Nuôi dưỡng, bồi đắp những tâm hồn khỏe mạnh

Nuôi dưỡng, bồi đắp những tâm hồn khỏe mạnh

Không chỉ ở Việt Nam, các chứng bệnh rối loạn tâm thần đang trở thành mối lo ngại ở nhiều nước. Ở một quốc gia đông dân như nước ta, “tài nguyên con người” giữ một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Chính vì vậy, thống kê gần đây của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện đang có 15% dân số Việt Nam mắc các chứng bệnh rối loạn tâm thần phổ biến. Điều này khiến chúng ta không thể không quan tâm…

Con số gần 14 triệu người Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến rối loạn tâm thần, trong đó có ba triệu người mắc các chứng bệnh tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ, chậm phát triển,… đang là chủ đề nóng trên nhiều tờ báo và cộng đồng mạng thời gian qua. Căng thẳng, suy nhược thần kinh, trầm cảm cũng được cho là một trong những nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ tự sát trong các năm gần đây. Thống kê của chín bệnh viện lớn thuộc TP Hồ Chí Minh trong sáu tháng đầu năm 2016 cho biết: Đã có 349 trường hợp tự tử được đưa đến cấp cứu. Các nghiên cứu về bệnh thần kinh tại Việt Nam cũng đã chỉ ra số người trong độ tuổi 16 đến 45 (độ tuổi lao động) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với các lứa tuổi khác. Đáng lưu ý, theo kết quả nghiên cứu công bố năm 2015 của bác sĩ M.P. Dunne (Đăn-nơ) và các bác sĩ Việt Nam với 2.099 sinh viên tám trường đại học y – dược trên cả nước, tỷ lệ sinh viên y khoa tại Việt Nam gặp các vấn đề, dấu hiệu liên quan bệnh trầm cảm lên đến 43%. Hiện tượng tự thương, hành xác bằng dao lam, vật sắc nhọn của một bộ phận giới trẻ, rồi đăng tải và chia sẻ hình ảnh, video (vi-đê-ô) lên các mạng xã hội cũng bùng phát trở lại sau một thời gian im ắng. Không ngẫu nhiên mà kể từ khi thành lập, trang Fanpage và nhóm kín (close group) của Dự án phi lợi nhuận Tâm hồn đẹp Việt Nam (Beautiful Minds Vietnam) đã thu hút hơn 80 nghìn người theo dõi, nhận được nhiều chia sẻ và bình luận của người dùng Facebook.

Không chỉ tại Việt Nam, các chứng bệnh rối loạn tâm thần cũng đang trở thành mối lo ngại của nhiều quốc gia trên thế giới. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào tháng 4-2016 đã đánh giá trầm cảm là căn bệnh đang đe dọa sức khỏe của 350 triệu người, là nguyên nhân chủ yếu của gần một triệu vụ tự sát mỗi năm. Trong bài viết Những nơi làm việc căng thẳng phải chịu trách nhiệm về khoản tiền 190 tỷ USD dành cho chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm ở Hoa Kỳ đăng trên tạp chí Forbes (Pho-bớt) ngày 26-1-2015, số liệu của nhà báo M. Blanding (Bờ-lan-đinh) chỉ ra rằng, sức ép từ công việc là nguyên nhân làm chết hơn 120 nghìn người Mỹ mỗi năm. Chi phí khám, chữa bệnh của người bị stress tại Mỹ cũng tăng nhanh từ 125 tỷ lên đến 190 tỷ USD, tương đương khoảng 5 đến 8% ngân sách quốc gia dành cho dịch vụ y tế. Nhiều tờ báo như Business Insider (Nhà đầu tư), Huffington Post (Bưu điện Hơ-phinh-tơn) còn dự báo con số nêu trên sẽ đạt mức 300 tỷ USD trong các năm tới. Hiện nay, tư vấn tâm lý tại Mỹ là một nghề hấp dẫn với thu nhập trung bình 72.806 USD/năm, cao hơn 20 nghìn USD so với lương trung bình của công dân nước này. Các cuộc điều tra độc lập của một số tổ chức cho thấy khoảng 140 triệu người – chiếm 44% dân số nước Mỹ, từng có ý định tự sát vì tâm lý bất ổn. Tại Nhật Bản, tự sát vì công việc căng thẳng đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực với giới nhân viên văn phòng quốc gia này kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Thậm chí, người Nhật còn có cụm từ “karoshi” (làm việc tới chết) để ám chỉ việc tự sát do áp lực công việc kéo dài. Trong bài Công việc đang giết chết bạn? Tại Trung Quốc, nhiều người lao động đang chết trên bàn làm việc của họ đăng tải trên trang Bloomberg (Bờ-lum-bớt) ngày 30-6-2014, nhà báo S.Oster (Ốt-tơ) dẫn lại thông tin từ tờ Thanh niên nhật báo của Trung Quốc cho biết, tại quốc gia này có khoảng 600 nghìn người chết mỗi năm do áp lực công việc.

Hiện nay, các bệnh rối loạn tâm thần không chỉ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng cho người bệnh, mà còn ảnh hưởng trực tiếp các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia cũng như trên toàn cầu. Tuy nhiên, xử lý vấn đề này không phải là vấn đề đơn giản, bởi có nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh thần kinh. Thí dụ, bệnh trầm cảm được trang Wikipedia định nghĩa là loại rối loạn khí sắc thường gặp trong tâm thần học; tương tự, stress được mô tả là tình trạng tiêu cực có ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, thể chất của con người. Đến nay, khoa học đã xác định được nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm và stress (hai hội chứng thần kinh phổ biến nhất hiện nay) là: yếu tố tình cảm, sốc trước những biến cố trong cuộc sống, áp lực nghề nghiệp, rối loạn trao đổi chất trong não, di truyền, hoặc lạm dụng các chất gây nghiện… Trong đó, các biến cố lớn trong công việc và cuộc sống như: hôn nhân không hạnh phúc; cha mẹ ly dị; bạo lực gia đình; áp lực học hành, thi cử và hoàn thành nhiệm vụ được cho là những tác nhân chính dẫn đến stress và trầm cảm. Dẫu vậy, không phải ai cũng có nhận thức đầy đủ về những tác nhân này. Khảo sát của Bệnh viện Quân y 103 về bệnh trầm cảm tiến hành năm 2014 cho thấy, chưa đến 50% trong tổng số 600 người được hỏi nhận thức đúng về các tác nhân gây bệnh. Dấu hiệu mắc các bệnh thần kinh thông thường như trầm cảm, stress cũng rất khó nhận biết, trong khi có thể xem hai hội chứng này là “sát thủ thầm lặng” với nhiều người, nhất là người có xu hướng sống khép kín hoặc đang khám, chữa các chứng bệnh nan y khác. Liệu pháp chữa các bệnh thần kinh thường kéo dài hơn so với các căn bệnh thông thường, khiến nhiều người bệnh vốn mang sẵn trạng thái mệt mỏi, lo âu dễ nản lòng, không hợp tác với bác sĩ, bỏ cuộc giữa chừng. Hiện nay, qua các thông tin trên internet (in-tơ-nét) và các diễn đàn, cộng đồng dành cho những người có các bệnh liên quan đến thần kinh như Beautiful Minds Việt Nam, tamlyhoctoipham.com, whiteheathervn.com… ngày càng nhiều bạn trẻ có xu hướng “tự bắt bệnh” và tự ý sử dụng các loại thuốc an thần để tự chữa bệnh cho mình, trong khi những biệt dược này có nhiều tác dụng phụ không mong muốn, cần sự chỉ định, theo dõi thường xuyên kết hợp với biện pháp tâm lý trị liệu của bác sĩ điều trị. Bàn về thực trạng khám, chữa bệnh tâm thần ở Việt Nam, bác sĩ Trịnh Tất Thắng (Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Tại Việt Nam, hệ thống bác sĩ tâm lý lâm sàng còn khá mới mẻ, nhân lực và tiềm lực của ngành còn nhiều khó khăn so với áp lực cuộc sống đang ngày càng tăng, khiến căng thẳng và trầm cảm cũng từ đó tăng lên”.

Căng thẳng thần kinh, trầm cảm nói riêng và các bệnh rối loạn tâm thần nói chung là các chứng bệnh nguy hiểm, dễ mắc phải nhưng không hề thiếu biện pháp phòng tránh mà ai cũng có thể thực hiện như: sinh hoạt điều độ; ngủ đủ giấc, tham gia các hoạt động thể thao, chia sẻ với người khác về những khó khăn gặp phải, hạn chế tiếp xúc với những luồng thông tin tiêu cực, bi quan. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như: hoàn cảnh gia đình, môi trường học tập và làm việc, thậm chí các bình luận về thành tích học tập, ngoại hình, sở thích của cha mẹ học sinh dành cho con cái tưởng chừng như vô hại nhưng cũng có thể gây căng thẳng mệt mỏi cho các em, nhất là trong độ tuổi dậy thì với nhiều biến đổi về thể chất, tâm sinh lý. Phần lớn thành viên trong nhóm Serene Land đều tâm sự có hoàn cảnh gia đình tương đối bất hạnh, xung khắc với cha mẹ và người thân: có người đã bỏ nhà khi kỳ thi đại học chỉ còn bốn tháng nữa chỉ vì bố mẹ có biểu hiện thiên vị với anh em họ của mình; có người lại tự cho mình bị mắc bệnh OCD (rối loạn ám ảnh cưỡng chế) vì thích mọi thứ sạch sẽ luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi vì bị gia đình khiển trách, đánh đập; và có người muốn tự tử nhiều lần vì gia cảnh nợ nần, cha mẹ ly thân… Cá biệt, có bạn trẻ thổ lộ mình từng là nạn nhân của lạm dụng tình dục, bạo lực trong gia đình và nhà trường. Điều đáng buồn và cũng đáng lo ngại nhất là ngày một nhiều người mắc bệnh trầm cảm, stress, muốn tự sát cùng với gia đình, người thân như: ngày 19-4-2016, một phụ nữ ở tỉnh Hải Dương đã pha thuốc trừ sâu để tự tử cùng hai con; ngày 15-5-2016, một phụ nữ ở Vũng Tàu đã tẩm xăng để tự thiêu cùng các con mình. Có thể thấy trong đời sống xã hội hiện đại, vai trò và tầm ảnh hưởng của gia đình đến đời sống cá nhân luôn đóng vai trò quan trọng, có tác động mạnh mẽ tới sức khỏe tâm thần của mỗi người.

Ngày 29-9-2016, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 36/2016/TT-BYT quy định mới về việc thực hiện cơ chế khám, chữa bệnh và nuôi dưỡng người bệnh tâm thần tại các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa tâm thần trong cả nước với nguồn ngân sách cao nhất là 8,92 triệu đồng cho một người bệnh, được áp dụng với các giai đoạn trầm cảm, trầm cảm tái phát, rối loạn tâm thần… Đây có thể xem là một thông tư kịp thời và hợp lý trong bối cảnh cả thế giới đều quan tâm tới những hậu quả từ stress và trầm cảm. Bên cạnh đó, các trung tâm, dịch vụ tư vấn tâm lý, các khóa học trị liệu dành cho người mắc các hội chứng về thần kinh cũng bắt đầu được nhiều người bệnh quan tâm, tìm kiếm. Tuy nhiên, vai trò của gia đình, người thân với các người bệnh rối loạn thần kinh vẫn là quan trọng nhất khi khoa học đã chứng minh hạn chế, loại bỏ những ý nghĩ tiêu cực, bi quan của người trầm cảm chính là vị thuốc quý giá nhất dành cho họ. Ý thức được điều này, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần dành cho nhau sự quan tâm, chăm sóc nhiều hơn, cũng như thiết lập không khí vui tươi trong từng mái ấm để những khổ đau, bất hạnh giảm bớt, những căn bệnh rối loạn tâm thần từng bước được hạn chế đi đến loại bỏ trong đời sống của chúng ta.

VIỆT QUANG
comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu