Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, cùng với các chủ trương, chính sách nhằm gia tăng lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì công tác tuyên truyền, phổ biến lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Ít người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một chính sách nằm trong hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội của Nhà nước, được quy định tại Chương IV Luật Bảo hiểm xã hội đã được Quốc hội thông qua ngày 29-2-2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2008. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một chính sách lớn của Nhà nước, sau thời gian thực hiện, bảo hiểm xã hội tự nguyện có nhiều phát triển. Tính đến cuối năm 2016 đã có khoảng 200 nghìn người tham gia. Tuy nhiên theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, đây vẫn là con số thấp, cho thấy số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn rất hạn chế. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chủ yếu là người đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

 Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp phát biểu tại hội nghị.

Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, nguyên nhân dẫn đến lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp là do nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội còn kém và biện pháp tuyên truyền, phổ biến về bảo hiểm xã hội tự nguyện có nhiều hạn chế. Báo cáo Thực trạng công tác phát triển đối tượng và thu bảo hiểm xã hội tự nguyện giai đoạn 2008-2016 chỉ ra việc tuyên truyền vận động người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đang vấp phải nhiều khó khăn khi việc minh họa các quyền lợi của người tham gia sau 20 năm là rất khó, thiếu các ví dụ trực quan, sinh động nên không thuyết phục được người tham gia.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Kết thúc hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, để bảo hiểm xã hội tự nguyện đi vào cuộc sống, phát huy được những điểm mới, tiến bộ trong chính sách, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội đất nước, mở rộng hơn phạm vi bao phủ bảo hiểm xã hội, góp phần an sinh xã hội bền vững thì ngoài các chính sách, cơ chế phối hợp từ phía Nhà nước, các bộ, ban, ngành và địa phương thì công tác truyền thông về bảo hiểm xã hội tự nguyện cần diễn ra sâu rộng hơn nữa đến các tầng lớp nhân dân.

 Toàn cảnh hội nghị.

Mỗi địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền đến người dân về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đại diện tỉnh Hà Nam đưa ra kiến nghị xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền đến tay người lao động thông qua các buổi sinh hoạt tập thể tại các phường, xã như sổ tay Luật Bảo hiểm xã hội, tờ rơi, áp phích tuyên truyền bảo hiểm xã hội tự nguyện; tổ chức các hoạt động tuyên truyền theo phương thức truyền khẩu trong các làng nghề, hợp tác xã phi nông nghiệp, mở rộng đại lý bảo hiểm xã hội tự nguyện đến tận các thôn, bản…

Có thể nói, bảo hiểm xã hội tự nguyện là một chính sách an sinh xã hội nhân văn của Nhà nước nhằm trợ giúp người lao động ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động. Đẩy mạnh tuyên truyền giúp người lao động tự nhận rõ được lợi ích khi tham gia là công việc cần thiết, giúp bảo hiểm xã hội tự nguyện thực sự phát huy được vai trò và giá trị của mình.

Bài, ảnh: BĂNG CHÂU