Chuyện người, chuyện nghề của những nhân viên công tác xã hội

Chuyện người, chuyện nghề của những nhân viên công tác xã hội

Họ là chị nuôi, mẹ nuôi, hộ lý, bác sĩ… ở Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên (Trung tâm). Họ đến với nghề rất tình cờ và rồi cái nghề mà gần như ít ai muốn làm đã giữ chân họ. Nghề lại chọn họ lần nữa. Giữa những hoàn cảnh không còn bi đát hơn khi đến với Trung tâm, họ trở thành người thân của các đối tượng đúng với nghĩa đen của nó “DUYÊN NGHIỆP”

Ở Trung tâm chia ra 3 nhóm đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng là: Người có công và các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội là người già, đối tượng xã hội là trẻ em và các đối tượng khác. Đối với mỗi dạng đối tượng các nhân viên chăm sóc của Trung tâm (hộ lý) phải có cách “ứng xử” riêng, nhưng có một điểm chung đòi hỏi những  hộ lý phải có là: chịu thương, chịu khó và tình cảm mới có thể “hợp tác” với đối tượng và trụ lại với nghề.

Chị là Lê Thị Cặn (quê xã Hòa Tâm, Đông Hòa), hộ lý lâu năm nhất ở Trung tâm (hơn 19 năm) tâm sự: “Nhiều cháu bị bỏ rơi ngay từ mới lọt lòng mẹ, lại mang trên mình những chứng bệnh ngặt nghèo như bại não, đao, tàn tật nên mình càng thương hơn. Như cháu Trần Bảo Thu, 5 tuổi, bị úng thủy não, những ngày trở trời, cháu bệnh phải ẵm suốt trên tay thương lắm…”. Với những điều dưỡng, hộ lý chăm sóc cho đối tượng là người già, tâm thần cũng cực không kém. Phải lau dọn vệ sinh, lo cho họ từ miếng ăn, giấc ngủ, thuốc men lúc khó ở trong người. Hơn nữa, người già tính khí rất thất thường, buồn vui, hờn giận, tủi thân vì thiếu thốn tình cảm. Chị Nguyễn Thị Chỉnh, ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) chia sẻ bí quyết để có thể “chịu đựng”: “Cứ coi các cụ như người thân của mình, chia sẻ yêu thương, tình cảm sẽ cảm thấy công việc nhẹ nhàng hơn”.

Hay trường hợp bác sĩ Huỳnh Tuy Viễn. Anh xin việc vào Trung tâm khi những ngày đầu mới tốt nghiệp Y sĩ, cũng chỉ nghĩ làm thời gian ngắn để rồi tìm chỗ tốt hơn. Vậy nhưng khi vào đây, cái duyên công việc đã níu chân anh Y sĩ trẻ quê Sơn Thành, rồi anh lấy vợ ở gần Trung tâm cho tiện công việc.Ông Đinh Viết Hậu, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Ở Trung tâm này tất các đối tượng đều cần một chế độ chăm sóc đặc biệt, bởi hầu như ai cũng có vấn đề về sức khỏe. Hiện tại Trung tâm đang nuôi dưỡng 65 đối tượng thì hơn phân nữa là ốm đau, tàn tật. Công việc cực nhọc, hàng ngày phải tiếp xúc với ô uế nên có rất nhiều người đến đây thử việc vài ngày rồi rút lui lặng lẽ; người kiên trì nhất thì vài tháng cũng không kham nỗi”.

 Công việc là vậy, nhưng lương bổng của những người làm trực tiếp với đối tượng chăm sóc rất khiêm tốn, chỉ ở mức lương cơ bản theo quy định của Nhà nước mà không có bất cứ một khoản trợ cấp nào. Như trường hợp của chị Cặn, hơn 19 năm công tác mà hệ số lương mới chỉ 2,19. Tính mỗi tháng chị nhận hơn hai triệu!Ông Trần Văn Thống, Giám đốc Trung tâm nói: Những người làm việc ở đây nếu không phải có “duyên nghiệp” mà chỉ vì đồng lương kiếm sống chắc không có ai trụ được. Chúng tôi vừa trình lên tỉnh cho áp dụng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề theo Nghị định 56 của Chính phủ cho các đối tượng công chức, viên chức công tác tại cơ sở công lập, những mong cải thiện, cũng là bù đắp thiệt thòi, động viên những người làm trực tiếp công việc chăm sóc, muôi dưỡng”.

BOX: Hiện nay, trung tâm nuôi dưỡng 65 người. Trong đó, 7 người là đối tượng chính sách, 41 người là đối tượng xã hội, 17 trẻ mồ côi, tàn tật.

CHỊ NUÔI TRẺ NHẤT TRUNG TÂM
Nhiều người không kham nổi bỏ đi, nhưng có một cô gái trẻ có cơ hội ra đi nhưng lại xin quay về Trung tâm công tác. Câu chuyện cứ ngỡ như cổ tích nhưng là có thật ở Trung tâm. Nguyễn Thị Nhanh bây giờ là điều dưỡng viên của Trung tâm. Nhưng 30 năm về trước, Nhanh là một trong những đối tượng được bảo trợ. Là con của người mẹ bị bệnh tâm thần, nên cha ruồng bỏ. Hai mẹ con sống nhờ bà ngoại già không còn sức lao động. Cũng may, bà ngoại là mẹ liệt sĩ, cả ba bà cháu Nhanh được chính quyền đưa vào sống ở Trung tâm. Cô bé Nhanh lớn lên như cây cỏ, lau sậy nhờ tình thương của các mẹ ở Trung tâm. Năm Nhanh được 12 tuổi thì cả bà và mẹ đều ra đi. Trước cảnh con trẻ mồ côi không còn chỗ dựa, Ban Giám đốc trung tâm quyết định cưu mang Nhanh và cho ăn học.

Nguyễn Thị Nhanh tốt nghiệp trường Trung cấp Du lịch Nha Trang, rồi lấy chồng. Đám cưới cô gái mồ côi không cha, không mẹ được tổ chức ở ngay sân Trung tâm. Ông Trần Văn Thống, Giám đốc trung tâm làm chủ hôn, các anh chị em trong chi đoàn, các mẹ, các cô là đại diện nhà họ gái. Đám cưới nghèo nhưng ấm áp và đầy đủ lễ nghi. Mặc dù tốt nghiệp ngành du lịch, nhưng Nguyễn Thị Nhanh không đi làm hướng dẫn viên hay chọn công việc gì đó nhẹ nhàng mà cô quay trở lại Trung tâm xin làm điều dưỡng. “Nơi đây đã nuôi mình lớn lên, nên người bây giờ là lúc đáp nghĩa cuộc đời” – Nguyễn Thị Nhanh bộc bạch.

CHUYỆN HẬU SỰ CỦA NHỮNG NGƯỜI GIÀ. Rồi cũng quen, những người làm công tác ở Trung tâm với các đối tượng nuôi dưỡng như một gia đình. Hàng ngày ngoài sự chăm sóc của các đều dưỡng, hộ lý, lãnh đạo Trung tâm đều xuống động viên thăm nom, nhất là các cụ thuộc đối tượng chính sách. Những ngày lễ tết, Trung tâm tổ chức gặp mặt, liên hoan từ nguồn kinh phí cải thiện chăn nuôi thêm để mọi người cùng vui vẻ. Nhiều cụ vào đây trở nên khỏe ra, khi có người thâm xin nhận về gia đình chăm sóc cũng không chịu đi. Họ trở thành người thân cuối cùng để các đối tượng gửi gắm, trăn trối. Cụ Nguyễn Thị Ri, nay đã ngoài 90 tâm sự: “May mà cuối đời tôi còn chỗ tá túc tử tế chứ không biết cuộc đời lang thang rồi đi về đâu khi nhắm mắt xuôi tay…”.

Thường thì khi biết mình sắp ra đi các cụ gom hết tiền để dành (chế độ còn thừa, tiền các các nhân tổ chức thăm viếng nhân dịp lễ tết) gửi lại Trung tâm  để lo hậu sự và cúng giỗ sau này. Và tâm nguyện của các cụ được thực hiện đầy đủ. Ở Trung tâm xây một ngôi nhà thờ cho tất cả các đối tượng qua đời, đến ngày giỗ trích từ số tiền các cụ gửi lại để cúng mâm cơm và thông báo cho mọi người biết.

Theo quy định, mỗi trường hợp khi mất được Nhà nước hỗ trợ tiền mai táng phí là 5 triệu. Với số tiền ấy Trung tâm phải lo những khoản cần thiết và đầy đủ “thủ tục” cho người quá cố như: Thỉnh người tẩm liệm, cúng kiến, áo quan, xe tang, mua đất, xây mộ… Buồn nhất và đặc biệt nhất có lẽ là đám tang ở đây không có trống, thanh la, nhạc bát âm đưa tiễn! Ông Đinh Viết Hậu, Phó Giám đốc Trung tâm, giọng chùng xuống cho biết: “Giá như kinh phí khá hơn, Nhà nước hỗ trợ phần đất nằm cuối cùng không phải mua sẽ co kéo để lễ tiễn ấm cúng hơn…”.  Ngày buồn nhất của các cụ ở đây là khi có một người từ bỏ bạn già mà ra đi. Không khí trầm buồn đưa tiễn. Nhiều cụ già yếu nhưng vẫn theo xe tang tiễn người quá cố ra tận nghĩa trang cho hết nghĩa và cũng để thấy mồ yên mã đẹp mà yên tâm cho phận mình. Nhưng đấy cũng là niềm vui khi hình dung được “ngôi nhà” của mình sau này…

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu