Nghề và Nghiệp

Nghề và Nghiệp

Lướt qua một vài mục quảng cáo bản thân và giới thiệu việc làm, mình cứ cảm thấy bứt rứt và băn khoăn trong lòng. Thực ra cái cảm giác này nó xuất hiện cách đây lâu lắm rồi, khi mà mình có một bạn sinh viên học Công tác Xã hội (CTXH) xong ra đăng tin tìm việc, mà cái việc bạn muốn làm lại là việc của Giáo viên Giáo dục Đặc biệt – Giáo dục tại nhà cho trẻ khuyết tật, hoặc gọi chung là trẻ có nhu cầu đặc biệt. Đến khi mình chia sẻ rằng đó không phải là công việc mà Nhân viên CTXH được đào tạo, và thực sự VÌ ĐỨA TRẺ thì bạn hãy cân nhắc cẩn trọng trước khi nhận trách nhiệm giáo dục chúng nó. Và mình nhận được câu trả lời: “Thế bạn không biết làm việc với trẻ khuyết tật cũng là một mảng của CTXH à?”

Thế để mình giải thích cho các bạn hiểu thế nào là “làm việc” theo quan điểm của người làm CTXH nhé. Theo định nghĩa chung thì CTXH là một ngành thực hành thúc đẩy việc thay đổi và phát triển xã hội, tăng cường sự cố kết, trao quyền cũng như giải phóng con người – “Social work is a practice-based profession and an academic discipline that promotes social change and development, social cohesion, and the empowerment and liberation of people” (IFSW 2015). Ở đây mình nhấn mạnh vào từ “promotes”, nghĩa là “thúc đẩy” nhé. Còn theo định nghĩa của hiệp hội CTXH Úc (2015), thì CTXH là ngành thực hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thay đổi và phát triển xã hội – “The social work profession facilitates social change and development, social cohesion, and the empowerment and liberation of people”. Như vậy ở đây thì “làm việc” cần được hiểu là “thúc đẩy” và “tạo điều kiện thuận lợi”.

Lại bàn đến chức năng và nhiệm vụ của Nhân viên CTXH nhé. Các bạn có hiểu thực chất thì một người làm NV CTXH thì nhiệm vụ của họ là gì không? Thứ nhât, về đối tượng thì nhân viên CTXH có thể làm việc với cá nhân, nhóm, và cộng đồng dựa vào hoàn cảnh về thể chất, xã hội và văn hóa của họ; cũng như dựa vào kinh nghiệm sống hiện tại và quá khứ, và hệ thống văn hóa và niềm tin – “Social workers work with individuals, families, groups and communities in the context of their physical, social and cultural environments; their past and current lived experiences, and their cultural and belief systems” (AASW 2015).

Về nhiệm vụ, nhân viên CTXH có thể làm những việc như: quản lý ca, tham vấn, vận động chính sách, kết nối và phát triển cộng đồng, … ngoài ra nhân viên CTXH có thể làm việc trong các lĩnh vực như phát triển chính sách, giáo dục và nghiên cứu xung quanh vấn đề về công bằng xã hội, bất lợi hoặc phân biệt đối xử của con người trong cộng đồng và xã hội – “Social workers may undertake roles in casework, counselling, advocacy, community engagement and development and social action to address issues at both the personal and social level. Social workers also work in areas such as policy development, education and research particularly around issues of social justice, disadvantage and the marginalisation of people in their communities or in society” (AASW 2015).

Còn theo Quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội của BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI (2010), nhân viên CTXH có thể “Chủ trì cung cấp các dịch vụ công tác xã hội đòi hỏi sử dụng ở mức độ phức tạp các lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành công tác xã hội như: tham vấn, trị liệu, tư vấn, giáo dục, đàm phán, hòa giải, tuyên truyền”. Tất nhiên chức năng và nhiệm vụ thì còn nhiều nhưng chỉ có đoạn này là liên quan đến GIÁO DỤC. Còn tất cả những nội dung khác không có nội dung nào nói rằng NV CTXH có thể đảm nhận vai trò giống như một giáo viên GDĐB – can thiệp trực tiếp cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt (trẻ khuyết tật, trẻ có rối loạn phát triển, trẻ gặp khó khăn về các kỹ năng học tập và kỹ năng xã hội…)

issw-wedge
Nhân viên CTXH có thể làm việc trong trường học, trong bệnh viên, hoăc tại bất cứ cơ sở hoặc đơn vị nào thuộc hệ thống nhà nước hoặc hệ thống các đơn vị và tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, nhấn mạnh lại một lần nữa, vai trò và trách nhiệm của nhân viên CTXH không phải là làm giáo viên, làm bác sĩ hay làm chuyên gia tư vấn. Vì tất cả những người đó đều được đào tạo chuyên môn một cách chính thống để làm công việc của họ. Còn nếu bạn là nhân viên CTXH ư? Nói một cách bóng gió thì bạn giống như kẻ môi giới, chỉ trỏ chỗ nọ chỗ kia ấy. Nhưng tất nhiên để làm một người môi giới chuyên nghiệp, bạn cần phải được đào tạo chuyên nghiệp và bạn cần hiểu rất rõ “khách hàng” của mình cũng như những dịch vụ mà bạn định giới thiệu cho họ. Để hiểu rõ thì tất nhiên bạn cần tìm hiểu, đánh giá chi tiết về khách hàng.

Còn để làm việc với trẻ có nhu cầu đặc biệt thì hãy dành cho những người được đào tạo chính thống trong trường Đại học về Giáo dục Đặc biệt. Kể cả chuyên gia tâm lý, cũng không phải là người có thể “làm việc” được với trẻ có nhu cầu đặc biệt, cũng giống như nhân viên CTXH, họ cũng là người đánh giá và lên kế hoạch cho “khách hàng”. Tuy nhiên việc đánh giá của NVCTXH không giống việc đánh giá của Chuyên gia Tâm Lý. Chuyên gia tâm Lý sử dụng những kiến thức chuyên sâu về tâm lý, những công cụ đánh giá chuyên ngành để đánh giá mức độ “khó khăn” của đứa trẻ về mặt tâm lý cũng như về mặt phát triển trí tuệ. Còn việc đánh giá của NV CTXH thì nó mang tính tổng thể hơn. Chắc các bạn đã nghe đến mô hình đánh giá SINH – TÂM – XÃ (Sinh học – tâm lý/tâm linh – Xã hội), tức là đánh giá một cách toàn diện về các mặt của thân chủ để có cái nhìn toàn diện hơn và từ đó xây dựng được kế hoạch trợ giúp một cách phù hợp. Sau khi có sự đánh giá và kế hoạch của chuyên gia tâm lý và nhân viên CTXH, lúc này mới đến nhiệm vụ của GV GDĐB, là người sẽ thực hiện những kế hoạch thuộc phần giáo dục, đào tạo kỹ năng…

Mô hình trị liệu/trợ giúp cho trẻ có nhu cầu đặc biệt lý tưởng là mô hình ở đó ta có Giáo viên GDĐB, Chuyên gia tâm lý, nhân viên CTXH, Bác Sĩ, và Phụ huynh. Tuy nhiên hiện tại ở Việt Nam, giáo dục không miễn phí và hơn thế có lẽ GDĐB vẫn còn đang là một mảnh đất màu mỡ để kiềm lời thì chắc là ai cũng phải giành giật để trách nhiệm thuộc về mình…

Tôi hoàn toàn không trách những người đã và đang “làm việc” với trẻ có nhu cầu đặc biệt khi được đào tạo ra làm nhân viên CTXH, vì đơn giản có lẽ bạn không được nói rõ là bạn cần, phải và được làm gì. Hơn thế nữa, vấn đề là bạn được đào tạo ra nhưng bạn bị “bỏ rơi” giữa đường. Nên dễ hiểu là tìm được chỗ nào “trú chân” thì ta phải nhẩy vào thôi, cho dù nhiều lúc cũng cảm thấy có chút băn khoăn trong lòng. Nhưng cái băn khoăn về làm sao để có thể sống sót nó còn lớn hơn.

Sinh nghề tử nghiệp, nghề có thể giúp bạn sống tốt nhưng nó cũng có thể giết chết bạn. Và hơn thế nữa, nó còn giết chết cả những người xung quanh, mà cụ thể ở đây là những trẻ em có nhu cầu đặc biệt. Nếu nghiệp của bạn phải gắn với trẻ có nhu cầu đặc biệt, và bạn cảm thấy mình đủ khả năng và năng lực để làm việc với chúng thì bạn hãy làm.

Còn không thì … xin đừng tạo nghiệp!

Thông tin tham khảo:

https://www.aasw.asn.au/information-for-the-community/what-is-social-work
http://moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn bn php lut/View_Detail.aspx?ItemID=26018

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu