Công tác xã hội đối với người nghèo dân tộc thiểu số: Giải pháp thoát nghèo bền vững

Công tác xã hội đối với người nghèo dân tộc thiểu số: Giải pháp thoát nghèo bền vững

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã đem lại cho đất nước nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt nhưng những vấn đề như thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, thảm họa, nghèo đói, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là người nghèo dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo.

Nhằm giải quyết những thách thức trên cần có sự chung tay của toàn xã hội, trong đó công tác xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Ở Việt Nam nghề công tác xã hội mới chỉ ở bước đầu hình thành và phát triển từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 32/2010/QĐ-TTg (còn gọi là Đề án 32) về phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020. Từ khi Đề án được ban hành, công tác xã hội mới chính thức được coi như một ngành khoa học, một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã số ngạch viên chức.

Tuy nhiên, hiện nay công tác xã hội đối với người nghèo chưa có chính sách cụ thể mà chủ yếu vẫn lồng ghép vào các hoạt động của ngành lao động thương binh và xã hội; Mặt trận và các đoàn thể; các dịch vụ cung cấp cho người nghèo còn bỏ ngỏ dẫn đến các chính sách được thực hiện song hiệu quả mang lại chưa cao. Do đó vấn đề đặt ra là cần có những chính sách cụ thể nhằm phát triển nghề công tác xã hội, trong đó có chính sách nhằm phát triển công tác xã hội đối với người nghèo dân tộc thiểu số, nhằm giúp họ tăng năng lực, chủ động tự tin thụ hưởng các chính sách của Nhà nước. Mặt khác, cần phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ cho người nghèo dân tộc thiểu số; xây dựng đội ngũ nhân viên xã hội tâm huyết với người nghèo và có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp với nhân viên công tác xã hội.

Để phát triển nghề công tác xã hội trong quá trình thực hiện các chính sách đối với người nghèo dân tộc thiểu số trong giai đoạn 2016 – 2020, xin được trao đổi một số giải pháp như sau:

Các giải pháp phát triển nghề công tác xã hội đối với người nghèo dân tộc thiểu số

– Phát triển nghề công tác xã hội phải gắn với việc xây dựng các đề án, chính sách theo hướng đa mục tiêu, dài hạn, đa lĩnh vực và giảm đầu mối quản lý; chú trọng hơn vào các chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực, phát triển sinh kế bền vững, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất; đối với những vùng khó khăn cần có các dự án trọng điểm để bảo đảm tập trung nguồn lực thực hiện chính sách; xây dựng và ban hành quy chuẩn cụ thể về ưu tiên và tính đặc thù trong từng chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi.

– Phát triển nghề công tác xã hội cần gắn kết trong các nhóm chính sách như: Nhóm chính sách đầu tư phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi; Nhóm chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội cho hộ nghèo, hộ nghèo dân tộc thiểu số.

– Phát triển nghề công tác xã hội trong việc tiếp tục thực hiện các chính sách còn hiệu lực, có hiệu quả, trong đó cần ưu tiên theo các lĩnh vực: đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số và giảm nghèo bền vững.

– Phân cấp mạnh cho các địa phương và đề cao trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý, sử dụng, lồng ghép các nguồn lực để phát triển công tác xã hội cũng như thực hiện các chính sách cho người nghèo dân tộc thiểu số; đẩy mạnh trao quyền cho cộng đồng nhằm nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng trong việc thực nhiện chính sách cho người nghèo dân tộc thiểu số.

– Tăng cường xã hội hóa và sự đóng góp nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp cho người nghèo dân tộc thiểu số, vận dụng lồng ghép trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội để tận dụng tối đa tất cả các nguồn lực một cách hiệu quả cho người nghèo dân tộc thiểu số.

– Tăng cường năng lực và nâng cao vị thế của công tác xã hội đối với người nghèo dân tộc thiểu số để công tác xã hội thực sự là một nghề cao quý, phù hợp với quá trình phát triển của đất nước cũng như góp phần thực hiện tốt hơn các chính sách giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.

Các giải pháp phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội trong việc hỗ trợ người nghèo dân tộc thiểu số tiếp cận các chính sách, các dịch vụ:

Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo và dạy nghề cho người nghèo dân tộc thiểu số và con em họ đi học, nhân viên công tác xã hội hỗ trợ cho hộ nghèo dân tộc thiểu số tiếp cận một cách tốt nhất các chính sách về giáo dục, như: hỗ trợ, tư vấn cho con em họ tự tin đến trường và thấy được những lợi ích của việc học. Mặt khác, kết nối với các cơ quan thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí cho con em hộ nghèo dân tộc thiểu số được hưởng các chính sách một cách tốt nhất, làm cho người nghèo dân tộc thiểu số và các cơ quan cung cấp, thực hiện chính sách hiểu nhau và chia sẻ những khó khăn của nhau. Bên cạnh đó nhân viên công tác xã hội khi làm việc với các thành viên của hộ nghèo dân tộc thiểu số, sẽ xác định được nhu cầu học nghề của từng thành viên trong gia đình, từ đó có kế hoạch kết nối với các tổ chức, cá nhân, các trung tâm dạy nghề để hỗ trợ họ chọn học nghề phù hợp, giúp họ tự tin khi tham gia học nghề và tìm nghề nghiệp ổn định sau khi học. Mặt khác nhân viên xã hội sẽ kết nối các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm khi người nghèo dân tộc thiểu số làm ra, giúp họ ổn định được đầu ra của sản phẩm và có thu nhập ổn định.

Nhân viên công tác xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện khảo sát xác định nhu cầu học nghề của lao động nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn từng huyện, thành phố làm căn cứ để cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nghèo dân tộc thiểu số hằng năm; xác định số lượng lao động nghèo dân tộc thiểu số cần đào tạo và nghề đào tạo phục vụ cho phát triển kinh tế ở các huyện, thành phố để có cơ sở tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập ổn định cho người nghèo dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, nhân viên công tác xã hội còn là người chuyển tải ý kiến của người nghèo dân tộc thiểu số đến với các cơ quan chức năng, giúp các cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ các chính sách cho người nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn, bảo đảm đúng quy định và từng bước xã hội hóa, từ đó giúp người nghèo thụ hưởng đầy đủ các chính sách.

Hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ y tế: Trên cơ sở chính sách về y tế cho người nghèo dân tộc thiểu số, nhân viên công tác xã hội sẽ tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ cho họ tiếp cận chính sách về y tế một cách tốt nhất, từ việc đăng ký được cấp thẻ bảo hiểm y tế bảo đảm đúng tên tuổi, tư vấn trong việc quản lý và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đúng mục đích, hạn chế tình trạng một người nghèo nhiều thẻ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, nhân viên công tác xã hội còn tư vấn cho họ khi có đau ốm nên đến khám ở các Trung tâm y tế và thực hiện điều trị theo sự hướng dẫn của y bác sỹ, tránh xa các hủ tục cúng bái ma chay; tư vấn cho người nghèo dân tộc thiểu số giám sát, đánh giá chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế đối với việc khám chữa bệnh cho người nghèo, người nghèo dân tộc thiểu số.

Hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ về nhà ở, đất sản xuất: Trên cơ sở chính sách về nhà ở cho người nghèo dân tộc thiểu số, nhân viên công tác xã hội sẽ tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ cho họ tiếp cận chính sách về nhà ở, tư vấn cho họ về tính ưu việt của chính sách. Ngoài ra, nhân viên công tác xã hội còn kết nối, tư vấn và tham gia góp ý cho các cơ quan chức năng trong việc quy hoạch, xây dựng Đề án hỗ trợ cho người nghèo dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục tập quán và điều kiện sống của họ, giúp cho Đề án thành công, khi xây dựng xong, người nghèo dân tộc thiểu số đến ở và cảm thấy phù hợp với họ, hạn chế tình trạng xây dựng nhà cho người nghèo nhưng không phù hợp với phong tục, tập quán của họ dẫn đến họ không đến ở, bỏ hoang.

Hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ vệ sinh môi trường, văn hóa, tư pháp: Nhân viên công tác xã hội với kiến thức và kỹ năng của mình sẽ cùng với chính quyền địa phương vận động người dân nói chung và người nghèo dân tộc thiểu số nói riêng tự lực, tự cường trong việc bảo vệ môi trường sống như thường xuyên vệ sinh buôn làng, quy hoạch nhà ở và khu chăn nuôi phù hợp với từng gia đình nhằm bảo vệ môi trường sống cho cả làng. Hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số mà trong đó có hộ nghèo.

Về văn hóa, giúp họ duy trì, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc, thông qua việc thường xuyên giúp họ tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng. Mặt khác, tư vấn giúp họ tránh xa các hủ tục lạc hậu, mê tin dị đoan và không nghe theo lời xúi dục của các thế lực thù địch nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngoài ra, nhân viên công tác xã hội còn giúp người nghèo dân tộc thiểu số tiếp cận với các quy định của pháp luật, giúp họ hiểu và thực hiện đúng trách nhiệm của người công dân, không vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, không chặt phá rừng làm nương rẫy,… để từ đó giúp họ có một kiến thức cơ bản về pháp luật.

Hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ thông tin liên lạc, truyền thông: Người nghèo dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa, họ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin, nhân viên công tác xã hội là người hỗ trợ họ tiếp cận các thông tin, từ đó tư vấn cho họ những thông tin chính thống để họ có nhận thức đúng đắn, không để các thông tin bịa đặt làm ảnh hưởng đến lòng tin của họ đối với Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, qua các kênh thông tin, nhân viên công tác xã hội còn giúp người nghèo dân tộc thiểu số xác định được kế hoạch làm ăn của gia đình, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi, biết cách làm kinh tế, biết cách tích lũy và làm giàu, không cam chịu nghèo đói, lạc hậu.

Hỗ trợ lồng ghép, gắn kết các nguồn vốn thuộc hợp phần hỗ trợ sản xuất cho người nghèo dân tộc thiểu số nhằm phát triển sản xuất, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng: Nhân viên công tác xã hội hỗ trợ cùng các cơ quan chức năng tăng cường chỉ đạo gắn kết, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cho người nghèo dân tộc thiểu số theo hướng lập dự án nhằm phát huy các nguồn vốn, hạn chế tình trạng manh mún, nhỏ lẽ, không tập trung, kém hiệu quả, ỷ lại, trông chờ. Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện gắn kết, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước dành cho hộ nghèo dân tộc thiểu số nhằm bảo đảm kết quả thoát nghèo bền vững trên địa bàn.

Hình thức và nguyên tắc gắn kết, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ bảo đảm đúng mục tiêu, tiêu chí, định mức, cơ chế của từng nguồn vốn của Nhà nước để hỗ trợ vốn phát triển sản xuất đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Nhân viên công tác xã hội làm cầu nối giữa các cơ quan chức năng nhằm gắn tín dụng với các nguồn vốn khác để nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả và các dự án khuyến nông – khuyến lâm cho người nghèo dân tộc thiểu số và đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội có cơ chế xử lý các khoản vay không trả được do rủi ro thiên tai gây ra để người nghèo dân tộc thiểu số được tiếp tục vay vốn, đầu tư sản xuất.

Nhân viên công tác xã hội khuyến nghị với cơ quan chức năng tăng cường công tác khuyến nông – khuyến lâm đi sâu vào việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật và công nghệ về giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình của từng địa phương cấp xã, tăng tỷ trọng sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cho người nghèo dân tộc thiểu số, chú trọng xây dựng vùng chuyên canh gắn với xây dựng cơ sở chế biến nông sản tại chỗ để thu mua và nâng cao giá trị sản phẩm của người nghèo dân tộc thiểu số làm ra. Đồng thời, tổ chức tổng kết các mô hình làm kinh tế giỏi, các cách tổ chức, triển khai chương trình giảm nghèo ở các vùng ”lõi” nghèo để nhân ra diện rộng. Trong đó nhân rộng mô hình luân chuyển vốn hỗ trợ sản xuất cho người nghèo dân tộc thiểu số. Mô hình này thực hiện theo quy trình kế hoạch được công khai minh bạch, giao cho xã làm chủ; các hộ dân tham gia họp thôn và bình xét hộ nghèo tham gia dự án; cam kết của các hộ dân sẽ hoàn trả khoản vay trong vòng 3 năm và trong khoảng thời gian đó sẽ không tự ý sử dụng sai mục đích; được tập huấn kỹ thuật; được tự chọn cây, con giống phù hợp; được Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay thêm số tiền bằng số tiền dự án hỗ trợ để sản xuất, chăn nuôi. Xây dựng được bản quy chế và có hệ thống theo dõi, giám sát tại cộng đồng.

Hỗ trợ kỹ năng đối thoại chính sách giảm nghèo cho người nghèo dân tộc thiểu số: Với mục đích và ý nghĩa của việc đối thoại, nhân viên công tác xã hội là người đứng ra vận động và tổ chức các cuộc đối thoại giữa các cơ quan cung cấp, các dịch vụ cho người nghèo dân tộc thiểu số và người nghèo. Qua việc đối thoại này nhằm làm cho người nghèo dân tộc thiểu số hiểu rõ hơn các chính sách mà mình đang thụ hưởng cũng như tính ưu việt của các chính sách của Đảng và Nhà nước ưu tiên cho người nghèo dân tộc thiểu số. Mặt khác giúp cho các cơ quan cung cấp dịch vụ, chính sách cho người nghèo nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người nghèo dân tộc thiểu số để từ đó điều chỉnh chính sách và thực hiện chính sách được hiệu quả hơn, tránh trường hợp chính sách không hiệu quả, manh mún. Bên cạnh đó, qua đối thoại giúp cho người nghèo dân tộc thiểu số và cán bộ thực hiện chính sách có dịp gần gũi, đồng cảm và hiểu nhau hơn, làm cho mối quan hệ giữa người thực hiện chính sách và người được hưởng chính sách được thắt chặt…

Hướng dẫn người nghèo dân tộc thiểu số một số kỹ năng tự chăm sóc gia đình, biết tích lũy và vươn lên thoát nghèo. Kỹ năng tự chăm sóc gia đình được thực hiện thông qua các giai đoạn nhằm giúp cho người nghèo dân tộc thiểu số khi tham gia sẽ tạo ra sự thay đổi. Hỗ trợ cách thức phát triển cộng đồng trong việc giúp đỡ người nghèo dân tộc thiểu số thoát nghèo.

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, song hành với thực hiện các chính sách cho người nghèo dân tộc thiểu số theo hướng hỗ trợ có tập trung thì cần đẩy mạnh các hoạt động của công tác xã hội nhằm cung cấp các dịch vụ để người nghèo dân tộc thiểu số được hưởng các chính sách một cách tốt nhất. Đó chính là điều kiện “cần” và “đủ” để người nghèo dân tộc thiểu số có điều kiện vươn lên thoát nghèo góp phần giảm nghèo bền vững./.

Nguyễn Trung Thuận

Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Kon Tum

 

Leave a response comment1 Response
  1. Tien
    Tháng Ba 07, 16:36 Tien

    Bài viết rất hay, rất sát thực tế. Cám ơn tác giả

    reply Reply this comment
mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu