Nâng cao vai trò của công tác xã hội đối với người nghèo

Nâng cao vai trò của công tác xã hội đối với người nghèo
Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), công tác xã hội có vai trò trong giảm nghèo bền vững, đóng góp đáng kể cho sự phát triển xã hội; đặc biệt, với những người nghèo đã và đang phải đối mặt với nhiều rủi ro trong cuộc sống.
Mục đích của công tác xã hội với người nghèo nhằm giúp đỡ cá nhân, gia đình và cộng đồng nghèo nâng cao năng lực để thoát nghèo bền vững, giúp họ đối mặt, vượt qua những rủi ro như thất học, thiếu việc làm, thiếu vốn… Bên cạnh đó, còn thúc đẩy các điều kiện xã hội để cá nhân, gia đình nghèo tiếp cận được các chính sách, nguồn lực xã hội, đáp ứng nhu cầu cơ bản. Công tác xã hội với người nghèo, vì thế, nên là hoạt động trợ giúp chuyên nghiệp nhằm nâng cao năng lực, chức năng xã hội của người nghèo; thúc đẩy các chính sách liên quan tới nghèo đói; huy động các nguồn lực, dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng nghèo giải quyết vấn đề nghèo đói và hướng tới bảo đảm An sinh xã hội.
Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều thành tựu trong lĩnh vực giảm nghèo, bằng việc đã và đang áp dụng nhiều mô hình xóa đói giảm nghèo với nhiều dịch vụ công tác xã hội hiệu quả. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn thiếu một số dịch vụ công tác xã hội cho người nghèo. Nhất là người nghèo chưa được tiếp cận với dịch vụ tham vấn trực tiếp, dịch vụ vận động tham gia xây dựng chính sách, dịch vụ biện hộ hay hỗ trợ kết nối,  huy động nhiều nguồn lực bên trong và bên ngoài vào quá trình giải quyết vấn đề… Việt Nam có thể cân nhắc thực hiện lồng ghép công tác xã hội, có quy định về vai trò của nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo, cụ thể là công tác xã hội tham gia vào:
– Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cá nhân, hộ, nhóm và cộng đồng nghèo nhận thức được vấn đề của mình, đánh giá nhu cầu và tìm kiếm, khai thác các tiềm năng nội lực (nhân công, nghề truyền thống, sản xuất và chế biến đặc sản địa phương…), kết hợp với các chương trình, dự án bên ngoài thực hiện sinh kế bền vững.
– Hỗ trợ tổ chức các hoạt động khích lệ, động viên và huy động sự tham gia của người nghèo vào các chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương, thông qua các hoạt động nhóm điển hình, nhóm bạn nghèo tự giúp, nhóm kinh tế hộ.
– Nâng cao kiến thức, giáo dục, hướng dẫn cán bộ địa phương biết phương thức giao tiếp, đánh giá nhu cầu của người nghèo. Hay nói cách khác, công tác xã hội là “cầu nối” người nghèo với cán bộ, để cán bộ, cũng như chính quyền, sát cánh cùng người dân trong công cuộc giảm nghèo bền vững.

 

Tùng Anh
comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu