Đạo đức nghề công tác xã hội trên thế giới và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam

Công tác xã hội là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp nhằm tạo ra sự thay đổi và phát triển xã hội. Bằng sự tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề xã hội, vào quá trình tăng cường năng lực giải phóng tiềm năng ở mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng, công tác xã hội giúp con người phát triển hài hòa, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho con người.

Ngày 25-3-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt “Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020”. Một trong những mục tiêu của đề án phát triển giai đoạn 2010-2015 là: ban hành mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ, tiêu chuẩn đạo đức… Như vậy, tiêu chuẩn đạo đức là một trong những yêu cầu hàng đầu của quá trình chuyên nghiệp hóa nghề công tác xã hội. Các quy điều đạo đức sẽ là sự cụ thể hóa các giá trị, mục tiêu và nguyên tắc của nghề công tác xã hội nói chung và bản sắc của công tác xã hội Việt Nam nói riêng.

Qua những nội dung đạo đức nghề công tác xã hội trong các bản Quy điều đạo đức của Hội những người làm công tác xã hội quốc gia Mỹ (viết tắt là NASW-National Association of Social Workers’ Code of Ethics) năm 1996, điều chỉnh năm 1999 và 2008; Quy điều đạo đức của Hội những người làm công tác xã hội Canada năm 2005 (CASW-Canadian Association of Social Worker’ Code of Ethics 2005) và quy điều đạo đức của hội nhân viên xã hội một số nước, tác giả muốn dùng để đối chiếu với thực tế, những nhân viên xã hội chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp tại Việt Nam đã thực hiện được những gì. Từ đó đưa ra một số nhận định đối với quá trình xây dựng và ban hành tiêu chuẩn đạo đức nghề công tác xã hội ở Việt Nam; đồng thời xin đề xuất một số quy điều đạo đức phù hợp với văn hóa và tình hình thực tế để có thể lựa chọn áp dụng cho nhân viên công tác xã hội của Việt Nam.

Đạo đức và đạo đức nghề nghiệp trong công tác xã hội

Đạo đức là một trong những hình thái ý thức xã hội, một chế định xã hội thực hiện chức năng điều chỉnh hành vi của con người trong mọi lĩnh vực xã hội. Trong đạo đức, sự cần thiết xã hội, những nhu cầu lợi ích của xã hội hoặc của giai cấp biểu hiện dưới hình thức những quy định và những sự đánh giá đã được mọi người thừa nhận và thành hình một cách tự phát, được củng cố bằng sức mạnh và tấm gương của quần chúng, của thói quen, phong tục, dư luận xã hội.

Cũng như mọi ngành nghề tồn tại trong xã hội, đặc biệt là những nghề có mối liên hệ xã hội sâu rộng, công tác xã hội cần thiết phải xây dựng các tiêu chuẩn đạo đức của mình. Các tiêu chuẩn đạo đức (hay còn gọi là các chế định đạo đức) có thể tồn tại ở dạng thành văn, được công bố chính thức và rộng rãi trong toàn xã hội, cũng có thể chỉ tồn tại dưới dạng những quy ước ngầm thông qua các hành vi ứng xử và sự chấp nhận trong cộng đồng. Nhưng dù tồn tại dưới dạng nào thì những tiêu chuẩn đó vẫn phải phản ánh mức độ chuyên nghiệp hóa của nghề nghiệp và thể hiện được mong muốn của xã hội đối với nghề. Tính chuyên nghiệp và ảnh hưởng xã hội của nghề càng cao thì yêu cầu về sự chuẩn hóa càng lớn. Do vậy, một nghề cụ thể khi phát triển đến một trình độ nhất định bao giờ cũng phải xây dựng cho mình những bảng tiêu chuẩn nghề nghiệp cụ thể. Trong đó, tiêu chuẩn đạo đức nghề luôn được đặt lên hàng đầu.

Trong thời điểm hiện nay, khi công tác xã hội ở nước ta đang bắt đầu những bước đi đầu tiên, vấn đề đạo đức nghề nghiệp cần phải được nhận thức một cách đầy đủ hơn bao giờ hết. Theo chúng tôi, đạo đức trong công tác xã hội hay nói cách khác, các chế định đạo đức của công tác xã hội bao gồm một hệ thống các giá trị, nguyên tắc và một tập hợp các chuẩn mực hành vi. Chúng được sắp xếp theo ba cấp độ trong các văn bản quy định về đạo đức của các hội nghề nghiệp công tác xã hội ở các quốc gia. Trong đó, hệ thống các điều khoản quy định các chuẩn mực hành vi đạo đức thường được nói tới nhiều hơn cả. [4, tr.257].

Right-Wrong-Post-its
Các giá trị và nguyên tắc trong công tác xã hội

Sứ mệnh hàng đầu của công tác xã hội là nâng cao tình trạng khỏe mạnh của con người và hỗ trợ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của những người dễ bị tổn thương, những người cần được hỗ trợ và người nghèo trong xã hội. Bởi vì, tình trạng khỏe mạnh của cá nhân là kết quả của tình trạng khỏe mạnh của môi trường xã hội. Công tác xã hội sẽ chú trọng tới các lực tác động của môi trường nhằm giải quyết các vấn đề của tình trạng con người. Sứ mệnh nghề nghiệp này được cụ thể hóa trong bộ giá trị nghề công tác xã hội mà mỗi quốc gia có sự chú trọng và sắp xếp khác nhau trong bản quy điều đạo đức. Những giá trị được đề cập được coi là nền tảng để xây dựng nên những nguyên tắc đạo đức cho nhân viên xã hội.

Bất cứ một ngành nghề nào cũng cần có những quy định riêng để những nhân viên hoạt động trong lĩnh vực đó có định hướng và biết được quyền hạn cũng như trách nhiệm của mình. Đối với công tác xã hội cũng vậy, Nhà nước cần có những quy điều đạo đức dành cho nhân viên xã hội làm kim chỉ nam cho các hoạt động của họ.

Đối với Hội những người làm công tác xã hội quốc gia của Mỹ, những mục đích này được xác định rất cụ thể. Đó là những giá trị cốt lõi làm nền tảng cho nhiệm vụ của nghề công tác xã hội; tóm lược những nguyên tắc đạo đức bao quát phản ánh những giá trị cơ bản của nghề công tác xã hội và thiết lập những tiêu chuẩn đạo đức cụ thể cho nhân viên công tác xã hội; giúp nhân viên công tác xã hội xác định những cân nhắc quan trọng khi xảy ra mâu thuẫn trong trách nhiệm chuyên môn hoặc trong những tình trạng mơ hồ về đạo đức; cung cấp những tiêu chuẩn đạo đức để công chúng áp dụng đối với trách nhiệm nghề nghiệp của nhân viên công tác xã hội; giúp những người mới vào nghề công tác xã hội hiểu được nhiệm vụ, giá trị, nguyên tắc đạo đức, và tiêu chuẩn đạo đức của công tác xã hội; Đặt ra tiêu chuẩn để bản thân nghề công tác xã hội sử dụng để lượng định xem nhân viên công tác xã hội có hành vi vô đạo đức hay không. Hội những nhân viên công tác xã hội quốc gia có thủ tục riêng để xét xử những cáo giác hành vi vô đạo đức của hội viên. Chấp thuận nội quy này, nhân viên công tác xã hội phải hợp tác trong việc thực hành nội quy, tham dự vào thủ tục xét xử và tuân theo các phán xử của Hội. [4,tr. 256-257]

Ở một chừng mực, những mục đích này cũng phù hợp với Việt Nam khi công tác xã hội được công nhận và trở thành nghề chuyên nghiệp.

Khảo sát nội dung các bản quy điều đạo đức của hội các nhà công tác xã hội ở một số quốc gia và danh mục các nguyên tắc đạo đức quốc tế do IFSW và IASSW đưa ra năm 2004, nhìn chung, các giá trị được đề cao bao gồm: quyền con người; công bằng xã hội; nhân phẩm và giá trị con người; tầm quan trọng của các mối quan hệ con người; sự liêm chính; năng lực hay sự chuyên nghiệp. Đây là những giá trị chung mà hầu hết các hội nghề nghiệp công tác xã hội ở các nước trên thế giới đều lựa chọn. Đồng thời, đó cũng là những giá trị hết sức đặc trưng cho công tác xã hội. Ngoài ra, một số quốc gia còn đề cao các giá trị khác như Hội những người làm công tác xã hội quốc gia Mỹ thì đặt giá trị dịch vụ lên hàng đầu bởi đối với các nước mà công tác xã hội trở nên chuyên nghiệp và phát triển như một dịch vụ trợ giúp cho các khách hàng có nhu cầu thì yếu tố giá trị dịch vụ luôn được nhìn nhận một cách rõ ràng và đúng đắn. Trong khi đó, Hội những người làm công tác xã hội Canada (CASW) lại coi giá trị phục vụ cho lòng nhân đạo và giá trị về tính bảo mật trong thực hành nghề quan trọng.

Như vậy, cùng với các giá trị chung, mỗi quốc gia, với nhu cầu và đặc thù văn hóa của mình mà xây dựng nên những giá trị riêng nhất định, thể hiện ở việc lựa chọn các giá trị quan trọng đối với thực hành nghề nghiệp nước mình và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các giá trị đã lựa chọn. Điều đó không chỉ cho thấy bản sắc nghề nghiệp mà còn khẳng định bản sắc văn hóa của cộng đồng, quốc gia.

Mỗi giá trị bao giờ cũng được cụ thể hóa bằng một hoặc một số nguyên tắc nhất định để nhân viên xã hội thực hiện. Trong Quy điều đạo đức của CASW, giá trị tôn trọng phẩm giá con người được trình bày thành các nguyên tắc: tôn trọng quyền tự quyết định của thân chủ; tôn trong sự đa dạng của cá nhân. Còn tại Bản Quy điều đạo đức của NASW, giá trị này được cụ thể thành nguyên tắc đạo đức: tôn trọng phẩm giá và giá trị của con người với các biểu hiện cụ thể như: đối xử với mọi người với một thái độ quan tâm và kính trọng, tôn trọng sự khác biệt văn hóa giữa họ; cổ vũ quyền tự quyết của thân chủ trong tinh thần trách nhiệm; tìm các cơ hội phát triển và khả năng tạo ra sự thay đổi của khách hàng để thỏa mãn những nhu cầu của họ; ý thức được trách nhiệm song đôi của của mình bao gồm trách nhiệm đối với khách hàng và trách nhiệm đối với xã hội, giải quyết mâu thuẫn giữa quyền lợi khách hàng và quyền lợi xã hội với tinh thần trách nhiệm cao, phù hợp với những giá trị, nguyên tắc đạo đức và tiêu chuẩn đạo đức nghề công tác xã hội.

Trên cơ sở các giá trị và những nguyên tắc đạo đức này, các chuẩn mực đạo đức gắn liền với các phạm vi áp dụng, các tình huống nghề nghiệp, các môi trường xã hội và các mối quan hệ… đều được cụ thể hóa thành từng điểm rõ ràng trong các bản quy điều.

Các chuẩn mực đạo đức quy định đối với nhân viên công tác xã hội

Đặc điểm chung của các chuẩn mực đạo đức nghề công tác xã hội được trình bày trong các bản quy điều đạo đức, trong phạm vi khảo sát của chúng tôi đều là sự cụ thể hóa của các nguyên tắc và giá trị; đều được phân chia theo các mối quan hệ xã hội của nhân viên xã hội bao gồm: trách nhiệm đạo đức với khách hàng, trách nhiệm đạo đức với đồng nghiệp, trách nhiệm đạo đức đối với cơ quan làm việc, trách nhiệm đạo đức với tư cách là một nhà công tác xã hội chuyên nghiệp, trách nhiệm đạo đức đối với nghề và trách nhiệm đạo đức đối với xã hội. Mỗi chuẩn mực hành vi đều có những hướng dẫn và chỉ dẫn cụ thể gắn với tình huống nghề nghiệp nhất định. Bản Quy điều đạo đức của NASW gồm 51 lĩnh vực, tình huống với 152 hành vi được quy chuẩn; Bản Quy điều đạo đức của SASW gồm 40 điểm quy định; Bản Quy điều của CASW gồm 28 nguyên tắc cụ thể, không phân chia thành các phạm vi và tình huống. Xin trích dẫn một nhóm yêu cầu cụ thể hóa những năng lực nhận thức và hành vi của nhân viên xã hội đối với sự đa dạng văn hóa và xã hội trong bản của NASW: “Người làm công tác xã hội phải hiểu văn hóa và chức năng của nó trong cách ứng xử của con người và xã hội, và thừa nhận ưu điểm hiện hữu trong tất cả các nền văn hóa. Người làm công tác xã hội phải có một kiến thức căn bản về văn hóa của khách hàng và phải có khả năng chứng tỏ năng lực đó trong những dịch vụ nhạy cảm đối với văn hóa của khách hàng và với sự khác biệt của các nhóm người và các nhóm văn hóa. Người làm công tác xã hội phải tìm cách hiểu và học hỏi về bản chất của tính đa dạng của xã hội và tình trạng áp bức về màu da, chủng tộc, giới tính, tính dục và tuổi tác, tật nguyền về tâm lý hay thể chất” [3].

Đây là những hướng dẫn về nhận thức và hành động cho không chỉ nhân viên công tác xã hội mà còn là những chuẩn mực giúp cho các tổ chức, cơ quan hoạt động trong lĩnh vực công tác xã hội đánh giá, kiểm soát, bổ sung vào các bản nội quy của mình.

Nhìn vào Bản Quy điều đạo đức được cụ thể hóa của NASW cho thấy, trách nhiệm đạo đức của người làm công tác xã hội được đặt lên hàng đầu với các tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể với 16 tiêu chuẩn quy định từ khi bắt đầu tiến trình làm việc cho đến khi kết thúc, trong đó nhấn mạnh đến những thỏa thuận với thân chủ, quyền bảo mật và sự mâu thuẫn về quyền lợi, cũng như những điều không được thực hiện đối với thân chủ. Đây cũng là những tiêu chuẩn cơ bản mà nhân viên xã hội khi hành nghề cần nắm vững trước hết. Bao gồm: cam kết đối với thân chủ; quyền tự quyết, thỏa thuận sau khi được giải thích; năng lực của nhân viên xã hội; khả năng về văn hóa và tính đa dạng của xã hội; mâu thuẫn về quyền lợi; đời tư và quyền bảo mật; quyền được xem hồ sơ của thân chủ; động chạm cơ thể; sách nhiễu tình dục; ngôn ngữ khiếm nhã; quy định về lệ phí; trách nhiệm đối với những thân chủ thiếu khả năng quyết định; về việc gián đoạn dịch vụ và chấm dứt dịch vụ. Ngoài ra NASW còn đề ra những tiêu chuẩn đạo đức của nhân viên xã hội đối với đồng nghiệp, với nơi làm việc, trách nhiệm của người làm công tác xã hội với tư cách là những nhà chuyên nghiệp; trách nhiệm đối với nghề và đối với xã hội.

Với cách thức phân chia theo hệ thống các mối quan hệ như vậy, với những chỉ dẫn khá cụ thể, mỗi bản quy điều đạo đức đã hầu như bao quát được các tình huống và các vấn đề đạo đức nghề nghiệp mà nhân viên xã hội có thể gặp phải trong quá trình tác nghiệp của mình. Đồng thời sẽ là kim chỉ nam cho những phấn đấu trong nghề nghiệp của họ. Bên cạnh đó bản quy điều này còn là một công cụ hữu hiệu để giám sát việc thực hành nghề nghiệp của các thành viên, là hình ảnh phản chiếu mức độ chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa của nghề công tác xã hội trong hệ thống xã hội.

Từ những so sánh có tính chất giới thiệu trên đây về các quy điều đạo đức của các quốc gia, có thể thấy rằng: công tác xã hội là một nghề đặc thù, tính đặc thù của nó không phải chỉ thể hiện ở những phương pháp và cách thức thực hiện mục tiêu an sinh cho con người, đặc biệt là những nhóm gặp khó khăn trong quá trình sinh sống và phát triển, mà là ở triết lý nghề nghiệp và các giá trị được đề cao. Đặc biệt, ở những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp mà nó đề xuất. Mức độ cụ thể hóa của quy điều đạo đức về một mặt nào đó, là sự thể hiện rốt ráo việc thực thi các giá trị nghề nghiệp vì mục đích mang lại một trạng thái khỏe mạnh cho tất cả mọi người trong mọi xã hội.

Tuy vậy, Bản Quy điều đạo đức nghề công tác xã hội ở một quốc gia, là sản phẩm của nhận thức, nhu cầu, của những giá trị mà quốc gia đó coi trọng, vì vậy, cùng với những giá trị chung nghề nghiệp, là những giá trị đạo đức đặc thù mang bản sắc một dân tộc, một cộng đồng trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Sự khác biệt trong việc sắp xếp bảng giá trị, sự có mặt của giá trị này và vắng mặt các giá trị khác là biểu hiện của những dấu hiệu bản sắc ấy. Bản Quy điều đạo đức nghề công tác xã hội Việt Nam, như một tất yếu, cũng sẽ mang các đặc điểm như vậy. Nó sẽ có sự kế thừa những giá trị, nguyên tắc và tiêu chuẩn đạo đức chung từ những quy điều đạo đức của các nước đi trước mà phù hợp với văn hóa Việt Nam nhưng đồng thời, cũng có những đặc trưng riêng, mang bản sắc công tác xã hội Việt Nam.

Những tiêu chuẩn đạo đức đã được thể hiện trong thực hành công tác xã hội ở Việt Nam

Trước khi Nhà nước Việt Nam ban hành mã nghề và những quy định cụ thể cho công tác xã hội hoạt động như một nghề chính thức và chuyên nghiệp, thì trong thực tế đã có các nhân viên xã hội hoạt động trong một số lĩnh vực tại nhiều tổ chức và cơ quan khác nhau. Họ có thể là những nhân viên xã hội chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp, làm việc theo kinh nghiệm mà chưa được đào tạo bài bản qua trường lớp. Song họ đã và đang trợ giúp cho rất nhiều những đối tượng yếu thế trong xã hội. Mặc dù chưa hề có những quy điều đạo đức chung cho tất cả những người làm công tác xã hội ở Việt Nam hiện tại, song thực tế cho thấy, các nhân viên xã hội đã thực hiện những nguyên tắc và tiêu chuẩn đạo đức của nghề công tác xã hội.

Nhân quyền và phẩm giá con người luôn là giá trị được quan tâm hàng đầu. Nhân viên xã hội cần bảo đảm toàn vẹn và khỏe mạnh về thể chất, tâm lý, tình cảm và tâm linh, quyền được tôn trọng về phẩm giá. Mục tiêu của các hoạt động trợ giúp mà Việt Nam đang thực hiện cũng nhằm bảo đảm những quyền trên và công tác xã hội cũng vậy. Có thể thấy nguyên tắc này được thể hiện rất rõ trong những hoạt động của các trung tâm, tổ chức khác nhau.

Có thể kể đến những trung tâm bảo trợ xã hội của nhà nước đã và đang nuôi dưỡng những đối tượng trẻ em lang thang, trẻ em mồ côi, người già cô đơn với những chế độ phù hợp. Ví dụ: Trung tâm bảo trợ xã hội 4 Ba Vì, trung tâm bảo trợ xã hội các tỉnh thành trong cả nước… Mục tiêu của nhóm các trung tâm bảo trợ là nhằm bảo đảm cho các đối tượng mà trung tâm nuôi dưỡng và giáo dục được hưởng những quyền con người mà họ vốn có. Mặc dù nguồn lực còn hạn hẹp, song các trung tâm đã cố gắng để bảo đảm được những nhu cầu cơ bản cho đối tượng. Một số trung tâm đã có nhân viên xã hội bán chuyên nghiệp làm việc và đã mang lại những hiệu quả trợ giúp nhất định. Những trung tâm hỗ trợ những nạn nhân bạo hành gia đình và phụ nữ bị buôn bán trở về như: Ngôi nhà bình yên của Trung tâm Phụ nữ và phát triển. Ở đó các nạn nhân được hỗ trợ về nơi ăn, ở an toàn; được chăm sóc về y tế, tư vấn hỗ trợ tâm lý, pháp lý; đào tạo nghề và huấn luyện kỹ năng sống. Làm việc trực tiếp với những đối tượng này chính là các nhân viên xã hội đang công tác tại trung tâm và các cộng tác viên.

Bên cạnh đó có các phòng khám và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật như Phòng khám Tuna, Trung tâm Sao Mai … Các trung tâm tham vấn tâm lý nhà nước và tư nhân, nhằm giúp đỡ những đối tượng gặp phải những khó khăn, rắc rối tâm lý trong cuộc sống, họ có nhu cầu được chia sẻ và ổn định tâm lý, tình cảm. Tiêu biểu như trung tâm tham vấn tâm lý Hoàng Nhân, An Việt Sơn… cũng góp phần bảo đảm quyền con người (tâm lý, tình cảm) của các đối tượng cần trợ giúp.

Từ hoạt động can thiệp trợ giúp của các tổ chức nêu trên cho thấy, đội ngũ nhân viên xã hội tại đó đã thực hiện được những nguyên tắc cơ bản trong giá trị đầu tiên về nhân quyền và tôn trọng phẩm giá con người, cụ thể họ đã thực hiện được hoạt động trợ giúp không loại trừ bất cứ ai, hay nói cách khác nhân viên xã hội giúp đỡ tất cả những người có nhu cầu cần trợ giúp, tùy vào việc nhân viên xã hội đó làm việc trong cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nào. Các nhân viên xã hội luôn có ý thức tôn trọng tính tự quyết của các đối tượng mà họ trợ giúp để có những lựa chọn riêng và quyết định của mình, không phân biệt giá trị của họ và sự lựa chọn cuộc sống với điều kiện những quyết định này không đe dọa các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nhân viên xã hội luôn phát hiện ra những điểm mạnh, điểm tích cực và tập trung vào những thế mạnh đó của thân chủ; thúc đẩy sự tham gia của thân chủ vào các hoạt động có lợi cho họ. Ví dụ: đối với những phụ nữ bị bạo hành hoặc buôn bán trở về, song song với hỗ trợ ổn định tâm lý, các nhân viên xã hội luôn tìm hiểu họ có khả năng học nghề gì và hỗ trợ họ tiếp cận với những hình thức học nghề để sau khi trở về họ có một nghề kiếm sống. Hay trong các trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, trẻ em mồ côi, các nhân viên tại đó cũng luôn phát hiện và phát huy những khả năng là thế mạnh của trẻ để tăng thêm tự tin và khả năng phát triển cho các em.

Theo đuổi sự công bằng xã hội là mục tiêu mà công tác xã hội Việt Nam muốn hướng tới. Không chỉ hiểu đơn thuần mục tiêu này trên phương diện kinh tế giàu/nghèo giữa các cá nhân, các nhóm trong xã hội. Nhìn nhận ở góc độ rộng hơn, công bằng xã hội mà các nhân viên xã hội đang theo đuổi còn bao hàm cả khả năng tiếp cận các nguồn thông tin, cơ hội phát triển của các nhóm, cá nhân, cộng đồng yếu thế như: những người khuyết tật, người nghèo, dân tộc thiểu số, nhóm phụ nữ yếu thế. Nghèo đói vẫn luôn là vấn nạn của Việt Nam, mặc dù đã giảm, song điều kiện sống của người dân chưa vẫn được bảo đảm. Những nỗ lực thay đổi của nhân viên xã hội tập trung vào nạn nghèo đói, thất nghiệp và những bất công xã hội khác. Nhân viên xã hội phấn đấu cho quyền của tất cả mọi người có được những thông tin, dịch vụ, và tài nguyên cần thiết; cơ hội đồng đều cho mọi người, và quyền của mọi người được tham gia một cách có ý nghĩa vào các quyết định liên quan.

Có thể kể đến các Dự án phát triển cộng đồng của nhà nước và nước ngoài đầu tư có sự tham gia của các nhân viên xã hội đã có rất nhiều và bảo đảm dự án đầu tư đúng đối tượng và giải quyết được nhu cầu đặt ra của đối tượng. Chủ trương của nhà nước là giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các địa phương, các nhóm dân cư, bảo đảm rằng cơ hội tiếp cận với những nguồn lực hỗ trợ này của người dân là như nhau, không có sự phân biệt. Ngoài ra có các dự án hỗ trợ những nhóm yếu thế trong xã hội như nhóm trẻ em khuyết tật (Ví dụ: Dự án nâng cao kỹ năng sống cho thanh thiếu niên khuyết tật thông qua hình thức truyền thông sáng tạo do Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam triển khai với sự tham gia của các nhân viên xã hội của tổ chức cùng cộng tác viên là những sinh viên công tác xã hội – nhân viên xã hội tương lai). Các hoạt động của những dự án này thu hút sự tham gia đông đảo của các đối tượng yếu thế, phần nào giúp họ giảm nhẹ mặc cảm và rút ngắn khoảng cách giữa họ với các cá nhân khác trong xã hội.

Phục vụ cho lòng nhân đạo là truyền thống, đức tính quý báu của dân tộc Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với giá trị đạo đức của ngành công tác xã hội. Tất cả những hoạt động trợ giúp của Việt Nam đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội từ xa xưa cho tới nay đều thấm đượm tinh thần nhân đạo. Đối với Việt Nam, khi công tác xã hội chưa được coi là một nghề nghiệp (thời điểm trước khi ban hành mã nghề), những người làm công tác xã hội không được hưởng lương chính thức, chỉ có các khoản phụ cấp ít ỏi, song họ vẫn tận tâm cho công việc. Khi công tác xã hội chưa được coi là một nghề nghiệp, không ít người chưa hiểu đúng bản chất của nghề này. Họ cho rằng, những người làm công tác xã hội là hoạt động từ thiện. Điều này góp phần làm cản trở sự phát triển của công tác xã hội chuyên nghiệp.

Các tiêu chuẩn đạo đức (trách nhiệm của người làm công tác xã hội) cụ thể hóa từ những nguyên tắc và giá trị đạo đức của ngành đã được những người làm công tác xã hội Việt Nam thực hiện ở một mức độ nhất định: trách nhiệm đối với thân chủ; với đồng nghiệp; nghề nghiệp công tác xã hội; cơ quan và xã hội với những trách nhiệm cụ thể. Đó là, nhân viên công tác xã hội luôn tôn trọng và đề cao quyền tự quyết của thân chủ và giúp thân chủ trong nỗ lực xác định và làm rõ những mục tiêu của họ. Trên thực tế các thân chủ đến từ những vùng miền khác nhau, họ mang những đặc trưng văn hóa riêng của nơi họ sinh ra và lớn lên. Nhân viên xã hội luôn có ý thức tìm hiểu sự đa dạng của các nền văn hóa khác nhau, tôn trọng sự khác biệt văn hóa của các thân chủ. Các nhân viên xã hội có ý thức rèn luyện thêm kỹ năng, tay nghề. Đồng thời họ luôn sử dụng những kỹ năng của mình vào mục đích nghề nghiệp trợ giúp đối tượng, không lợi dụng công việc để tư lợi riêng hoặc làm những điều phi nhân tính. Một số trung tâm, tổ chức, nguyên tắc bảo mật các thông tin về thân chủ đã được thực hiện nghiêm ngặt, tạo được niềm tin cho đối tượng khi đến với dịch vụ. Các nhân viên xã hội chuyên nghiệp đi trước luôn sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn, hướng dẫn cho những nhân viên xã hội kế cận, đặc biệt là những sinh viên công tác xã hội được gửi xuống các cơ sở thực tập. Song bên cạnh những mặt tích cực luôn tồn tại những hạn chế nhất định. Vì chưa có quy điều đạo đức cho những người làm công tác xã hội ở Việt Nam, vì thế một số nguyên tắc đạo đức được thừa nhận trên thế giới đã chưa được thực hiện triệt để ở nước ta:

Tính bảo mật là một nguyên tắc cơ bản của công tác xã hội chuyên nghiệp, song trong thời gian trước đây, khi công tác xã hội Việt Nam chỉ là một hoạt động trợ giúp đơn thuần do các cán bộ trong các đoàn thể địa phương đảm nhận, tính bảo mật chưa phải là nguyên tắc được coi trọng.

Các tiêu chuẩn đạo đức cụ thể được quy định dành cho nhân viên xã hội chuyên nghiệp, song ở Việt Nam chưa ban hành Bản Quy điều đạo đức, đồng thời, những người làm công tác xã hội cũng chỉ là bán chuyên nghiệp. Vì thế nhiều tiêu chuẩn đạo đức là các nước xây dựng, cũng như IFSW và IASSW đề ra chưa thể thực hiện trọn vẹn. Cùng với nhiều mục tiêu khác, mục tiêu xây dựng và ban hành tiêu chuẩn đạo đức đã đựơc xác định cụ thể là giai đoạn từ 2010 đến 2015. Đây là khoảng thời gian mà mỗi người làm nghề phải cùng lúc nhận thức, đúc kết và quy chuẩn những vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Trước thời điểm đề án được phê duyệt, nghề công tác xã hội Việt Nam đã từng có một lịch sử tồn tại nhưng có lẽ những quy điều đạo đức của nó mới chỉ dừng lại ở mức độ nội quy của các cơ sở xã hội. Bản quy điều mới sẽ là sự thống nhất các giá trị, mục tiêu, chuẩn mực đạo đức của công tác xã hội – một nghề còn nhiều bỡ ngỡ đối với người dân. Điều đó có nghĩa là một quá trình hình thành và phát triển văn hóa cho một lĩnh vực nghề nghiệp đang từng bước được thực hiện. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một vài ý kiến đóng góp cho việc xây dựng Quy điều đạo đức công tác xã hội tại Việt Nam như sau:

Một là, để xây dựng được Bản Quy điều đạo đức nghề nghiệp, trước hết cần có một Hiệp hội nghề nghiệp nhằm tập hợp tất cả các nhân viên xã hội chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp có thể bảo đảm được chuẩn mực về chất lượng công việc. Từ đó những thành viên trong Hiệp hội cùng nhau xây dựng nên những quy điều đạo đức cho Việt Nam dựa theo những quy điều đạo đức chung đã áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới trong thời gian qua.

Hai là, giá trị đầu tiên cần được đề cao trong quy điều đạo đức công tác xã hội chính là nhân quyền và phẩm giá của con người. Đây là những nguyên tắc cơ bản chi phối các hoạt động của công tác xã hội như: sự tôn trọng đối với thân chủ; mục tiêu cao nhất vì lợi ích của thân chủ; tôn trọng tính tự quyết của thân chủ …

Ba là, các tiêu chuẩn đạo đức cần cụ thể hóa, chi tiết về vai trò trách nhiệm của nhân viên xã hội đối với thân chủ, với đồng nghiệp, với cơ quan/tổ chức đang công tác, trách nhiệm với nghề nghiệp và xã hội.

Bốn là, để những quy điều được vận hành và đạt được hiệu quả theo đúng mục đích đặt ra, cần có cơ quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nguyên tắc và tiêu chuẩn đạo đức đã được đặt ra của nhân viên xã hội.

Như vậy, Bản Quy điều đạo đức dành cho nhân viên xã hội Việt Nam sẽ là sự hội tụ của những giá trị và nguyên tắc đạo đức đã được quốc tế thừa nhận và thực hiện; đồng thời cũng mang những yếu tốt bản sắc riêng, phù hợp với văn hóa và con người Việt Nam./.

TS. Nguyễn Thị Thu Hà
Đại học Khoa học Xã hội nhân văn

————————————————
Tài liệu tham khảo:1. TS. Bùi Thị Xuân Mai (2008) Tổ chức thực hành thực tập Công tác xã hội- Từ lý thuyết đến thực tiễn, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Nghiên cứu và đào tạo Công tác Xã hội trong quá trình hội nhập và phát triển”- Đại học Khoa học, xã hội và nhân văn Hà Nội

2. Bộ Lao động – Xã hội, Quyết định phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010- 2020, TTCP ký ngày 25 tháng 3 năm 2010

3. Nhiều tác giả, Từ điển Triết học, NXB Tiến bộ Maxcova 1988 ,tr 157

4. Trần Đình Tuấn, Công tác xã hội lý thuyết và thực hành, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.

5.SASW Codeof Ethics 2004:
nguồn: http://www.sasw.org.sg/public/documents/SASWCodeofEthics2004.pdf

6. CASW’ Code of Ethics (2005), nguồn : http://www.casw-acts.ca/canada/codepage_e.html

7. AASW Code of Ethics (2004), nguồn: www.aasw.asn.au/document/item/92

8. Code of Ethics of the NASW (2008), Approved by the 1996 NASW Delegate Assembly and revised by the 2008 NASW Delegate Assembly .

9. Nguồn : http//:www.socialworkers.org/pubs/codenew/code.asp

10. Nguồn: http://www.ifsw.org/f38000027.html

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu