Mạng lưới nhân viên xã hội: sự cần thiết và lợi ích cho sự phát triển CTXH ở Việt Nam

Mạng lưới nhân viên xã hội: sự cần thiết và lợi ích cho sự phát triển CTXH ở Việt Nam

1. Những dấu mốc hình thành ngành CTXH ở Việt Nam

Từ những nhen nhóm ban đầu vào năm 1989 của cố Ths. PTCĐ Nguyễn Thị Oanh và một số NVXH đào tạo trước 1975; đến nay ngành Công tác Xã hội (CTXH) ở Việt Nam đã đạt được một bước tiến nhanh và quan trọng:

– Ngày 11/10/2004 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định ban hành mã ngành (QĐ số 35/2004/BGDĐT), công nhận ngành CTXH là một ngành đào tạo bậc đại học. Kể từ đó, nhiều trường cao đẳng, đại học mở đào tạo ngành CTXH; và cho đến nay trên cả nước có hơn 30 trường đào tạo CTXH.

– Ngày 25 tháng 8/2010 vừa qua Bộ Nội Vụ cũng đã ban hành mã nghề (Thông tư số 08/2010/TT-BNV), nay chỉ còn chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

– Đăc biệt, ngày 25/3/2010 Phó Thủ tướng chính phủ cũng đã ký quyết định phê duyệt đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 (QĐ. số 32/2010/QĐ-TTg).

– Ngày 14-15/9/2010 Bộ LĐTBXH đã tổ chức hội thảo triển khai đề án này cho tất cả các tỉnh thành trong cả nước tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh).

Đây là những thành quả to lớn trong việc thành hình và xây dựng một nghề mới ở đất nước ta, trong đó có sự nỗ lực lớn của Bộ GDĐT và Bộ LĐ-TB và XH và Bộ Nội Vụ.

2. Vai trò của Hội NVXH

Là những nhân viên xã hội chuyên nghiệp đã tham gia với nhóm khởi xướng xây dựng ngành CTXH cùng cố Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh ngay từ những ngày đầu, chúng tôi hết sức vui mừng trước những quyết định kịp thời của nhà nước và các cơ quan chức năng liên quan. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia góp sức cùng nhà nước trong sứ mệnh xây dựng và phát triển ngành theo như đề án đã được Thủ tướng phê duyệt. Tuy vậy, có một điều chúng tôi rất băng khoăn, lo ngại: đó là việc đề án dự kiến đến năm 2015 mới bắt đầu thành lập Hội NVXH. Theo chúng tôi đợi đến 2015 là quá trể. Sự chậm trể này bỏ lở nhiều cơ hội để vận dụng tốt các nguồn lực trong nước và thế giới.

Nói về nguồn lực trong nước, như nhiều người biết thì từ năm 2004 đến nay ta đã có đến 30 trường CĐĐH có đào tạo cao đẳng và đại học CTXH, đó là chưa kể Trường ĐH Mở Tp.Hồ Chí Minh (trước đây là ĐH Mở Bán công) đã bắt đầu đào tạo cán sự xã hội từ năm 1992 và sau đó cao đẳng và đại học CTXH (nhưng sinh viên tốt nghiệp nhận bằng Xã hội học vì lúc này chưa có mã ngành). Ngoài ra, qua tiếp cận với nhiều trường, tổ chức xã hội, tôi được biết số lượng người có bằng thạc sĩ CTXH hoặc thạc sĩ các ngành gần gũi với CTXH tốt nghiệp từ nước ngoài trên cả nước không dưới 100. Gần đây cũng đã có vài tiến sĩ CTXH mới về nước và hiện còn nhiều thạc sĩ, tiến sĩ đang theo học ngành này ở nhiều nước ở nhiều châu lục khác nhau trên thế giới. Những người này rất mong mõi sớm có Hội để họ có thể liên kết hợp tác học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau hầu đóng góp nhiều hơn cho ngành nghề. Mong mõi này thể hiện rõ qua việc trên Internet trong vài năm qua đã xuất hiện website Việt Nam Social Work Network hoặc Website Hội Phát triển CTXH (xuất hiện trong tháng 9/2010). Hội Dạy Nghề Việt Nam (Hà Nội) đang xúc tiến thủ tục xin lập Hội CTXH. Ở Tp.Hồ Chí Minh một Mạng lưới NVXH cũng đã hình thành, có những đóng góp đáng kể cho ngành CTXH trong nhiều năm qua. Và tháng 7/2010 vừa qua nhóm này đã bầu Ban vận động thành lập Hội NVXH Tp.Hồ Chí Minh. Nhóm cũng đã nộp đơn xin công nhận Ban vận động thành lập Hội NVXH tại Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Tp.HCM. Những sự kiện này cho thấy việc thành lập Hội NVXH đang là một nhu cầu bức thiết của NVXH.

Đề án phát triển ngành CTXH dự kiến đến năm 2015 mới tính đến việc lập Hội CTXH, theo tôi dự kiến này chưa sát với nhu cầu xã hội và làm chậm đi cơ hội phát huy nguồn lực đang có trong nước. Thí dụ: Cho đến hiện nay chưa có tổ chức nào nắm sát số lượng, chất lượng, địa chỉ… đội ngũ NVXH chuyên môn đã được đào tạo. Việc này sẽ được thực hiện khá dễ dàng khi có Hội (dựa trên hồ sơ Hội viên để cung cấp thông tin về nguồn nhân lực chuyên môn cho các tổ chức có nhu cầu). Hội sẽ tổ chức các hoạt động nâng cao tay nghề cho NVXH như tập huấn ngắn hạn, toạ đàm chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến thông tin về các kiến thức, các nguồn tài nguyên, tham gia xây dựng hoặc góp ý cho các chương trình CTXH, soạn thảo quy điều đạo đức, quy chế thưởng phạt hội viên…Ngoài ra, Hội của ta có thể xin phép gia nhập Hiệp hội NVXH Quốc tế (IFSW: International Federation of Social Workers). Đây là cơ hội tốt để hội nhập và vận dụng được nguồn lực, kinh nghiệm to lớn của nhiều nước có ngành CTXH đã phát triển hằng trăm năm nay. Trong Hội nghị quốc tế của IFSW tổ chức tại Hồng Kông tháng 6 vừa qua, nhiều kinh nghiệm quý báu về thực hành và giảng dạy CTXH trên khắp thế giới đã được chia sẻ rộng rãi. Hội nghị cũng đã bàn thảo về chiến lược, mục tiêu hoạt động của ngành trong những năm sắp đến, điều chỉnh định nghĩa về CTXH, kêu gọi liên kết tổ chức các nghiên cứu liên quốc gia, tổ chức các hội nghị bàn về các sách lược đối phó với các vấn đề xã hội hiện nay của khu vực và toàn cầu… Trong khu vực Đông dương chỉ còn VN, Lào, CPC và Myanmar là chưa có hội cấp quốc gia, vì vậy không thể gia nhập IFSW.

3. Vai trò của Hiệp hội các Trường có Đào tạo CTXH

Về trường đào tạo CTXH, ở Việt Nam hiện nay có đến hơn 30 trường. Trong nhiều năm qua, đại diện các Trường, Khoa, giảng viên, chuyên gia CTXH nhiều lần nêu khó khăn về thiếu thầy, thiếu giáo trình, sách tham khảo…thế nhưng trên thực tế ngay tại khoa CTXH ĐH. Lao động và Xã hội (Cơ sở 1) hiện có gần 10 thạc sĩ tốt nghiệp nước ngoài. ở ĐH KHXHNV, ĐH Sư Phạm Hà Nội, ĐH Đà Lạt cũng có trên 10 người đang theo học thạc sĩ và tiến sĩ CTXH ở nhiều nước. Ở TP.HCM có không dưới 30 thạc sĩ (trong đó, riêng ở SDRC cũng đang có 8 thạc sĩ CTXH, PTCĐ và vài ngành ngành gần gũi với CTXH), Ngoài ra, ở rải rác các tỉnh như Khánh Hoà, Đà Nẳng cũng có 2-3 thạc sĩ CTXH (theo ghi nhận riêng của SDRC). Về giáo trình, tài liệu tham khảo tôi cũng được biết ở ĐH Mở Tp.HCM đã biên soạn/dịch và đang hành hơn 20 đầu sách. Tương tự, ở ĐH. LĐXH đang có không dưới 10 cuốn. Các đại học khác như ĐH Đà Lạt, ĐH KHXH&NV (2 nơi) cũng đều có biên soạn sách, tài liệu giảng dạy CTXH. Ở SDRC cũng đang có không dưới 20 modules tập huấn CTXH ngắn hạn đã được biên soạn, cập nhật thường xuyên trong hơn 20 năm qua. Đó là chưa kể nhiều tài liệu đã được các tổ chức ngoài nhà nước khác (INGOs) biên soạn và phát hành (TD: WWO, UNICEF, Save Children, NGO resource center…). Riêng sách tham khảo bằng tiếng Anh cũng có nhiều ở các nơi nêu trên. Công việc thống kê, phổ biến và giới thiệu cho nhau sử dụng các nguồn tài nguyên trên là không mấy khó khăn. Nhưng cho đến nay chưa có một tổ chức nào làm công việc thống kê, giới thiệu các nguồn lực này, mỗi nơi tự xoay xở theo cách riêng của mình. Vì vậy, theo tôi việc thành hình Hội các Trường đào tạo CTXH ở Việt Nam hiện nay cũng rất cần thiết và hữu ích: Hội sẽ tổ chức các hoạt động nâng cao tay nghề giảng dạy, kiểm huấn, tổ chức toạ đàm chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến thông tin, các kiến thức, các nguồn tài nguyên…nhằm góp phần nâng dần chất lượng đào tạo CTXH ở nước ta.

Tương tự như Hội NVXH, trên thế giới cũng đã có Hiệp hội các trường CTXH thế giới từ lâu (IFSSW: International Federation of Schools of Social Work) và ngay trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lại có thêm Hội Giáo dục CTXH (APASWE: Asia and Pacific Association of Social Work Education). APASWE và IFSSW phối hợp tổ chức nhiều hoạt động liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo CTXH ở các nước. Thành viên của Hiệp hội này cũng là Hội các trường CTXH của 80 nước trên thế giới. Những tổ chức này quy tụ nhiều chuyên gia CTXH, có tiếng nói khá mạnh mẽ, nguồn lực khá phong phú nhờ vào sự chung sức của nhiều nước và vận động được sự hỗ trợ từ các tổ chức của Liên hiệp quốc và của nhiều tổ chức kinh tế-xã hội Phi chính phủ …

Vì vậy, việc thành lập Hội các Trường đào tạo CTXH không những đáp ứng nhu cầu cấp thiết về liên kết, phối hợp để tăng nguồn lực trong nước nhằm “nâng cao chất lượng đào tạo CTXH” mà còn chuẩn bị cho việc gia nhập các tổ chức nói trên để phát triển ngành trong tương lai.

network kk

4. Kết luận và Khuyến nghị

Mặc dù những nhận định trên của tôi không tránh khỏi chủ quan và thiếu sót, nhưng tôi rất hy vọng có nhiều đại biểu trong Ngày hội Kỹ niệm Ngày CTXH.TG năm 2010 này đồng tình ủng hộ cho việc sớm thành lập Hội NVXH và Hội các Trường đào tạo CTXH ở Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP về “Tổ chức, hoạt động và quàn lý hội” của Thủ Tướng ban hành ngày 21/4/2010.

Tuy nhiên, vì điều kiện đất nước ta trãi dài, việc đi lại để gặp gỡ nhau trực tiếp tại một nơi khó khăn, nguồn lực còn hạn chế và sự phát triển của CTXH hiện nay ở các vùng miền có khác nhau, vì vậy tôi đề nghị ở giai đoạn đầu (2011-2012) nên thành lập trước Hội NVXH ở Hà Nội, Huế và Tp.Hồ Chí Minh (hoặc hơn 3 tỉnh thành. Hội cấp tỉnh thành có tối thiểu 50 hội viên). 3 năm tiếp theo thành lập thêm các Hội ở các tỉnh thành có điều kiện khác để đến năm 2015 xin phép lập Hội cấp quốc gia theo như dự kiến trong đề án 32 của Bộ LĐ-TB&XH.

Riêng Các trường đào tạo CTXH, cũng theo Nghị định nêu trên, thì các Trường có thể thành lập Hiệp hội các trường đào tạo CTXH trên cả nước với số thành viên tối thiểu là 11.

Như vậy, theo theo Nghị định trên thì hai nhóm đối tượng CTXH khác nhau (NVXH và Trường đào tạo CTXH) có thể xin thành lập hai loại hình: Hội và Hiệp hội.

Tham luận này chỉ chỉ mang tính gợi ý cá nhân. Đề nghị Ban tổ chức Ngày hội Kỹ niệm Ngày CTXH TG tổ chức thảo luận thêm để có quyết định chung và đến cuối ngày có được 1 trường đứng ra chủ trì việc liên kết và tiến hành các thủ tục xin phép lập Hiệp hội các trường CTXH, và các trường hoặc tổ chức xã hội khác xung phong đứng ra chủ trì việc liên kết và tiến hành các thủ tục xin phép lập Hội NVXH ở các tỉnh thành.

Cuối cùng, vì nhu cầu của xã hội vì sự mong mõi được đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước, tôi tha thiết đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan như Lao động-Thương binh và Xã hội, Nội Vụ đồng tình hỗ trợ cho đề nghị này./.

(Nguồn: Kỷ yếu Ngày CTXH Thế giới 2010, Trường ĐHLĐXH cơ sở II)

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu