mục tiêu dễ thành công nhất để tạo khí thế dẫn đến những mục tiêu thay đổi quan trọng hơn. Thí dụ X cần được giúp đỡ vì suy giảm trầm trọng khả năng làm việc. Lượng định theo phương pháp Hệ thống môi sinh cho thấy:

1. X mất hứng thú trong công việc vì do kinh tế suy thoái, hãng phải tái phối trí và giao cho X phần hành dưới khả năng chuyên môn với mức lương giảm 30% so với phần hành chuyên môn cũ.

2. X không tuân phục người giám thị mới, “một tên ngu dốt, không có trình độ chuyên môn và ưa thích sử dụng quyền lực một cách lố bịch”.

3. X đang trải qua cuộc ly dị đầy căng thẳng, hai con được toà án giao cho vợ cũ nuôi, X được quyền thăm con nhưng vợ cũ thường xuyên gây trở ngại và tuyên truyền để các con không muốn gặp X.

4. X cũng mâu thuẫn với gia đình gốc và không có liên hệ chặt chẽ với bố mẹ ruột và anh chị em.

5. Trước đây X thường hay giao du với một người bạn thân, nhưng người này hiện đã đi làm ở nước ngoài, mỗi năm chỉ về thăm gia đình một hoặc hai lần.

6. Từ hơn một tháng nay X mất ngủ và ho nhiều vì hút thuốc gấp đôi lúc trước.

Bức tranh tổng thể cho thấy ngoài khó khăn nội bộ (sức khỏe), X gặp khó khăn trong tất cả các mối quan hệ với các hệ thống khác trong môi trường: gia đình (vợ cũ, con cái, cha mẹ và anh chi em), sở làm (công việc, xếp mới), cộng đồng (bạn bè). Quá trình lượng định theo phương pháp Hệ thống môi sinh giúp nhân viên CTXH chú trọng sự tương tác sinh động/dynamic của các thành phần trong từng hệ thống cũng như giữa các hệ thống với nhau. Thí dụ X quyết định bỏ việc, hay cơ quan sa thải X, hay X kiếm được một chỗ làm mới, đúng khả năng, lương cao, có khả năng trả thêm tiền cấp dưỡng nuôi con và được vợ cũ tạo điều kiện cho thăm con đúng theo nhu cầu của X… Tất cả những thay đổi này đều có thể tạo ra những cơ hội cũng như rủi ro mới, đòi hỏi giải pháp thích ứng.

X đã bỏ ra rất nhiều năng lực (sản phẩm/output) để đối phó và duy trì trạng thái ổn định cho bản thân, và nhận được rất ít sự hỗ trợ của môi trường (nguyên liệu/input). Quan điểm chủ đạo “Nhiều con đường dẫn đến La Mã” sẽ giúp nhân viên CTXH cùng X tái lập và thăng tiến được trạng thái ổn định qua các thay đổi ở cả tầng vi mô/micro (cá thân), vĩ mô/macro (môi trường) và tầng trung gian/mezzo (gia đình, bạn bè, nhóm nhỏ). Thuyết Hệ thống môi sinh cho phép sự thành lập một hệ thống mới bao gồm khách hàng và nhân viên CTXH, trong hệ thống này, nhân viên CTXH là tác nhân thay đổi/change agent, cung cấp sự hỗ trợ tinh thần, nối khách hàng với các nguồn tài nguyên (tăng nguyên liệu), và giúp khách hàng có được những thay đổi cần thiết (sản phẩm) để giải quyết vấn nạn và đạt được trạng thái ổn định.

(Trích từ Tập tài liêu: Công tác xã hội-Lý thuyết và thực hành, Trần Đình Tuấn)

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu