Nhu cầu nghề công tác trong xã hội trong trợ giúp người khuyết tật

Nhu cầu nghề công tác trong xã hội trong trợ giúp người khuyết tật

Người khuyết tật thuộc nhóm yếu thế do sự khiếm khuyết cơ thể, các chức năng xã hội của họ có thể bị suy giảm. Vì vậy, đội ngũ nhân viên công tác xã hội có thể giúp họ tiếp cận được các nguồn lực bên ngoài, phát huy nguồn lực bên trong để họ trở nên mạnh mẽ hơn, có khả năng sống độc lập và tham gia vào các hoạt động lao động, học tập như những người bình thường.

Công tác xã hội trong trợ giúp người khuyết tật chính là đánh giá nhu cầu về khía cạnh xã hội của đối tượng; đồng thời đóng vai trò là người quản lý trường hợp, hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận những dịch vụ phù hợp và duy trì tiếp cận một loạt các dịch vụ phối hợp tốt nhất. Trong trường hợp cần thiết, nhân viên công tác xã hội cũng cung cấp hỗ trợ tâm lý cho người khuyết tật và gia đình của họ. Như vậy, bằng những kiến thức, kỹ năng và phương pháp, nhân viên công tác xã hội đã trợ giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng người khuyết tật, phục hồi các chức năng xã hội mà họ bị suy giảm.

Bên cạnh đó, công tác xã hội còn thúc đẩy môi trường xã hội, bao gồm: chính sách, pháp luật, cộng đồng thân thiện để giúp người khuyết tật hòa nhập xã hội và làm tốt chức năng của họ. Đội ngũ này đóng vai trò là người xúc tác, biện hộ để cá nhân, gia đình người khuyết tật được hưởng những chính sách an sinh xã hội dành cho họ. Trên cơ sở đó, giúp người khuyết tật nâng cao chức năng của mình.

Nhân viên công tác xã hội, ngoài việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội còn thực hiện các hoạt động như giáo dục phòng ngừa, tập huấn, cung cấp kiến thức cho gia đình, người thân cách chăm sóc người khuyết tật để giúp đối tượng trở nên chủ động, có khả năng tự chăm sóc, như vậy họ sẽ tự tin hơn trong cuộc sống và sẽ tránh được những vấn đề khác có thể phát sinh. Đồng thời, họ tư vấn để chính quyền có những chính sách phù hợp nhằm ngăn ngừa sự phát sinh các vấn đề xã hội. Thông qua việc cung cấp các dịch vụ xã hội như: chăm sóc sức khoẻ, cải thiện tình hình kinh tế & việc làm, hạ tầng cơ sở, nước sạch vệ sinh môi trường, hỗ trợ tâm lý tình cảm… nhân viên công tác xã hội sẽ giúp Người khuyết tật có được cơ hội tiếp cận dịch vụ để giải quyết vấn đề của bản thân, phát huy được những khả năng của mình, vượt qua khó khăn đó, vươn lên tự lập trong cuộc sống. Bằng hoạt động giáo dục, cung cấp kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn đề cho cá nhân, gia đình và cộng đồng người khuyết tật, đội ngũ này sẽ cung cấp cơ hội cho Người khuyết tật được hoà nhập cộng động – là một biện pháp giúp họ phát triển nhân cách, tăng cường giao lưu và học hỏi xã hội.

Năm 2010, Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020 (gọi tắt là Đề án 32) được Thủ tướng phê duyệt nhằm phát triển nghề công tác xã hội và xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ số lượng và đạt yêu cầu, gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 2.347 tỷ đồng. Theo đó, đến năm 2020, cả nước cần đào tạo và đào tạo lại 60.000 nhân viên xã hội. Trước mắt, đến năm 2015, nguồn nhân lực cho ngành công tác xã hội phải đạt 30.000 người. Đây là một nhiệm vụ hết sức to lớn và cũng là một thách thức đối với ngành công tác xã hội ở Việt Nam. Chúng ta đã có những người làm công tác xã hội như các nhân viên ở trung tâm bảo trợ xã hội, cán bộ phụ nữ làm công tác dân số trẻ em ở xã phường… Chỉ có điều, họ chưa được đào tạo bài bản và làm việc chưa chuyên nghiệp. Phần đông là làm trái ngành nghề, kiêm nhiệm, thiếu những kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, hiện vẫn chỉ có đội ngũ cán bộ nhân viên công tác xã hội bán chuyên nghiệp với tỷ lệ khiêm tốn. Do không có chuyên môn nên họ làm việc theo trực giác, thiếu nhận thức, hiểu biết và những kỹ năng cần thiết về công tác xã hội nên hiệu quả giải quyết các vấn đề không cao và thiếu bền vững.

Cùng với đó, nhận thức về nghề công tác xã hội còn rất mới mẻ, sự phát triển và đào tạo cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực này chưa được hình thành một cách đồng bộ. Mạng lưới nhân viên và tổ chức cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn mỏng và thiếu tính chuyên nghiệp.

38149___news__DTTKTVN

Chính sách xã hội phải gắn liền với khả năng xây dựng và triển khai các dịch vụ xã hội. Việc chuyển các mô hình chính sách từ trợ cấp về mặt tài chính sang các mô hình đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng sống, tổ chức các dịch vụ nâng cao khả năng sống độc lập của người khuyết tật là hết sức cần thiết. Đồng thời, tiếng nói của người khuyết tật cần được thể hiện rõ trong tiến trình xây dựng luật và hệ thống chính sách cho chính người khuyết tật. Các hoạt động nghiên cứu và thực hành về công tác xã hội cũng cần thêm chức năng và nhiệm vụ đóng góp vào việc đưa tiếng nói của người khuyết tật trong các chính sách xã hội và chương trình xã hội.

Việc quan tâm tạo nguồn nhân viên xã hội cần chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh kỹ năng và khía cạnh đạo đức nghề nghiệp. Hiện các chương trình đào tạo ở các trường đại học đã có những môn học liên quan đến lĩnh vực khuyết tật, tuy nhiên chưa hình thành có hệ thống về mặt nội dung đào tạo và thực hành, nhất là thiếu các môn học và nội dung đề cập đến khía cạnh kỹ năng trong thực hành công tác xã hội ở các lĩnh vực cụ thể. Đi cùng với việc đầu tư khía cạnh kỹ năng trong vấn đề đào tạo công tác xã hội, vấn đề xây dựng hệ thống các chuẩn mực thực hành và quy điều đạo đức trong thực hành công tác xã hội là điều rất cần thiết. Đó là những yếu tố cơ bản trong việc triển khai các mô hình tác động ở các đối tượng yếu thế trong xã hội, nhất là đối tượng người khuyết tật và trẻ khuyết tật.

Theo TS. Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư liệu Dân số, việc xây dựng các mô hình, trung tâm công tác xã hội nói chung từ cấp cơ sở là một định hướng cho việc hình thành hệ thống công tác xã hội chuyên nghiệp ở Việt Nam. Cơ cấu của các mô hình này vừa có thể ở trong hệ thống quản lý của nhà nước, vừa có thể nằm trong hệ thống các tổ chức phi chính phủ nhưng tất cả đều hưởng những tác động trực tiếp và nằm trong sự vận hành của hệ thống phúc lợi xã hội nói chung. Với đối tượng khuyết tật, nhà nước và hệ thống an sinh xã hội cần phải đầu tư nguồn kinh phí tối đa cho sự vận hành các mô hình thực hành cũng như điều tiết các nguồn lực từ tài trợ, hoạt động từ thiện và đóng góp của xã hội. Việc hình thành chính thức hội nhân viên xã hội, hội đào tạo công tác xã hội là hết sức cần thiết. Đây là bộ máy định hướng các quy chuẩn nghề nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề nghiệp cho người làm công tác xã hội. Có bộ máy này vấn đề hoạt động công tác xã hội mới định hướng được tính chuyên nghiệp cũng như có xây dựng được các cơ chế giúp công tác xã hội phát triển tốt hơn ở các khía cạnh đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng trong thực tiễn. Và ngoài đội ngũ chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, chính quy tại các bậc học từ trung cấp đến thạc sỹ, tiến sỹ thì bên cạnh đó cũng cần thiết bồi dưỡng nâng cao năng lực và kiến thức cho đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên ở các tổ chức xã hội nhằm trang bị cho họ kiến thức và kỹ năng công tác xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của xã hội về lĩnh vực này.

Hải Anh, Tạp chí Lao động xã hội

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu