Hà Nội sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm dành cho tượng yếu thế

Hà Nội sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm dành cho tượng yếu thế
Với việc ra mắt Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trên cơ sở hợp nhất 2 Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) Hà Nội và TTDVVL số 2 Hà Nội, các hoạt động kết nối cung cầu thị trường lao động trên địa bàn Thủ đô sẽ được đồng bộ và hiệu quả hơn…
Tại lễ ra mắt TTDVVL Hà Nội sáng 4/3, ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc TTDVVL Hà Nội đã có cuộc trả lời phỏng vấn PV TBTCVN.

*PV: Việc hợp nhất 2 Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) có ý nghĩa thế nào trong việc kết nối cung cầu thị trường lao động, thưa ông?

Ông Nguyễn Toàn Phong: Với việc hợp nhất 2 TTDVVL là TTDVVL Hà Nội và TTDVVL số 2 Hà Nội thành đơn vị mới là Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho việc kết nối hiệu quả hơn các hoạt động cung cầu lao động.

Tuy nhiên, thành phố Hà Nội với trên 5 triệu lao động, đặc biệt là với tổng số doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động vào khoảng 200 nghìn doanh nghiệp, thì nhiệm vụ đặt ra đối với chúng tôi sẽ nhiều thách thức hơn. Đáng chú ý, số lượng các phiên giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố năm nay sẽ tăng lên nhiều so với năm 2016.

Các hoạt động giao dịch việc làm sẽ được tổ chức thường xuyên cũng như kết nối các phiên giao dịch việc làm online. Định kỳ các phiên giao dịch này sẽ mở vào các ngày thứ 3, thứ 5 hàng tuần. Người lao động chỉ cần đến các điểm giao dịch việc làm vệ tinh hoặc một trong hai sàn chính để tìm được các cơ hội việc làm.

Ông Nguyễn Toàn Phong: Điểm nhấn trong năm 2017 là chúng tôi sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho các đối tượng yếu thế, như phiên giao dịch việc làm cho người khuyết tật, phiên giao dịch việc làm cho bộ đội xuất ngũ, phiên giao dịch việc làm cho lao động trở về từ Hàn Quốc và các nước khác.

Bên cạnh đó là các phiên giao dịch việc làm cho thanh niên và các đối tượng khác nhau tùy theo nhu cầu của thị trường lao động.

Đồng thời, năm nay chúng tôi tiếp tục quan tâm đến các đối tượng sau cai nghiện, đối tượng thuộc khối bảo trợ xã hội để tiếp tục có những hỗ trợ cho họ sớm hòa nhập lại thị trường lao động.

Với riêng thị trường lao động Hà Nội, năm nay chúng tôi sẽ quan tâm hơn đến lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2016, Hà Nội có 40.000 lao động bảo hiểm thất nghiệp đến xin hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề và việc làm để quay lại thị trường lao động. Do đó, năm nay chúng tôi sẽ tăng thêm các phiên giao dịch việc làm dành cho các đối tượng này, với dự kiến có khoảng trên dưới 20 phiên (năm 2016 có 5 phiên).

Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ thông tin cho người lao động trong đó có công tác phân tích, dự báo thị trường cũng sẽ được chúng tôi cập nhật.

PV: Qua theo dõi các phiên giao dịch việc làm, dường như lao động nữ ít có cơ hội tiếp cận cơ hội việc làm hơn, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này, thưa ông?

Ông Nguyễn Toàn Phong: Hiện nay, tỷ lệ lao động nữ mất việc làm qua thống kê trên địa bàn Hà Nội là trên 50%, còn chỉ số tuyển dụng cũng xấp xỉ trên dưới 50%.

Với lao động nữ trong độ tuổi lao động từ 18 đến 35 thì cơ hội việc làm rất rộng, nhưng lao động nữ trên 35 tuổi thì có lẽ cần những hoạt động hỗ trợ cụ thể hơn nữa để tìm được những công việc mới phù hợp.

Việc làm cho những lao động nữ phổ thông ngoài 35 tuổi trở đi tôi cho rằng đây là vấn đề không chỉ trung tâm chúng tôi, mà xã hội cần quan tâm để giúp họ có cơ hội việc làm khi độ tuổi có những khó khăn nhất định.

PV: Vậy còn nhận định chung về triển vọng thị trường lao động năm 2017, ông có dự báo gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Toàn Phong: Tôi cho rằng thị trường lao động năm 2017 sẽ tiếp tục ổn định và phát triển, bởi vì tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới vẫn cao hơn doanh nghiệp phá sản hoặc dừng hoạt động. Tại các phiên giao dịch việc làm từ đầu năm đến nay, chỉ số tuyển dụng của các doanh nghiệp là khá cao.

Chỉ riêng tại Hà Nội, các ngành nghề thu hút lao động cũng tương đối đa dạng, đặc biệt là lao động phổ thông, vì hiện nay các khu công nghiệp đang rất cần. Ngoài ra, các vị trí việc làm khác trong các ngành nghề kỹ thuật, kinh tế, dịch vụ, thương mại đều là những ngành nghề người lao động dễ có được việc làm.

Vấn đề ở đây là thông tin thị trường lao động hiện rất bùng nổ kéo theo các giao dịch việc làm trên mạng cũng đa dạng. Do đó, người lao động cần cẩn thận để tránh bị các hoạt động giao dịch việc làm trên mạng lừa đảo.

PV: Xin cám ơn ông!

Mai Đan

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu