Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục kết hợp công bằng xã hội

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục kết hợp công bằng xã hội

NDĐT – Ngày 23-2, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hồ Chí Minh về các nội dung liên quan đến việc thực hiện tự chủ, xã hội hóa và định hướng phát triển ngành GD-ĐT thành phố đến năm 2020.

Báo cáo với Bí thư Thành ủy, đồng chí Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Sở cho biết, tính đến năm học 2016-2017, toàn thành phố có 2.168 cơ sở GD-ĐT, trong đó cơ sở công lập có 1.360 đơn vị, ngoài công lập có 808 đơn vị với số học sinh, sinh viên hơn 1,7 triệu em cùng hơn 83 nghìn giáo viên. Về tình hình thực hiện tự chủ tài chính, ở cấp thành phố, trong 1.326 đơn vị, có 5 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động; 1.223 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động; còn 88 đơn vị do ngân sách lo toàn bộ. Ở khối các đơn vị giáo dục thuộc quận, huyện gồm 1.189 đơn vị thì có 1.086 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động, còn lại 96 đơn vị do ngân sách Nhà nước lo.

Với công tác xã hội hóa giáo dục, ngành đã xây dựng quỹ bảo trợ học đường, quỹ khen thưởng qua các hội, đoàn địa phương, xây dựng quỹ học bổng và các giải thưởng lớn như học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thái Bình; giải Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh, Võ Trường Toản, Chương trình nụ cười hồng, quỹ bảo trợ tài năng trẻ. Ngoài ra, Hội Khuyến học toàn thành phố có 2.131 cơ sở Hội ở phường, xã và các cơ quan, công ty, xí nghiệp, hội quán,… với 417.602 hội viên; 703 trường có Chi hội khuyến học đã thực hiện chương trình khuyến sư, khuyến học, khuyến tài, “xây dựng gia đình hiếu học”.

Đồng chí Đinh La Thăng bày tỏ ấn tượng với các chỉ tiêu mà ngành GD-ĐT thành phố đã làm được và cho rằng mỗi năm, TP Hồ Chí Minh dành hơn 26% vốn ngân sách cho việc chi thường xuyên và chi cho đầu tư xây dựng mới, sửa chữa và cải tạo, nâng cấp trường học, nhưng kinh phí này vẫn chưa đủ để bảo đảm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chuẩn về trường lớp, đáp ứng cho sự gia tăng dân số cơ học. Trong các nguồn kinh phí đầu tư cho sửa chữa, xây dựng trường lớp, ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 60%, còn lại là vốn vay từ quỹ đầu tư và từ các nguồn khác khoảng 15% và vốn xã hội hóa chiếm 25% là đáng hoan nghênh và việc đầu tư sẽ ngày một tăng thêm.

Vậy nhưng, có trường, có lớp mà học sinh vẫn than quá tải là không thể được vì ngoài học tập, các em còn cần vui chơi, giải trí, sinh hoạt ngoài trời, thể thao nên mục tiêu phổ cập cho học sinh yếu thì vẫn làm, bồi dưỡng nâng cao cho học sinh giỏi thì vẫn làm nhưng phần này Nhà nước phải lo kinh phí. Còn các kiểu dạy thêm biến tướng nhồi nhét học sinh thì phải cấm và chấm dứt triệt để. Bên cạnh đó, ngành giáo dục phải “xóa mù bơi” cho học sinh của TP Hồ Chí Minh vốn dày đặc sông rạch bằng các bể bơi di động

Sự phát triển mạnh và ngày càng mở rộng của mạng lưới trường ngoài công lập là một minh chứng sống động thể hiện nỗ lực của xã hội chăm lo cho công tác giáo dục. Đóng góp lớn nhất của khối trường này là góp phần tích cực trong việc tạo ra nhiều chỗ học tập, bảo đảm cơ hội học tập cho học sinh, từ đó góp phần nâng cao dân trí của người dân và làm giảm đáng kể sức ép về ngân sách cho giáo dục.

Trường ngoài công lập được thành lập, ngoài việc góp phần mở rộng qui mô và điều kiện học tập cho con em nhân dân, nhà trường còn có những thế mạnh rất căn bản như tự quyết định được mức học phí, thù lao giáo viên thỏa đáng, có điều kiện thúc đẩy nâng cao chất lượng chuyên môn và chọn lựa giáo viên giỏi cho nhà trường. Chính thế mạnh này của nhà trường ngoài công lập đã thu hút cả giáo viên giỏi từ các trường công lập.

“Sắp tới sẽ cho phép một tỷ lệ nhất định các trường có điều kiện chuyển sang tự chủ 100% về tự quyết định mức thu (có thể thu ở mức cao), bảo đảm sự phát triển của nhà trường theo hướng tiên tiến, hiện đại; tự quyết định tuyển dụng và trả lương cho giáo viên. Phần kinh phí lẽ ra cấp cho các trường này sẽ tập trung đầu tư cho các trường còn lại để phát triển nhà trường, tăng chế độ cho giáo viên. Bên cạnh đó là thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm học phí, các chính sách xã hội nhằm bảo đảm mọi học sinh có hoàn cảnh khó khăn có khả năng học tập đều được đi học, thể hiện tính “ưu việt” của chế độ. Trường công hay tư đều phải bảo đảm nội dung giáo dục tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc học tập lý luận không được máy móc, giáo điều, học tập cần vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế” – đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh.

MINH ANH

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu