Tiêu chuẩn NASW về hoạt động công tác xã hội trong các cơ sở chăm sóc y tế

Tiêu chuẩn NASW về hoạt động công tác xã hội trong các cơ sở chăm sóc y tế

Những nhu cầu, thay đổi và phát triển không ngừng trong lĩnh vực chăm sóc y tế đã tác động mạnh mẽ lên chỗ đứng và nhu cầu vềngười làm công tác xã hội trong tất cả các lĩnh vực và cơ sở chăm sóc y tế. Hơn 40 triệu người, chiếm 15% dân số nước Mỹ không được bảo hiểm y tế trong suốt năm 2003 (Cục Điều tra Dân số Mỹ, 2004). Việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế công bằng, toàn diện và kịp thời đối với nhiều cá nhân tại Mỹ khác nhau đáng kể, trong đó nhiều nhóm dân số chỉ tiếp cận hạn chế các dịch vụ y tế chiếm một số lượng phần trăm đáng kể. Sự phát triển của công nghệ y học đã mang hy vọng và cải thiện được chất lượng cuộc sống cho nhiều người, tuy nhiên những tiến bộ trong công nghệ cũng làm tăng chi phí chăm sóc y tế và mang đến nhiều vướng mắc về đạo đức, luật pháp và xã hội cho các cá nhân, gia đình và những nhà cung cấp y tế. Những hệ quả tâm lý-xã hội của hoạt động chăm sóc y tế này là những gì mà các nhân viên công tác xã hội được đào tạo để giải quyết.

Hiện tại, các nhân viên công tác xã hội y tế cung cấp các dịch vụ thông qua tất cả các loại hình chăm sóc tại nhiều cơ sở khác nhau. Các nhân viên công tác xã hội hiện diện trong các cơ sở chăm sóc y tế công cộng, các cơ sở chăm sóc cấp và mãn tính đểcung cấp nhiều loại hìnhdịch vụ bao gồm giáo dục y tế, can thiệp khủng hoảng, tư vấn hỗ trợ và quản lý sự vụ. Để đáp ứng với các tình thế nguy cấp cả ở cấp quốc gia lẫn toàn cầu, các nhân viên công tác xã hội hoạt động chăm sóc y tế ngày càng được chú trọng đào tạo để đáp ứng những can thiệp để chuẩn bị và đối phó với những trường hợp khủng hoảng và thảm họa.

Hệ thống chăm sóc y tế ở Mỹ về bản chất là đa ngành và phức tạp, bao gồm một mạng lưới các dịch vụ như chẩn đoán, điều trị, phục hồi, duy trì sức khỏe và phòng ngừa được cung cấp cho các cá nhân ở mọi lứa tuổi với mọi nhu cầu. Vô số nguồn đầu tư tài chính từ các tổ chức Medicare và Medicaid đến bảo hiểm tư nhân, mang đến nhiều thách thức lớn hơn. Nhiều khách hàng thiếu bảo hiểm y tế hoặc không đủ chi trả gây ra sự căng thẳng tài chính cho các khách hàng và nhà cung cấp.

Các nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp được trang bị đầy đủ để hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc y tế bởi vì quan điểm rộng mở của họ về các yếu tố môi trường, tình cảm, thể chất có tác động hiệu quả đến trạng thái khỏe mạnh của khách hàng và cộng đồng. Những tiêu chuẩn dưới đây được phát triển để đáp ứng nhu cầu của các nhân viên công tác xã hội trong nhiều cơ sở hoạt động chăm sóc y tế và giúp cho dân chúng hiểu được vai trò của một nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp.

Hiệp hội Nhân Viên Công tác Xã hội Quốc gia (NASW) thừa nhận rằng chỉ riêng bộ tiêu chuẩn này không thể tăng cường được chất lượng của hoạt động trừ phi chúng được phổ biến và thực thi một cách thiết thực. Sự hài lòng của khách hàng và chất lượng chăm sóc được cải thiện đạt kết quả chỉ khi các nhân viên công tác xã hội công nhận và sử dụng những tiêu chuẩn này.

ssw
Bối cảnh chung

Các nhân viên công tác xã hội đã tham gia vào lĩnh vực chăm sóc y tế kể từ thời điểm chuyển giao của thế kỷ 20. Những vấn đề được quan tâm sớm nhất của chuyên ngành này là làm cho những dịch vụ chăm sóc y tế sẵn sàng đáp ứng cho người nghèo và cải thiện các điều kiện xã hội gây ra bệnh nhiễm trùng như bệnh lao. Khi vai trò của ngành công tác xã hội được mở rộng, các nhân viên công tác xã hội đã nhập các chuyên môn y tế khác vào lĩnh vựccung cấp các dịch vụ chất lượng cao. Ngày nay, các nhân viên công tác xã hội có mặt trong mọi bộ phận của hệ thống chăm sóc y tế. Vào năm 1977, NASW xuất bản bộ Tiêu chuẩn cho các Dịch vụ Xã hội Bệnh viện. Năm 1980, bộ Tiêu chuẩn cho ngành Công tác Xã hội trong các Cơ sở Chăm sóc Y tếđược xây dựng và thay thế bộ tiêu chuẩn bệnh viện. Giữa năm 1981 và 1982, Hội đồng Quản trị của NASW đã phê duyệt những tiêu chuẩn mới, và ba tiểu mục đã được xây dựng, phê duyệt và bổ sung vào bộ tiêu chuẩn chăm sóc y tế. Ba tiểu mục bao gồm Tiêu chuẩn về Công tác Xã hội với bệnh Khuyết tật Phát triển, Tiêu chuẩn về Công tác Xã hộitại các Cơ sở Điều trị Bệnh Thận Giai đoạn cuối, Tiêu chuẩn về Công tác Xã hội tại các Cơ sở Y tế Công cộng.

Vào những năm đầu thập niên 1980, một hệ thống thanh toán theo đầu người cho các dịch vụMedicare ở các cơ sở chăm sóc y tế cấp tính, gọi là các nhóm liên quan đến chẩn đoán (DRGs) đã được khởi xướng bởi chính phủ liên bang. Sáng kiến này, nói chung được biết đến như là hệ thống chăm sóc có quản lý, căn bản thay đổi tài chính của ngành chăm sóc y tế cho cả hệ thống chăm sóc y tế công cộng lẫn tư nhân. Chăm sóc có quản lý tập trung vào việc giảm thời lượng lưu trú ở các cơ sở chăm sóc cấp tính, điều này dẫn đến sựchuyển dịch căn bản trong vai trò của nhân viên công tác xã hội trong công tác chăm sóc y tế cấp tính. Các nhân viên công tác xã hội càng chú trọng hơn vào việc lập kế hoạch để chuyển tiếp cá nhân về nhà hay tới các cấp chăm sóc khác. Các dịch vụ công tác xã hội biến mất hoàn toàn tại một số cơ sở chăm sóc y tế một phần là do thiếu dữ liệu chứng tỏ tính hiệu quả của dịch vụ công tác xã hội, và sự cắt giảmngân sách dành cho các dịch vụ đó. Tuy nhiên trong các cơ sở khác, các nhân viên công tác xã hội đã thành công, giành được sự công nhận thông qua việc cung cấp các dịch vụ chuyên sâu trong rất nhiều môi trường chăm sóc y tế như chăm sóc giảm nhẹ, đạo đức, chăm sóc ngoại trú, hồi phục và các dịch vụ lão khoa.

Bộ Tiêu chuẩn NASW về Hoạt động Công tác Xã hội tại các Cơ sở Chăm sóc Y tế dựa trên sự đồng thuận của các chuyên viên công tác xã hội chăm sóc y tế trên khắp quốc gia và được thiết kế để tăng cường kiến thức, kỹ năng, giá trị và phương pháp của nhân viên công tác xã hội cần thiết để làm việc hiệu quả với các cá nhân, gia đình (hiểu theo nghĩa rộng), những nhà cung cấp chăm sóc y tế và cộng đồng khi hoạt động tại các cơ sở chăm sóc y tế.

Các Nguyên tắc Hướng dẫn Công tác Xã hội

Những giá trị cơ bản của công tác xã hội, từ việc thúc đẩy quyền tự quyết của cá nhân tới việc thể hiện thái độ đồng cảm với cá nhân đó, là nền tảng cho hoạt động công tác xã hội. Khi đối đầu với những tình huống khúc mắc hay những nhu cầu trong ngành chăm sóc y tế, các nhân viên công tác xã hội có thể sử dụng nguyên tắc quyền tự quyết của khách hàng trong những tình huống mà khách hàng hay người đại diện của họ phải đối mặt với những vấn đề như thế (NASW, 2004).

Các nhân viên công tác xã hội cần có năng lực văn hóa và nhận thức văn hóa, trong đó hoạt động công tác xã hội cần ứng xử một cách trân trọng,đồng thời khẳng định rõ giá trị và phẩm chất của con người thuộc mọi văn hóa, ngôn ngữ, tầng lớp, hoàn cảnh dân tộc, khả năng, tôn giáo, xu hướng giới tính và các khía cạnh đa dạng khác tìm thấy trong các cá nhân (NASW, 2001). Các nhân viên công tác xã hội cần nhìn vào môi trường cá nhân đang sống, bao gồm tất cả những nhân tố ảnh hưởng đến việc chăm sóc y tế tổng thể. Các nhân viên công tác xã hội hoạt động chăm sóc y tế ở cả cấp vĩ mô vàvi mô và vì thế có khả năng tác động lên sự phát triển và thay đổi chính sách ở các cấp địa phương, tiểu bang, liên bang và trong những hệ thống chăm sóc. Nghiên cứu công tác xã hội trong hoạt động chăm sóc y tế đem lại lợi ích không chỉ cho cá nhân và gia đình mà còn với sự tồn tại, tính hiệu quả và hiệu lực của chuyên ngành này. Các tiêu chuẩn dưới đây cung cấp hướng dẫn cho các nhân viên công tác xã hội đang hoạt động trong bất kỳ cơ sở chăm sóc y tế nào.

Các định nghĩa

Đạo đức sinh học

Đạo đức sinh học là sự phân tích và nghiên cứu những lý do nhân cách, đạo đức, pháp luật và xã hội gắn với kiến thức y khoa và sinh học. Nhiều cơ sở chăm sóc y tế đã tổ chức nhiều diễn đàn như các ủy ban đạo đức sinh học, ban xét duyệt chính thể hay các quy trình tư vấn để nhận biết các vấn đề và tình huống khó xử.

Quan điểm tâm linh-tâm sinh lý xã hội

Quan điểm về tâm linh-tâm sinh lý xã hội công nhận rằng các dịch vụ chăm sóc y tế phải lưu ý đến những phạm trù thể chất hay y khoa của bản thân chúng ta (sinh học); các phạm trù tâm lý và tình cảm (tâm lý); các vấn đề kinh tế xã hội, chính trị xã hội và văn hóa xã hội trong đời sống chúng ta (xã hội) và cách mọi người tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của mình (tâm linh). Cách tiếp cận này rút ra từ quan điểm về những thế mạnh của hoạt động công tác xã hội. Quan điểm về thế mạnhthừa nhận các thế mạnh và khả năng của một cá nhân khi đương đầu với những vấn đề khó khăn và việc nhận thức và sử dụng các thế mạnh của cá nhân là một phần nền tảng lý luận và thực tiễn của công tác xã hội. Quan điểm về những thế mạnh được nhìn nhận trong hoạt động công tác xã hội thông qua vai trò của chúng ta trong việc nâng cao các thế mạnh và nguồn lực cá nhân, giúp cho khách hàng giải quyết được các vấn đề môi trường và giữa cá nhân với nhau đồng thời giúp cho khách hàng vận động theo sự biến đổi. Quan điểm về thế mạnh giúp khách hàng sử dụng các lựa chọn thành công trong quá khứ, hành vi, kỹ năng và những hiểu biết sâu sắc để giải quyết hay “điqua” sự khủng hoảng hiện thời (Tomaszewski, E.P.,2004; Saleebey, 2003).

Quản lý Sự vụ

Quản lý sự vụ, thỉnh thoảng được sử dụng hoán đổi với khái niệm quản lý chăm sóc, là một quá trình cộng tác đánh giá, hoạch định, tạo điều kiện cho các dịch vụ và lựa chọn để đáp ứng những nhu cầu phức tạp của cá nhân. Vào thời điểm thích hợp, công tác này bao gồm sự bố trí, phối hợp, chỉ đạo, đánh giá và vận động thay mặt cho khách hàng và/hoặc gia đình của khách hàng đối với nhiều dịch vụ cần thiết trong các tổ chức chăm sóc y tế và dịch vụ xã hội. Quản lý sự vụ nhắm đến cả trạng thái tâm linh-tâm sinh lýxã hội của khách hàng cá nhân (cấp vi mô) cũng như tình trạng của hệ thống xã hội trong đó các dịch vụ đang hoạt động (cấp vĩ mô)

Khách hàng/Bệnh nhân/Người tiêu dùng

Những thuật ngữ này đề cập đến những cá nhân thụ hưởng chăm sóc và điều trị từ các bác sĩ và hệ thống nhân sự chăm sóc y tế liên minh. Các nhân viên công tác xã hội nói chung sử dụng thuật ngữ khách hàng để nhận dạng cá nhân, gia đình, tổ chức hay cộng đồng là những đối tượng đang tìm kiếm hoặc được đáp ứng các dịch vụ xã hội. Khách hàng thường được nhìn nhận cả với tư cách cá nhân lẫn hệ thống khách hàng hay những ngườithuộc môi trường của khách hàng. Thuật ngữ người tiêu dùng cũng được sử dụng trong các cơ sở coi khách hàng như người tiêu dùng, nghĩa là một người có khả năng quyết định những gì tốt nhất cho bản thân mình và khuyến khích sự tự vận động và tự phán quyết khi thương lượng các dịch vụ xã hội và hệ thống phúc lợi. Thuật ngữ bệnh nhânphổ biến hơn được sử dụng bởi các nhân viên công tác xã hội làm việc trong các cơ sở chăm sóc y tế (Barker, 2003).

Các hình thứcchăm sóc

Các hình thức chăm sóc bao gồm các dịch vụ công tác xã hội, y tế chuyên sâu, các dịch vụ hồi phục và dịch vụ tại gia mà người bị mắc bệnh mãn tính hay nghiêm trọng hoặc bị thương có thể cần đến. Các hình thức này hướng đến cả công tác chăm sóc lẫn các dịch vụ khác mà nâng cao thể trạng khỏe mạnh của khách hàng (Barker, 2003).

Tính liên tục của quá trình chăm sóc

Tính liên tục của quá trình chăm sóc đảm bảo sự phối hợp chăm sóc trong tổ chức hoặc giữa các cơ quan hoặc cơ sở khác nhau để giảm sự trùng lặp dịch vụ, để nhận biết các lỗ hổng trong các dịch vụ hiện có và đảm bảo tính nhất quán và liên tục của các dịch vụ cho khách hàng khi họ điều chuyển trong chăm sóc hoặc bãi trú.

Tình trạng bất lực

Tình trạng bất lực được xem như là tình trạng suy giảm tạm thời hoặc lâu dài năng lực hoặc chức năng hoạt động của khách hàng dựa trên sự mất khả năng khi thao tác một số hoạt động mà đa phần mọi người đều có thể làm được. Tình trạng bất lực có thể là bẩm sinh, có thể là kết quả của một tai nạn hay chứng trầm cảm, hoặc thường xuyên nhất là kết quả của những căn bệnh mãn tính (như tiểu đường, huyết áp).

Các Cơ sở Chăm sóc Y tế

Các cơ sở chăm sóc y tế là những khu vực hoạt động mà tại đó sự đánh giá, chăm sóc và điều trị đều hướng đến cải thiệntrạng thái tình cảm, tâm thần, thể chất, xã hộicủa con người; và hướng đến việc ngăn ngừa, phát hiện và điều trị các rối loạn thể chất và tâm thần với mục tiêu tăng cường thể trạng tinh thần và tâm sinh lý-xã hội của con người. Cơ sở chăm sóc y tế bao gồm toàn bộ nhân sự cung cấp các dịch vụ cần thiết (ví dụ: bác sĩ, nhân viên công tác xã hội, y tá và phục vụ bệnh viện); các cơ sở vật chất cung cấp dịch vụ thích hợp (ví dụ: bệnh viện, viện tế bần, cơ sở hỗ trợ cuộc sống; trung tâm y tế; trạm xá ngoại trú); và các cơ sở giáo dục và môi trường hoạt động giúp ngăn chặn bệnh tật (Barker, 2003).

Kế hoạch Y tế

Chăm sóc y tế được quản lý trong các tổ chức chính phủ, tổ chức nghiên cứu và y khoa và các viện giáo dục và trong các công tác ngăn ngừa, can thiệp sớm, điều trị và theo dõi. Kế hoạch gắn với việc xác định và đảm bảo số lượng nhân sự chăm sóc y tế cần thiết hiện tại và trong tương lai và làm thế nào để kiểm soát chi phí và tài chính. Nó bao gồm vị trí đặt cơ sở, làm cách nào để đáp ứng việc cung cấp các dịch vụ một cách hiệu quả và giảm đươcchi phí (Barker, 2003; NASW, 1987)

Chăm sóc có Quản lý

Chăm sóc có quản lý là một quá trình được thiết kế để quản lý chi phí chăm sóc y tế căn bản thông qua khu vực tư nhân, mặc dù các hệ thống theo đầu người của Medicare hoặc Medicaid cũng là một hình thức chăm sóc có quản lý. Đó là một kỹ thuật được sử dụng bởi các nhà cung cấp bảo hiểm và được đặc tính hóa bằng việc ủy quyền trước để tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân nhận được các dịch vụ đặc biệt; ủy quyền trước cho một hàm lượng chăm sóc theo qui định; xem xét điều trị và (những) phản hồitừ bệnh nhân; xem xét sử dụng; kế hoạch bãi trú trước để đảm bảo bệnh nhân sẵn sàng được xuất viện (đã thụ hưởng sự chăm sóc theo yêu cầu) và kế hoạch hậu chăm sóc. Kế hoạch chăm sóc có quản lý bao gồm các tổ chức cung cấp dịch vụ ưu tiên (PPOs), tổ chức bảo trì sức khỏe (HMOs) hoặc một phiên bản kết hợp thông qua kế hoạch dịch vụ-trọng điểm (POS).

Medicaid

Medicaid là một chương trình bảo hiểm y tế do chính phủ cấp vốn đáp ứng việc thanh toán các dịch vụ bệnh viện, nhà dưỡng lão, chăm sóc tại nhà, nha khoa và y khoa cho những người đáp ứng các điều kiện về khuyết tật và thu nhập hợp lệ. Chương trình của Medicaid là một chương trình cấp hạt/tiểu bang/liên bang và mặc dù có các tiêu chuẩn liên bang nhất định, các tiểu bang vẫn có thể lựa chọn quyền lợi nào để bảo hiểm hay không bảo hiểm. Medicaid, được quản trị bởi các Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid (CMS) là nguồn tài chính lớn nhất cho các dịch vụ liên quan đến y tế và y khoa dành cho người có thu nhập thấp (Centers for Medicare and Medicaid Services, 2004b).

Medicare

Medicare là một chương trình chăm sóc y tế quốc gia được quản trị bởi CMS, hầu hết dành cho người từ 65 tuổi trở lên, những người mắc các khuyết tật khác nhau dưới 65 tuổi và người đang bị mắc bệnh thận giai đoạn cuối (ESRD) bị suy thận vĩnh viễn đòi hỏi phải được ghép thận hoặc lọc máu (CMS,2004a). Medicare được tài trợ thông qua việc kết hợp góp vốn của người lao động và người thuê lao động (là một phần của chương trình An sinh Xã hội của mỗingười) lấy từ các loại thuế đặc biệt và lợi nhuận toàn liên bang. Vì Medicare là một chương trình liên bang, các lợi ích được thực hiện như nhau trên toàn bộ 50 bang.

Mô hình Y tế Công cộng

Mô hình Dịch vụ Y tế Công cộng chú trọng vào sức khỏe của cá nhân, gia đình và cộng đồng hoặc toàn bộ dân chúng. Chương trình được quản trị bởi các cơ quan địa phương, tiểu bang và liên bang. Mục đích của chương trình, các chính sách và nhân sự chăm sóc y tế là để ngăn ngừa và điều trị bệnh tật, nhận diện và loại bỏ các hiểm họa môi trường, kéo dài cuộc sống và nâng cao sức khỏe (Barker, 2003; NASW, 1987).

Tiêu chuẩn về Hoạt động Công tác Xã hội trong các Cơ sở Chăm sóc Y tế

Tiêu chuẩn 1. Giá trị và Quy tắc Đạo đức

Nhân viên công tác xã hội phải có kiến thức và hoạt độngphù hợp với hướng dẫn của Bộ Quy tắc Đạo đức NASW (NASW, 1999)

Giải thích

Nhiệm vụ chính của chuyên ngành công tác xã hội là nâng cao sức khỏe của con người và giúp đáp ứng những nhu cầu con người cơ bản cho toàn thể mọi người, quan tâm đặc biệt tới nhu cầu của những người dễ bị tổn thương, mất quyền công dân, bị áp bức và đang sống trong nghèo khổ. Nhiệm vụ này bắt nguồn từ một tập hợp các giá trị cốt lõi. Những giá trị cốt lõi này được gìn giữ bởi các nhân viên công tác xã hội xuyên suốt quá trình lịch sử chuyên ngành, là nền tảng quan điểm và mục đích duy nhất của ngành công tác xã hội:

  • Dịch vụ
  • Công bằng xã hội
  • Phẩm chất và giá trị của con người
  • Tầm quan trọng của những mối quan hệ con người
  • Tính liêm chính
  • Năng lực

Trong một hệ thống chăm sóc y tế đang phát triển bởi các tiến bộ công nghệ, những vấn đề và khúc mắc về đạo đức và luân lý đối với khách hàng, gia đình và các chuyên gia chăm sóc y tế cũng nảy sinh ngày càng nhiều và phức tạp.

Các cơ sở y tế đã thiết kế nhiều hệ thống khác nhau để đảm bảo sự ứng xử đạo đức trong những người làm nghề chăm sóc y tế. Các ủy ban về đạo đức thường được áp dụng để có thể xét duyệt “khách quan” chocác nhà cung cấp y tế, khách hàng và các gia đình khi có xung đột giữa các nhà cung cấp hoặc giữa nhà cung cấp, khách hàng và gia đình. Hội đồng xét duyệt chính thống được dùng để bảo vệ khách hàng khỏi nguy cơ của những thử nghiệm trong các dự án nghiên cứu. Giám sát công tác xã hội và tư vấn ngang cũng có thể được sử dụng để thảo luận các vấn đề đạo đức mà người làm nghề đang đối diện.

Tiêu chuẩn 2. Bất bình đẳng Y tế

Nhân viên công tác xã hội đang hoạt động trong các cơ sở chăm sóc y tế địa phương, tiểu bang, quốc gia hay quốc tế đòi hỏi có kiến thức và kỹ năng để giúp họ nhận ra và xử lý những bất bình đẳng và bất công đang hướng đến khách hàng, tổ chức và các cộng đồng liên quan đến việc tiếp cận chăm sóc và cung cấp các dịch vụ y tế.

Giải thích

Nhiều nhân viên công tác xã hội về phương diện lịch sử đã cung cấp các dịch vụ như một phần của các tổ chức dựa vào cộng đồng và các chương trình y tế công cộng để giải quyết những bất bình đẳng y tế trong nhóm người có ít khả năng tiếp cận được tới sự chăm sóc thỏa đáng nhất. Các nhân viên công tác xã hội có bổn phận đạo đức là nhận biết các nhu cầu của những nhóm người nói trên và vận động sự thay đổi để đảm bảo việc tiếp cận chăm sóc. Đào tạo các chuyên gia chăm sóc y tế để đạt được trình độ năng lực văn hóa- một hiểu biết về các mô hình và thuộc tính hoạt động của các nhóm người khác nhau-là một phần thiết yếu của công tác giáo dục cơ bản và thường xuyên đối với các chuyên viên chăm sóc y tế bao gồm các nhân viên công tác xã hội (Gilbert, 2003).

Y tế là một vấn đề về có liên quan tới cả mặt kinh tế và mặt xã hội. Cả trong nước và quốc tế, các nhân viên công tác xã hội hoạt động chăm sóc y tế phải phấn đấu để đạt được kiến thức về chăm sóc sức khỏe bao gồm: hành vi ứng xử, chi tiêu, các cải cách, hệ thống, ê kíp, bảo hiểm, các tổ chức bảo trì sức khỏe, các hành vi bảo vệ sức khỏe và nhiều thứ khác. Các nhân viên công tác xã hội phải giúp đỡ khách hàng tiếp cận được với dịch vụ chăm sóc y tế khi họ điều phối giữa và trong các hệ thống cung cấp dịch vụ phức tạp vànhững quyền hạn pháp lý.

Các thực thể khác nhau hình thành lên các chính sách công và toàn cầu ở mọi quốc gia. Vì thế, các nhân viên công tác xã hội phải bắt kịp các chính sách để giúp đỡ các khách hàng một cách thành thạo và đánh giá các yếu tố thể chất, môi trường, lịch sử, hoàn cảnh, văn hóa và cấu trúc có ảnh hưởng đến các hệ thống chăm sóc y tế.

Khả năng tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc y tế điều trị, ngăn ngừa và giảm nhẹ phụ thuộc phần lớn vào khả năng thanh toán của khách hàng, và thông thường mọi người không thể có đủ khả năng trả các loại phí hiện hành. Trong nhiều bệnh viện dựa vào cộng đồng phi lợi nhuận, các dịch vụ được cung cấp theo hình thức “đến trước phục vụ trước” (thường phải đợi lâu và xếp hàng dài), bị giới hạn bởi sự thiếu hụt trang thiết bị và nguồn cung ứng. Hơn thế nữa, các hệ thống chăm sóc tư nhân xuất hiện cùng các hệ thống công cộng và các nhà cung cấp y tế khác để chăm sóc cho những người được bảo hiểm ít hay không được bảo hiểm đang cần đến dịch vụ y tế,lại thích chăm sóc cho những người có khả năng trả tiền để sử dụng dịch vụ hơn.

Khi những vấn đề hiện thực này còn tồn tại, các nhân viên công tác xã hội sẽ phải hành động như một người môi giới, người vận động và người tư vấn cho các khách hàng.

Tiêu chuẩn 3. Năng lực Văn hóa

Các nhân viên công tác xã hội phải phát triển và duy trì một hiểu biết về lịch sử, truyền thống, các giá trị và hệ thống gia đình của các nhóm khách hàng khi họ tham gia công tác chăm sóc y tế và ra quyết định. Để tuân thủ Bộ Tiêu chuẩn NASW về Năng lực Văn hóa trong Hoạt động Công tác Xã hội (NASW, 2001), nhân viên công tác xã hội phải có một sự nhạy bén và nhận thức đối với sự đa dạng của các nhóm văn hóa và hài hòa kiến thức này vào hoạt động nghề nghiệp của mình.

Giải thích

Tầm quan trọng của sự nhận biết, tôn trọng và thấu hiểu các nền văn hóa và niềm tin về sức khỏe liên quan khác đặt ra một nền tảng xây dựng các mối liên minh trị liệu với khách hàng và gia đình. Các nhân viên công tác xã hội có trách nhiệm tự phản ánh vềảnh hưởng của niềm tin văn hóa bản thân đến chuyên môn và cuộc sống cá nhân.

Các nhân viên công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc y tế cần tiếp cận được từng hoạt động tương tác giữa khách hàng và gia đình của họ xuất phát từ quan điểm nhận thức và tôn trọng văn hóa. Điều này bao hàm việctránh rập khuôn những cá nhân dựa trên những tương đồng với nhóm giả định và thay vào đó hỏi các cá nhân mặt nào trong văn hóa của họ có ý nghĩa trong việc thấu hiểu các nhu cầu chăm sóc y tế cụ thể. Các nhân viên công tác xã hội cần thừa nhận rằng các yếu tố tôn giáo, tâm linh, văn hóa, sắc tộc có thể tác động đến những lựa chọn chăm sóc y tế và việc tham gia vào cácchế độ y tế.

Đánh giá đúng các ảnh hưởng văn hóa đặc biệt quan trọng đối với khách hàng khi gặp các vấn đề y tế khẩn cấp như sinh nở, chẩn đoán bệnh nặng và đối mặt với thời điểm cận tử. Các nhân viên công tác xã hội có trách nhiệm hỗ trợ hệ thống khách hàng và gia đình trong việc thực hiện các hoạt động có ý nghĩa văn hóa bất kỳ lúc nào có thể. Khi cung cấp các dịch vụ mang tính chất năng lực văn hóa, các nhân viên công tác xã hội cần làm theo hướng dẫn trong bộ Tiêu chuẩn NASW về Năng lực Văn hóa và Hoạt động Công tác Xã hội(NASW, 2001)

Tiêu chuẩn 4. Tính bảo mật

Các nhân viên công tác xã hội hoạt động chăm sóc y tế sẽ duy trì những cơ chế bảo vệ thích hợp đối với sự riêng tư và bảo mật thông tin khách hàng.

Giải thích

Các nhân viên công tác xã hội phải làm quen và tuân thủ những quy định bắt buộc của liên bang, tiểu bang và địa phương liên quan đến tính bảo mật. Phán quyết chuyên môn trong việc sử dụng các thông tin bảo mật sẽ dựa trên những cân nhắc tốt nhất về luật pháp, đạo đức và hoạt động (bao gồm các quy định của Đạo luật Trách nhiệm và Linh hoạt Bảo hiểm Y tế [HIPPA]). Các khách hàng, gia đình và các chuyên viên khác cần nắm được thông tin về các yêu cầu và hạn chế củatính bảo mật trước khi các dịch vụ được đề xướng và trong mọi giai đoạn trải nghiệm chăm sóc y tế.

Tiêu chuẩn 5. Kiến thức

Các nhân viên công tác xã hội trong các cơ sở chăm sóc y tế phải chứng tỏ kiến thức công việc về mặt lý thuyết và thực hành thông dụng và ứng dụng hài hòa những thông tin đó vào thực tế.

Giải thích

Các nhân viên công tác xã hội sử dụng các kiến thức và các suy đoán tâm lý-xã hội về bệnh tật, thương tổn và những điều kiện y tế để đáp ứng các dịch vụ công tác xã hội cho khách hàng và gia đình, giúp họ quản lý và đương đầu với những ảnh hưởng của các vấn đề sức khỏe. Các nhân viên công tác xã hội phải có chuyên môn trong giao tiếp; điều phối các hệ thống chăm sóc, các nguồn lực, các kỹ năng đối diện của khách hàng và gia đình và tác động toàn diện của những vấn đề y tế tới khách hàng. Với quan điểm con người-trong-môi trường, các nhân viên công tác xã hội xem xét tất cả những ảnh hưởng và phạm trù của đời sống cá nhân để hoàn chỉnh một kế hoạch đánh giá và điều trị xuyên suốt với khách hàng, gia đình và các chuyên gia chăm sóc y tế khác.

Các lĩnh vực kiến thức và hiểu biết thiết yếu trong hoạt động chăm sóc y tế bao gồm:

  • Vai trò và chức năng của công tác xã hội trong hoạt động chăm sóc y tế
  • Những nhu cầu tâm sinh lý-xã hội của khách hàng và gia đình
  • Những yếu tố sinhlý của bệnh tật và tác động của chúng lên chức năng hoạt động tâm lý-xã hội
  • Các nhu cầu tâm lý và tâm linh của khách hàng và gia đình và cách thức để đảm bảo chúng được quan tâm.
  • Các nguồn lực cộng đồng để trợ giúp khách hàng và gia đình
  • Những bất bình đẳng giữa các nền văn hóa và nhóm kinh tế trong việc tiếp cận và tài trợ cho hoạt động chăm sóc y tế
  • Các vấn đề và khúc mắc về pháp lý và đạo đức
  • Các bộ luật, quy định và chính sách ảnh hưởng đến khách hàng, gia đình và hoạt động công tác xã hội
  • Các tiêu chuẩn về chứng nhận vàquy chế về quản lý các cơ sở cung cấp hoạt động chăm sóc y tế
  • Các hoạt động dựa trên bằng chứng và các nghiên cứu công tác xã hội trong hoạt động chăm sóc y tế
  • Nhu cầu của các nhóm dân cư đặc biệt

Tiêu chuẩn 6. Đánh giá

Các nhân viên công tác xã hội sẽ phải thực hiện các đánh giá thường xuyên bao gồm cả việc thu thập các thông tin toàn diện để sử dụng trong việc triển khai các can thiệp và chiến lược điều trị.

Giải thích

Đánh giá là một nền tảng cơ bản của hoạt động công tác xã hội. Các chiến lược/kế hoạch điều trị và can thiệp đòi hỏi các nhân viên công tác xã hội phải đánh giá và tái đánh giá các nhu cầu của khách hàng vàchỉnh sửa các kế hoạch cho phù hợp. Các đánh giá công tác xã hội trong các cơ sở chăm sóc y tế bao gồm việc xem xét các yếu tố tâm lý-xã hội, sinh y học và tâm linh cũng như các nhu cầu của cá nhân khách hàng và gia đình (theo cách hiểu của khách hàng) (NASW, 2004).

Các đánh giá năng lực văn hóa toàn diện bao gồm:

  • Tình trạng sức khỏe hiện tại và trong quá khứ bao gồm lịch sử di truyền sức khỏe gia đình
  • Tác động của những điều kiện y tế hoặc điều trị lên chức năng hoạt động nhận thức, tình cảm, xã hội, giới tính, tâm lý-xã hội hay thể trạng
  • Tác động lên hình ảnh cơ thể, sự thân mật và hoạt động tình dục
  • Lịch sử xã hội bao gồm các sắp xếp cuộc sống hiện tại và môi trường gia đình
  • Công việc, trường học, và lịch sử nghề nghiệp
  • Từng giai đoạn trong vòng đời và các vấn đề phát triển liên quan
  • Các giá trị văn hóa và tín ngưỡng, bao gồm những quan niệm về bệnh tật, khuyết tật và cái chết
  • Cấu trúc gia đình và vai trò của khách hàng trong gia đình
  • Những hỗ trợ xã hội, bao gồm các hệ thống hỗ trợ chính thức và không chính thức
  • Tình trạng sức khỏe tâm thần và hành vi, mức độ hoạt động chức năng hiện tại bao gồm lịch sử, nguy cơ tự tử và phong cách đối phó.
  • Các nguồn tài chính bao gồm việc tiếp cận và loại hình bảo hiểm y tế

Các đánh giá toàn diện sẽ cho thấy những nhu cầu riêng liên quan tới các nhóm cư dân đặc biệt, bao gồm trẻ em, những người bị bệnh tâm thần nghiêm trọng và dai dẳng, người nhập cư và tị nạn, những người bị các rối loạn sử dụng thuốc, nạn nhân của bạo lực hay sang chấn, người vô gia cư và những người bị các khuyết tật thể chất hay tâm thần.

Tiêu chuẩn 7. Lập Kế hoạch Điều trị và Can thiệp

Các nhân viên công tác xã hội tiến hành các kế hoạch can thiệp và điều trị nhằm nâng cao thể trạng khỏe mạnh của khách hàng và đảm bảo sự chăm sóc liền mạch. Kế hoạch sẽ dựa trên sự đánh giá năng lực văn hóa toàn diện cùng với tư liệu liên ngành.

Giải thích

Các kế hoạch điều trị và can thiệp là những bước mà các nhân viên công tác xã hội phải nhận diện trong khi cộng tác với khách hàng và thành viên ê kíp để đạt được những mục tiêu đồng nhất trong quá trình đánh giá. Các nhân viên công tác xã hội sẽ có thể phải thay đổi các kỹ thuật hoạt động nhằm đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của khách hàng trong các cơ sở chăm sóc y tế của mình để làm việc hiệu quả với các cá nhân trong suốt cuộc đời, với các dân tộc khác nhau, văn hóa, tôn giáo và hoàn cảnh giáo dục và kinh tế xã hội khác nhau đồng thời với nhiều tình trạng khuyết tật và sức khỏe tâm thần (NASW, 2004).

Các kế hoạch điều trị và can thiệp bao gồm:

  • Các chiến lược để giải quyết các nhu cầu được chỉ ra trong quá trình đánh giá
  • Thông tin, sự giới thiệu và giáo dục
  • Tư vấn cá nhân, gia đình hay theo nhóm
  • Tư vấn hỗ trợ, giáo dục và nghề nghiệp
  • Các nhóm hỗ trợ tâm lý giáo dục
  • Tư vấn tài chính
  • Quản lý sự vụ
  • Kế hoạch bãi trú
  • Sự cộng tác và kế hoạch chăm sóc liên ngành
  • Vận động khách hàng và các hệ thống
  • Mục đích và kết quả

Tiêu chuẩn 8. Quản lý Sự vụ

Quản lý sự vụ trong công tác xã hội sẽ tối ưu hóa hoạt động chức năng của khách hàng. Quản lý sự vụ tạo điều kiện cho việc cộng tác giữa các nhà cung cấp để nhận biết được những nhu cầu tâm lý xã hội và y sinh học nhằm đáp ứng tốt hơn các dịch vụ chăm sóc y tế hữu ích, hiệu quả và thỏa đáng cho khách hàng theo các nhu cầu đa dạng

Giải thích

Quản lý sự vụ trong công tác xã hội đòi hỏi người nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp phải phát triển và duy trì một mối quan hệ trị liệu với khách hàng, bao gồm kết nối khách hàng với các nguồn lực mà cung cấp nhiều các dịch vụ, tài nguyên và các cơ hội nâng cao hiệu quả chất lượng thành công cho khách hàng. Quản lý sự vụ có năng lực văn hóa về bản chất vừa mang tính vi mô lẫn vĩ mô và đòi hỏi phải lên kế hoạch chăm sóc liên ngành và cộng tác với các chuyên gia khác để duy trì sự tiếp cận theo nhóm. Quản lý sự vụ có thể bao gồm tổ chức các cuộc gặpthường xuyên với khách hàng và gia đình, trợ giúp khách hàng hướng đến các hệ thống.

Phạm vi dịch vụ sẽ bao gồm như sau:

  • Đánh giá tâm lý-xã hội bao gồm các chẩn đoán, các kế hoạch can thiệp và điều trị
  • Đánh giá, can thiệp và lập kế hoạch tài chính
  • Tạo điều kiện thuận lợi cho các sự vụ
  • Tư vấn khách hàng và gia đình
  • Can thiệp khủng hoảng
  • Cải thiện chất lượng
  • Môi giới/Giới thiệu/Phát triển các nguồn lực
  • Lập kế hoạch chăm sóc xuyên suốt
  • Hội nhập hệ thống
  • Định lượng hoạt động/kết quả
  • Cộng tác/Làm việc nhóm
  • Giáo dục gia đình/bệnh nhân
  • Vận động gia đình/ bệnh nhân

Tiêu chuẩn 9. Trao quyền và Vận động

Các nhân viên công tác xã hội có trách nhiệm vận động vì nhu cầu và lợi ích của khách hàng và hệ thống các khách hàng trong chăm sóc y tế, bao gồm vận động để thay đổi hệ thống rộng hơn nhằm đáp ứngsự tiếp cận chăm sóc và cải thiện sự phân phối các dịch vụ.

Giải thích

Các nhân viên công tác xã hội có trách nhiệm đặc biệt vận động cho các nhu cầu của những người mất quyền công dân và dễ bị tổn thương nhất ở cả cấp độ vĩ mô lẫn vi mô. Các nhân viên công tác xã hội sẽ nhận dạng những rào cản đối với dịch vụ và chủ động tìm kiếm cách giải quyết chúng. Trách nhiệm vận động cho những cải thiện chất lượng cũng bao hàm rằng trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội y tế là hành động với tư cách là các nhà vận động để mở rộng vai trò của chuyên môn, phát triển các chương trình lãnh đạo và tư vấn cho những chuyên viên mới.

Tiêu chuẩn 10. Giáo dục Khách hàng và Cộng đồng

Các nhân viên công tác xã hội có nhiệm vụcủa những nhà sư phạm đối với khách hàng, gia đình, cộng đồng và các chuyên viên khác về việc ngăn ngừa bệnh tật, ảnh hưởng và tiến triển của bệnh tật, vận động cho những lợi ích, giữ gìn sức khỏe và gắn với các loại hình điều trị.

Giải thích

Các nhân viên công tác xã hội có vai trò chính thức là những nhà sư phạm. Họ phải tiếp thu những kiến thức và chuyên môn trong cơ sở hoạt động y tế từ giáo dục chính quy và các chuyên viênkhác, hay từ kinh nghiệm giảng dạy.Họ có kiến thức và kỹ năng để thực hiện các nguyên tắc lý thuyết được học trong các chương trình giáo dục, các hoạt động và nguồn lực. Họ truyền đạt và cộng tác với các phòng ban và các nhân viên khác để bồi dưỡng giáo dục khách hàng. Họ giúp các thành viên khác của ê kíp chăm sóc y tế trong việc đánh giá, thực hiện, hoạch định và phát triển chương trình và nguồn lực.

Các nhân viên công tác xã hội sử dụng nhiều phương pháp để xác định và nhận biết các nhu cầu học hỏi của các cá nhân và gia đình. Đánh giá nhận biết các nhu cầu giáo dục dựa trên những nhu cầu cấp bách của cá nhân, các thành viên gia đình và bạn đời. Nhân viên công tác xã hội cần nhận biết những thiếu hụt trong nền tảng kiến thức của khách hàng và làm việc với khách hàng để có được những thông tin và tài nguyên cần thiết. Các nhân viên công tác xã hội cộng tác với ê kíp chăm sóc y tế để thiết kế ra các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu của khách hàng, phân phối các hoạt động theo phương pháp tạo thuận lợi cho nhu cầu học tập, và đánh giá quá trình học tập một cách hệ thống, toàn vẹn và liên tục.

Tiêu chuẩn 11. Làm việc nhóm và Cộng tác

Các nhân viên công tác xã hội sẽ tham gia vào các ê kíp chăm sóc và cộng tác với các chuyên viên, tình nguyện viên và các đoàn thể khác trong và ngoài cơ sở hoạt động của họ để tăng cường mọi mặt hoạt động chăm sóc khách hàng và hệ thống gia đình.

Giải thích

Các nhân viên công tác xã hội tham gia vào nhiều ê kíp chăm sóc, đặc biệt là các nhóm liên ngành. Những ê kíp này thường đáp ứng sự chăm sóc và thông tin toàn diện tại nhà của khách hàng, tại các cơ sở chăm sóc y tế tâm thần, nội trú hay ngoại trú.

Khi là thành phần trong các ê kípvà tổ chức cộng tác như vậy, các nhân viên công tác xã hội sẽ chứng tỏ được khả năng:

  • Hiểu biết chức năng và nhiệm vụ của đoàn thể hay tổ chức dịch vụ mà nhân viên công tác xã hội làm việc
  • Hiểu được vai trò của các chuyên ngành và tổ chức liên quan khác
  • Giao tiếp và hợp tác phù hợp với các cơ quan và ngành khác
  • Đảm bảo vai trò và trách nhiệm công tác xã hội được mô tả và truyền đạt rõ ràng đến các thành viên khác của ê kíp
  • Đảm bảo vai trò và trách nhiệm của mỗi tổ chức cộng tác được mô tả và truyền đạt rõ ràng
  • Vận động cho những thay đổi trong công tác chăm sóc mà phản ánh những lợi ích của khách hàng và hệ thống khách hàng
  • Truyền đạt các thông tin khách hàng theo phương thức khách quan và tôn trọng, bảo vệ tính bảo mật và sự riêng tư của khách hàng
  • Chia sẻ các chức năng ra quyết định và lãnh đạo

Tiêu chuẩn 12. Khối lượng công việc

Các nhân viên công tác xã hội hoạt động chăm sóc y tế cần duy trì một khối lượng công việc cho phép sự đáp ứng dịch vụ công tác xã hội chất lượng và hiệu quả. Quy mô nhân viên công tác xã hội sẽ đại diện cho phạm vi và độ phức tạp của tổ chức cũng như bản chất và số lượng của nhóm dân được phục vụ.

Giải thích

Cả tổ chức hay cơ sở chăm sóc y tế lẫn nhân viên hay lãnh đạo đều có trách nhiệm chung trong việc thiết lập và duy trì một khối lượng công việc mà cho phép những can thiệp thích hợp và thỏa đáng vàquản lý các dịch vụ và kết quả. Một khối lượng công việc bao gồm bất kỳ chức năng công tác xã hội nào được thực hiện vì mục đích vị trí công tác xã hội, bao gồm hoạt động trực tiếp, quản lý, chính sách, nghiên cứu hay giáo dục. Khối lượng công việc cũng phản ánh những đòi hỏi của nhóm dân số được phục vụ và có thể bao gồm phạm vi của công tác xã hội ngoài giờ làm việc hàng ngày. Đó là trách nhiệm chung của tổ chức và nhân viên công tác xã hội khi giải quyết các vấn đề liên quan đế khối lượng công việc.

Tiêu chuẩn 13. Hồ sơ Tài liệu

Các nhân viên công tác xã hội sẽ duy trì các hồ sơ hay tài liệu vềcác dịch vụ công tác xã hội trong đó phản ánh các thông tin phù hợp của khách hàng và hệ thống khách hàng trong việc đánh giá và điều trị; sự tham giacủa công tác xã hội và các kết quả của hoặc với khách hàng, và theo các mục đích chăm sóc và các quy định, chính sách quản trị và luật pháp.

Giải thích

Tầm quan trọng của các tài liệu được tổ chức súc tích và rõ ràng phản ánh sự kiểm chứng các dịch vụ công tác xã hội chất lượng và thường có tác dụng như là phương thức giao tiếp giữa một nhân viên công tác xã hội với các khách hàng và những chuyên viên khác. Có những yếu tố cốt lõi cần phải được tính đến và những trách nhiệm để theo dõi việc bảo quản hồ sơ. Những yếu tố và trách nhiệm của tài liệu toàn diện và xuyên suốt này bao gồm như sau:

  • Các dịch vụ và đánh giá toàn diện cung cấp cho khách hàng và những hệ thống khách hàng, bao gồm sự triển khai một kế hoạch chăm sóc
  • Các đánh giá, can thiệp và kế hoạch điều trị đang diễn ra
  • Những mục đích và kế hoạch phản ánh một tuyên bố thỏa thuận cụ thểvới khách hàng, hệ thống khách hàng và đóng góp củaê kíp.
  • Các nguồn giới thiệu và những tổ chức cộng tác
  • Ngày tháng, thời gian và bản mô tả các lần tiếp xúc khách hàng và hệ thống khách hàng
  • Hồ sơ tài liệu về các kết quả
  • Lý do di chuyển và kết thúc sự vụ
  • Văn bản cho phép việc công bố và thu nạp các thông tin phù hợp
  • Hồ sơ tài liệu về việc tuân thủ các quyền và trách nhiệm bảo mật
  • Hồ sơ tài liệu biên lai thu chi và các khoản giải ngân

Tiêu chuẩn 14. Công tác Nghiên cứu

Các nhân viên công tác xã hội hiểu cách lập kế hoạch nghiên cứu, phương pháp học, những kết quả dựa trên bằng chứng và sự định lượng chương trình.

Giải thích

Các nhân viên công tác xã hội có trách nhiệm làm quen với các tài liệu quan trọng trong lĩnh vực hoạt động của mình. Làcác chuyên viên, nhân viên công tác xã hội trong tất cả các cơ sở phải cải thiện kiến thức trong lĩnh vực của mình và cách tốt nhất để hoàn thành điều này là tham gia vào các hoạt động nghiên cứu.

Những nơi mà các nhân viên công tác xã hội hoạt động chăm sóc y tế có thể phát triển, thực hiện hoặc định lượng nghiên cứu là các cơ sở dựa vào bệnh viện nội trú và ngoại trú, cộng đồng hay các cơ quan y tế tại nhà và mạng lưới nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng do liên bang tài trợ. Các tài nguyên dữ liệu phong phú cho phép các cơ hội nghiên cứu định lượng và định tính đều đang có trong các thực thể này.

Các thử nghiệm lâm sàng (Những đánh giá mang tính phương pháp luận về độ an toàn và hiệu quả trong việc điều trị mới hay phương pháp mới nhằm quản lý những điều trị hiện thời) giúp trả lời những câu hỏi khoa học và phụ thuộc rất lớn vào sự tham dự có cam kết của những người tham gia nghiên cứu. Các nhân viên công tác xã hội có thể giúp các bác sĩ, y tá, dược sĩ và những người khác tuyển dụng các cá nhân và khuyến khích sự tham gia nghiên cứu và làm theonhững phương pháp y học. Họ cũng có thể giúp các khách hàng quản lý những vấn đề có thể cản trở sự điều trị và duy trì, như những tình huống thách thức của cuộc sống và những yêu cầu từ các thành viên gia đình.

Tiêu chuẩn 15. Cải thiện Hoạt động

Các nhân viên công tác xã hội hoạt động chăm sóc y tế là một phần của sự định lượng hoạt động bản thân chính thức đểđánh giá chất lượng và sự phù hợp của các dịch vụ, cải thiện hoạt động và đảm bảo năng lực.

Giải thích

Các nhân viên công tác xã hội được đào tạo để tạo thuận lợi cải thiện vàthay đổi các quy trình trong đó hoạt động chăm sóc y tế được cung cấp. Họ có trách nhiệm đạo đức thúc đẩy những cải thiện về qui trình nhằm tăng độ an toàn, sự thỏa mãn, sự chăm sóc hiệu quả và năng suất cho khách hàng và người tiêu dùng, đồng thời nhận diện và thúc đẩy sự chăm sóc công bằng và những hoạt động tốt nhất trên nền tảng đa ngành.

Sự định lượng hoạt động công tác xã hội là một phần sống còn của việc đáp ứng dịch vụ công tác xã hội. Các phương pháp để định lượng hoạt động như vậy bao gồm xét duyệt ngang, tự định lượng, giám sát và các phương pháp nghiên cứu khác. Hơn thế nữa, các kết quả công tác xã hội từ những định lượng được sử dụng cho việc điều chỉnh chức vụ, đánh giá hoạt độngvà các tiêu chuẩn hoạt động công tác xã hội, thiết lập mục tiêu và các nỗ lực nghiên cứu. Các hoạt động định lượng có thể bao gồm những vấn đề sau:

  • Sử dụng các công cụ phù hợp như các chỉ số lâm sàng, hướng dẫn hoạt động, các khảo sát và đo lường về độ hài lòng của người tiêu dùng và các đánh giá hoạt động được chuẩn hóa.
  • Đánh giá cả những mục tiêu quy trình và kết quả
  • Gắn khách hàng và hệ thống khách hàng, các đồng nghiệp vào quy trình định lượng
  • Bảo vệ sự riêng tư của khách hàng và hệ thống khách hàng và những chuyên viên khác
  • Phổ biến các dữ liệu định lượng tới các khách hàng, người thanh toán và các chuyên viên khác dựa trên yêu cầu và tôn trọng triệt để các quyền riêng tư.
  • Sử dụng những công cụ định lượng bên ngoài nếu thấy phù hợp
  • Tham gia vào hoạt động nghiên cứu công tác xã hội

Tiêu chuẩn 16. Tiếp cận Thông tin và Công nghệ

Các nhân viên công tác xã hội hoạt động chăm sóc y tế có quyền tiếp cận vào công nghệ vi tính và Internet vì sự cần thiết giao tiếp điện tử và tìm kiếm các thông tin trên Web cho mục đích giáo dục, kết nối và nguồn lực là yêu cầu thiết yếu cho hoạt động năng suất và hiệu quả.

Giải thích

Các chuyên viên chăm sóc y tế kể cả các nhân viên công tác xã hội giao tiếp, học hỏi, giáo dục và lưu trữ tài liệu cần sử dụng công nghệ vi tính như một nền tảng thường nhật. Các nhân viên công tác xã hội cần sự đào tạo ban đầu và thường xuyên về các ứng dụng công nghệ liên quan đến hoạt động của họ bao gồm chăm sóc lâm sàng, nghiên cứu, chính sách, giáo dục, tìm kiếm nguồn lực và quản trị. Các nhân viên công tác xã hội sẽ liên tục theo sát các hướng dẫn về quyền riêng tư về vấn đề thông tin bảo mật của khách hàng, gia đình và các nhà cung cấp chăm sóc y tế khác.

Những Tiêu chuẩn về Lãnh đạo, Giáo dục và Phát triển Chuyên môn

Tiêu chuẩn 17. Năng lực Trình độ

Các nhân viên công tác xã hội hoạt động chăm sóc y tế cần đáp ứng những điều khoản về hoạt động được lập ra bởi NASW. Một số lượng vừa đủ nhân sự công tác xã hội có trình độ sẽ đưa vào biên chế để lập kế hoạch, cung cấp và định lượng các dịch vụ công tác xã hội.

Giải thích

Các nhân viên công tác xã hội hoạt động chăm sóc y tế cần có bằng công tác xã hội của một trường đào tạo được chứng nhận bởi Hội đồng Giáo dục Công tác Xã hội (CSWE). Là một chuyên môn đặc biệt trong nghề công tác xã hội, công tác xã hội chăm sóc y tế đòi hỏi kiến thức chuyên sâu được ghi rõ trong những Tiêu chuẩn này. Các nhân viên công tác xã hội cần tiếp nhận kiến thức và kỹ năng thiết lập từ việc tham gia hay thực tập trong một cơ sở chăm sóc y tế, tốt nhất là dưới sự giám sát của ngành công tác xã hội.

Nhân viên công tác xã hội trong vai trò lãnh đạo như quản lý hoặc giám đốc cần có bằng cấp ở trình độ hoạt động cao cấp và có thể thực hiệngiám sát về giấy phép hành nghề. Kinh nghiệm của nhân viên công tác xã hội sẽ thể hiện ở các kỹ năng hoạt động cao cấp và những phán quyếtbộc lộ tiến bộ về năng lực chuyên môn và các kỹ năng quản lý giám sát.

Tiêu chuẩn 18. Giáo dục Thường xuyên

Các nhân viên công tác xã hội hoạt động chăm sóc y tế sẽ đảm nhận trách nhiệm phát triển chuyên môn bản thân theo bộ Tiêu chuẩn NASW về Giáo dục Thường xuyên (NASW, 202) và các yêu cầu của tiểu bang.

Giải thích

Các nhân viên công tác xã hội cần duy trì kiến thức về các tiến bộ và chẩn đoán y khoa, các hệ quả tâm lý-xã hội của bệnh tật, thương tổn, khuyết tật và điều trị. Để hoàn thành mục tiêu này, các nhân viên công tác xã hội sẽ phải thường xuyên tìm cách cải thiện hoạt động của họ thông qua giáo dục và đào tạo và chia sẻ kiến thức với những đồng nghiệp khác. Những cơ hội cho việc giáo dục chuyên môn luôn sẵn có thông qua các tổ chức chăm sóc y tế; các khóa học và đề tài trên Web của NASW; sự tham gia và đóng góp và các hội thảo chuyên ngành,các khóa đào tạo và các hoạt động khác; các nghiên cứu tâm lý-xã hội hiện có; các mô hình hoạt động hiện hành và các ấn phẩm chuyên ngành.

Các nhân viên công tác xã hội sẽ trợ giúp để nhận biết các đề tài tâm lý-xã hội và chăm sóc y tế chophát triển phát triển chuyên môn bằng cách tham gia vào nghiên cứu; bằng cách khuyến khích các tổ chức và học viện cộng tác, vận động và cung cấp giáo dục phù hợp cho lĩnh vực này, và từ hoạt động y học lâm sàng.

Tiêu chuẩn 19. Giám sát

Một người lãnh đạo hay giám sát công tác xã hội cần sẵn sàng đáp ứng công việc giám sát đội ngũ nhân viên công tác xã hội hoạt động chăm sóc y tế dựa trên những trách nhiệm của họ trong hoạt động, nghiên cứu, chính sách, định hướng và giáo dục.

Giải thích

Mục đích của việc giám sát là tăng cường các kỹ năng và kiến thức chuyên môn của nhân viên công tác xã hội y học lâm sàng, tăng cường năng lực trong việc đáp ứng chăm sóc bệnh nhân một cách chất lượng. Sự giám sát hỗ trợ việc phát triển nâng cao chuyên môn và cải thiện các kết quả y học lâm sàng. Các nhân viên công tác xã hội có kinh nghiệm cần phải giúp tư vấn và hướng dẫn sinh viên, thực tập sinh, và những đồng nghiệpít kinh nghiệm. Tư vấn và hướng dẫn tách biệt khỏi giám sát và có thể được đáp ứng trong các cơ hội tư vấn.

Tiêu chuẩn 20. Lãnh đạo

Các nhân viên công tác xã hội ở tất cả các cơ sở chăm sóc y tế có trách nhiệm đáp ứng vị trí lãnh đạo nhằm đảm bảo tiếp cận hoạt động chăm sóc, cải thiện và duy trì chất lượng chăm sóc mà một cơ quan hay tổ chức cung cấp. Các kỹ năng lãnh đạo có thể được bộc lộ trong các ê kíp và nhóm trong các cơ sở chăm sóc y tế và bao gồm cả việc cố vấn cho những người khác trong và ngoài chuyên ngành công tác xã hội.

Giải thích

Các lãnh đạo công tác xã hội thường cần bộc lộ kiến thức, kỹ năng và năng lực trong các lĩnh vực sau:

  • Quản lý/quản trị, bao gồm giám sát, tư vấn, đàm phán và chỉ đạo
  • Kiến thức chuyên sâu về cách điều hành trong ê kíp chăm sóc trong đó có nhiều chuyên ngành tham gia.
  • Nghiên cứu và giáo dục
  • Các tiêu chuẩn chuyên môn, đạo đức và pháp luật áp dụng vào hoạt động công tác xã hội y tế bao gồm các tiêu chuẩn về hồ sơ tài liệu (dạng bản cứng và bản mềm) và các hoạt động cải thiện chất lượng
  • Khả năng ưu tiên hóa các nhu cầu về dịch vụ công tác xã hội và đề xuất chỉnh sửa đối với các cấp độ trang bị nhân sự phù hợp dựa trên các tiêu chuẩn ngành nghề và tài liệu hiện hành.
  • Trình độ năng lực công tác xã hội, hiệu suất và giáo dục thường xuyên
  • Các chính sách và quy định ảnh hưởng đến hoạt động công tác xã hội và chăm sóc bệnh nhân và gia đình
  • Các thông tin về việc tiếp cận chăm sóc y tế đối với các nhóm dân cư thứ yếu và chưa được phục vụ
  • Tư vấn cho các nhân viên công tác xã hội và các chuyên viên y tế khác về các vấn đề hoạt động công tác xã hội y tế liên quan
  • Phát triển và thực thicác chính sách tổ chức, thủ tục và quy định nhân viên

Thông tin miễn phí về các Tiêu chuẩn tại địa chỉ website của NASW: www.socialworker.org.

Tài liệu Tham khảo

Barker, R.L. (2003). The social work dictionary (4th ed.). Washington, DC: NASW Press.
Centers for Medicare and Medicaid Services. (2004a). Medicare information resource. [Online]. Retrieved fromhttp://www.cms.hhs.gov/medicare/ on April 15, 2005.
Centers for Medicare and Mediaid Services. (2004b). Welcome to Medicaid. [Online]. Retrieved fromhttp://www.cms.hhs.gov/medicaid/ on April 15, 2005.
Gilbert, J. (Ed). (2003). Principles and recommended standards for cultural competence education of health care professionals. Los Angeles: California Endowment.
National Association of Social Workers. (1987). NASW standards for social work practice in health care settings. Washington, DC: Author.
National Association of Social Workers. (1999). Code of ethics of the National Association of Social Workers. Washington, DC: Author.
National Association of Social Workers. (2002). NASW standards for continuing professional education. Washington, DC: Author.
National Association of Social Workers. (2001). NASW standards for cultural competence in social work practice. Washington, DC: Author.
National Association of Social Workers. (2004). NASW standards for cultural social work practice in palliative and end of life care. Washington, DC: Author.
Saleebey, D. (2003). Strengths-based practice. In R.A.English (E.d.in Chief) Encyclopedia of social work(19th ed. 2003 supplement, pp. 150-162). Washington, DC: NASW Press.
Tomaszewski, E.P (Ed.). (2004). The role of social work in medication treatment adherence. Washington, DC:National Association of Social Workers, HIV/AIDS Spectrum Project.
U.S. Census Bureau. (2004) Health insurance coverage: 2003/highlights. Retrieved April 15, 2005, fromhttp://www.census.gov/hhes/www/hlthins/hlthin03/hlth03asc.html

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu