Giúp trẻ phòng vệ từ khi còn nhỏ

Giúp trẻ phòng vệ từ khi còn nhỏ

Sự chủ quan, lơ là, thiếu quan tâm của cha mẹ, trường học đang khiến nhiều đứa trẻ trở thành nạn nhân của tội ác xâm hại tình dục. Làm thế nào để giúp trẻ tự bảo vệ mình trước nguy cơ có thể bị tấn công tình dục ở khắp mọi nơi?

Im lặng và nỗi đau đơn độc

Mới đây, câu chuyện thương tâm về một bé gái 13 tuổi ở xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã chọn lối thoát là tự tử vì bị ông hàng xóm xâm hại nhiều lần khiến nhiều người đau lòng. Em rơi vào tuyệt vọng, đau khổ vì kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật dù gia đình em đã tố cáo với công an. Cơ quan chức năng cho rằng chưa đủ chứng cứ để khởi tố vụ án. Đưa ra dẫn chứng này, thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM nói rằng, trẻ em rất mong manh, không thể phòng vệ khi bị tấn công tình dục cũng như đối chọi với nỗi đau không nói lên lời.  Đừng vì lý do mưu sinh mà để con trẻ phải gánh chịu nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần một mình. Trong sự đơn độc, tuyệt vọng, bất lực khi thấy kẻ thủ ác, kẻ xấu chưa bị pháp luật trừng trị, nạn nhân không chỉ bất an mà dễ tìm đến cái chết.

Phát biểu tại buổi tọa đàm “Chống xâm hại tình dục trẻ em” được tổ chức tại TPHCM,  PGS.TS Phạm Thị Kim Xuyến (Đại học Văn Hiến) cho biết, có đến 2/3 nạn nhân bị xâm hại tình dục đã im lặng trong vòng 1 năm và 1/3 im lặng trong 5 năm trở lên. Thực tế này cho thấy, nạn nhân hoặc không biết rõ hành vi này xấu hoặc sợ hãi không dám nói ra vì các em không tìm thấy chỗ dựa, sự sẻ chia của chính cha mẹ, người lớn. Chính vì thế, cha mẹ phải gần con, hiểu con và nói cho con biết về vấn nạn này có thể xảy ra bất cứ nơi nào để các em phòng vệ và dám nói ra sự thật khi mình là nạn nhân. Không phải đến bây giờ, sau nhiều vụ việc trẻ bị xâm hại tình dục, chúng ta mới mổ xẻ con số có cả hàng ngàn trẻ em trở thành nạn nhân của tội ác này. Nếu chúng ta im lặng, không hành động và lôi ra ánh sáng công lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em thì tội ác này sẽ tăng cao hơn.

Phòng chống xâm hại tình dục để tạo môi trường an toàn, bình yên cho trẻ

Bác sĩ Hoàn Vũ Quỳnh Trang, chuyên ngành Nhi khoa phát triển hành vi, Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo rằng, hành vi xâm hại tình dục ở trẻ xảy ra cả ở những nơi rất thân quen và thủ phạm lại là những người thân của các bé. Vì thế, chính sự chủ quan, lơ là của cha mẹ đã khiến nhiều bé bị rơi vào cạm bẫy ở ngay trong nhà và nó được che đậy bằng hành động yêu thương. Theo bác sĩ này, rất nhiều trường hợp, trẻ bị chính người thân trong gia đình hãm hại, lạm dụng tình dục mà không dám lên tiếng.

Các bậc phụ huynh hãy cảnh giác và dạy con trẻ biết yêu thương cơ thể ngay từ khi còn bé, để các em ý thức rõ nó là của mình. Khi biết rõ bộ phận nào nhạy cảm, các em sẽ nhận biết, phân biệt hành vi nào bị xem là xấu”. Tương tự, chuyên gia tâm lý Lê Thị Linh Trang chia sẻ, việc trang bị kiến thức tự phòng vệ sớm cho trẻ nhỏ, nhất là ở bậc tiểu học rất cần thiết. Cụ thể, cần chỉ cho các bé biết “vùng cấm” nào là riêng tư, hành vi nào xấu, không an toàn. Hơn nữa, cần chỉ cho các em biết thế nào là đụng chạm, giao tiếp an toàn, thể hiện tình cảm chân thành, ấm áp, yêu thương…

Đừng làm trẻ sợ thêm

Không thể diễn tả hết nỗi đau, vết thương về tâm lý, thể chất, tinh thần của các nạn nhân bị xâm hại tình dục. Nhiều đứa trẻ khi trưởng thành không chỉ mất niềm tin mà còn bị khiếm khuyết về tâm hồn. Vì thế, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy cho rằng, việc hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân và gia đình rất quan trọng, nhất là vai trò của cha mẹ ngay khi phát hiện con em mình bị xâm hại. Việc đầu tiên phải làm là hỗ trợ  tâm lý để con ổn định về tinh thần, sau đó mới hỏi thêm thông tin.  Quanh câu chuyện nhạy cảm này, có một số phụ huynh mất bình tĩnh thường nổi giận, tra hỏi trẻ liên tục… Thậm chí vì bức xúc, phẫn nộ, họ còn bắt đứa trẻ mô tả kỹ hành vi phạm tội của kẻ thủ ác khiến đứa trẻ rối trí, khủng hoảng tinh thần. Với kinh nghiệm bào chữa cho nhiều trẻ bị xâm hại tình dục, luật sư Đào Thị Bích Liên, Chi hội phó Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, cho rằng, vai trò của người mẹ rất quan trọng. Trước hết khi bé kể cho mẹ nghe, người mẹ phải giữ bình tĩnh, ôm con vào lòng, nghe con tâm sự từ từ một cách nhẹ nhàng, thân thiện, không nên nóng giận, không dắt con đến gặp nghi phạm để đối chất… Vì điều này sẽ làm nỗi đau của trẻ chồng lên nỗi đau và chắc chắn kẻ xấu đó sẽ chối tội. Khi đó, đứa trẻ sẽ đối diện với sự sợ hãi nhiều hơn. Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, không tắm cho con và ngay lập tức làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an, cho đi trưng cầu giám định pháp ý, song song đó là đưa lên trạm y tế, bệnh viện thăm khám xem có bị tổn hại không. Cũng theo nhà tâm lý này, gần đây, hình ảnh, thông tin trẻ bị xâm hại… đưa lên quá nhiều, quá kỹ, đã vô tình khoét sâu thực trạng này và làm cho trẻ bị sang chấn nhiều hơn. Vì thế, gia đình và xã hội cần chung tay bảo vệ sự an toàn, bình yên trong tâm hồn trẻ trước khi nói về yếu tố luật pháp.

Giáo dục con tự bảo vệ mình là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn của các bậc phụ huynh. Quan tâm giáo dục cho con trẻ càng sớm càng tốt. Từ việc gần con, dành thời gian nói chuyện với con mỗi ngày, nhất là ăn tối với con, quan sát con trước khi đi ngủ…, cha mẹ sẽ nhận thấy con mình có điều gì bất an hay không. Có như thế, trẻ mới có môi trường sống an toàn, được bảo vệ bằng vòng tay yêu thương của người thân.

 DIỆU KHANH

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu