Bảo đảm quyền con người trong phòng, chống HIV/AIDS

Bảo đảm quyền con người trong phòng, chống HIV/AIDS

Nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa quyền và lợi ích cá nhân của người nhiễm HIV/AIDS với lợi ích của cộng đồng trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS là hết sức quan trọng. Tiếp cận quyền con người trong phòng, chống HIV/AIDS là một phương pháp tổng hợp, có hiệu quả đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi, cần phải được nghiên cứu, áp dụng nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.

Đại dịch HIV/AIDS là một thảm họa to lớn và bất ngờ đối với nhân loại

Sự tàn phá của đại dịch HIV/AIDS không thua kém bất cứ một thảm họa nào khác do thiên nhiên hoặc con người gây ra. Đại dịch HIV/AIDS đã đẩy lùi những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trên lĩnh vực quyền con người. Từ giữa thế kỷ XX đến nay, loài người đã đạt được những thành tựu to lớn trên lĩnh vực bảo vệ quyền con người. Cơ chế quốc tế, khu vực và quốc gia về bảo vệ quyền con người đã hình thành. Khái niệm quyền con người đã được mở rộng, từ quyền của cá nhân đến quyền nhóm và quyền của quốc gia dân tộc. Các quyền và tự do cơ bản của con người đã được cộng đồng quốc tế và các quốc gia tôn trọng, bảo vệ và thực hiện. Mặc dù ở nơi này hoặc nơi khác vẫn còn diễn ra sự vi phạm các quyền con người một cách nghiêm trọng, song, những sự vi phạm đó đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. Các quyền con người trên thế giới đã được cải thiện đáng kể.

Đại dịch HIV/AIDS đã cướp đi quyền sống của hàng chục triệu người, và đẩy hàng trăm triệu người khác vào hoàn cảnh khốn cùng do ốm đau, bệnh tật, do tình trạng trẻ em mồ côi cha mẹ, do vợ mất chồng, cha mất con. Người ta đã ví tác động của đại dịch HIV/AIDS như những làn sóng lớn. Khi đợt sóng cuối cùng đi qua – người nhiễm HIV trở thành bệnh nhân AIDS qua đời thì hậu quả của nó vẫn còn để lại rất nặng nề đối với gia đình và xã hội.

Khác với các bệnh khác, như SARS, H5N1, H1N1, viêm màng não, bại liệt…, bệnh học HIV/AIDS đa dạng về đường lây truyền; thời gian ủ bệnh kéo dài (có thể tới 15 năm); khả năng né tránh miễn dịch cao; khả năng biến dị của vi-rút lớn; chưa có vắc-xin phòng bệnh; chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, cho đến nay do đã có thuốc kháng vi-rút, những người nhiễm HIV có thể sống, lao động bình thường kéo dài trên một chục năm hoặc lâu hơn nữa. Môi trường lan truyền của bệnh gắn với tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy, mại dâm. Điều này đã làm tăng thêm sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS và những người thân của họ.

Ngay từ khi đại HIV/AIDS xuất hiện, Liên hợp quốc đã đặc biệt quan tâm đến phòng, chống căn bệnh này. Cơ sở chính trị của phòng, chống HIV/AIDS là sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, được thể hiện trong các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Cộng đồng quốc tế đã sớm nhận thấy hiểm họa của HIV/AIDS. Căn bệnh này đã trở thành một chủ đề lớn trong nhiều kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội nghị thượng đỉnh về AIDS, được tổ chức vào tháng 12-1994 ở Paris. Tuyên bố của Hội nghị khẳng định quyết tâm của cộng đồng ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS. Cũng tại Hội nghị này, nguyên tắc khuyến khích những người có HIV/AIDS tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS – được gọi là nguyên tắc GIPA đã ra đời; Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về HIV/AIDS (tháng 6-2002) tại Mỹ với Tuyên bố UNGASS đã xác định: AIDS đã gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu và chính phủ các nước cam kết thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp tiếp cận quyền, hợp tác quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS; Hội thảo về phòng, chống HIV/AIDS trên toàn cầu (tháng 8-2008) tại Mê-xi-cô.

30aids1

Kinh nghiệm phòng, chống HIV/AIDS trên thế giới

Để giúp các quốc gia vận dụng phương thức tiếp cận quyền con người trong phòng, chống HIV/AIDS, tổ chức quốc tế về AIDS (UNAIDS) cùng với một số cơ quan quốc tế khác đã soạn thảo “Hướng dẫn HIV/AIDS và quyền con người”. Văn kiện này đã đề cập tới hệ thống chính sách quốc gia và yêu cầu bảo đảm các quyền con người của người nhiễm HIV/AIDS như là một phương thức cơ bản trong phòng, chống HIV/AIDS.

Phòng, chống HIV/AIDS dựa trên tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền con người, bao gồm quyền của những người sống chung với HIV/AIDS và người thân của họ, là kết quả công tác tổng kết kinh nghiệm, khái quát lý luận của cộng đồng quốc tế 30 năm qua kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên năm 1981. Có thể nói, cơ sở chính trị, pháp lý của phương thức phòng, chống HIV/AIDS dựa trên quyền con người có nguồn gốc từ Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là từ Tuyên ngôn thế giới về quyền con người. Trong những văn kiện này, cộng đồng quốc tế đã tuyên bố: “Mọi người sinh ra đều được hưởng tất cả các quyền và tự do nêu trong bản Tuyên ngôn này, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào như về chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ, chính kiến hay quan điểm khác nhau, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, nòi giống hay các tình trạng khác” (Điều 1).

Cho đến nay, Liên hợp quốc cho rằng không cần thiết phải xây dựng một điều ước quốc tế chuyên biệt về phòng, chống HIV/AIDS. Người ta cho rằng các văn kiện quốc tế về quyền con người và hai Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (năm 1966); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (năm 1966) là cơ sơ chính trị – pháp lý cho việc tiếp cận quyền con người trong phòng, chống HIV/AIDS. Việc bị nhiễm HIV/AIDS không làm mất đi các quyền tự do của họ.

Đối với Nhà nước ta, cơ sở chính trị của tiếp cận quyền con người trong phòng, chống HIV/AIDS là đường lối của Đảng, là mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chỉ thị số 52 (1995) về lãnh đạo công tác phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và Chỉ thị 54 (2005) chỉ rõ phải phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chăm sóc, giúp đỡ của cộng đồng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS.

Cơ sở pháp lý của việc tiếp cận quyền phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam là các quy định của Hiến pháp năm 1992, trong đó khẳng định Nhà nước ta tôn trọng và bảo vệ các quyền con người, thông qua hệ thống pháp luật của chúng ta, trong đó đã nội luật hóa các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, bao gồm công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (năm 1966); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (năm 1966). Đó còn là pháp lệnh phòng, chống vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (1995); Luật Phòng, chống HIV/AIDS do Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 (tháng 6-2006) thông qua. Luật này đã quy định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, quy định quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV/AIDS. Một văn kiện có tính pháp lý của Nhà nước ta trong phòng, chống HIV/AIDS, đó là “Chiến lược Quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011 – 2020”. Có thể nói, các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta đã tạo ra một môi trường chính sách, pháp luật hoàn chỉnh nói chung cho cách tiếp cận quyền con người trong phòng, chống HIV/AIDS nói riêng.

Bài học về cách tiếp cận quyền con người trong phòng, chống HIV/AIDS

Tiếp cận quyền con người trong phòng, chống HIV/AIDS là đưa các nguyên tắc và chuẩn mực về quyền con người như là một nhân tố nội tại, một yêu cầu bắt buộc trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống HIV/AIDS. Nội dung cách tiếp cận quyền con người trong phòng, chống HIV/AIDS có thể chia thành nhiều cấp độ.

Ở cấp độ xây dựng chính sách, pháp luật, Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, các nguyên tắc (tôn trọng nhân phẩm, bình đẳng…) và chuẩn mực về quyền con người (theo quy định của Hiến pháp và Luật Phòng, chống HIV/AIDS) cần được tôn trọng và bảo vệ.

Ở cấp độ xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án…, các cơ quan, tổ chức trong đó có chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn (sở, ban, ngành), đặc biệt là các cơ quan tư pháp, y tế, giáo dục, lao động, thương binh và xã hội phải thực sự tôn trọng và bảo đảm quyền con người nói chung và quyền của những người nhiễm HIV/AIDS nói riêng.

Ở cấp độ thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống HIV/AIDS, cần tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, công chức và toàn dân, bảo đảm quyền của người có HIV/AIDS, đó cũng chính là bảo đảm lợi ích của cộng đồng. Đây là biện pháp cơ bản, quan trọng trong phòng ngừa, hạn chế lây lan của dịch.

Cho đến nay, ở cấp độ quốc gia, hệ thống chính sách, pháp luật, chiến lược về cơ bản đã được hình thành đồng bộ. Những khác biệt chưa thống nhất nào đó trong các văn bản sẽ được khắc phục từng bước. Chiến lược Quốc gia đã xác định nhiệm vụ tiếp tục tạo dựng hành lang pháp lý bảo đảm sự đồng thuận của các cấp, các ngành cho việc triển khai đồng bộ các hoạt động can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS có ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Một trong những nhân tố tạo ra sự đồng thuận giữa các cấp, các ngành, đó là việc nhận thức đúng đắn và đầy đủ vai trò của việc tôn trọng, bảo vệ quyền con người trong phòng, chống HIV/AIDS. Bảo vệ quyền con người của những người nhiễm HIV/AIDS không chỉ vì quyền lợi của người nhiễm, mà đồng thời cũng là việc bảo vệ lợi ích của cộng đồng. Kỳ thị, phân biệt đối xử, vi phạm quyền của những người nhiễm HIV/AIDS sẽ làm cho dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng. Điều này đã được thực tế chứng minh. Tôn trọng, bảo vệ quyền của người nhiễm HIV/AIDS sẽ tạo ra sự cởi mở, thân thiện, tự tin, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với người thân và cộng đồng. Đây là nhân tố quan trọng giảm tác động tiêu cực, tiến tới đẩy lùi dịch HIV/AIDS. Thu hút, tích cực hóa nhóm người nhiễm HIV/AIDS có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS. Thực tế cho thấy thế giới nội tâm, hoàn cảnh trước, trong và sau khi bị lây nhiễm của những người có HIV/AIDS chỉ họ mới hiểu hết. Việc thống kê, tập hợp những người nhiễm HIV/AIDS thường cũng phải dựa vào những người có cùng hoàn cảnh. Thông tin, truyền thông, giáo dục, thay đổi hành vi, tư vấn, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS dựa vào tổ chức của người có HIV/AIDS sẽ đem lại hiệu quả to lớn.

Quyền con người là thành quả phát triển lâu dài của nhân loại, là một trong những thành tựu quan trọng của nền văn minh nhân loại trong thời đại ngày nay. Dựa trên các giá trị cơ bản của loài người – đó là nhân phẩm, bình đẳng, tự do và tinh thần nhân đạo, khoan dung, quyền con người không chỉ là một định chế pháp luật, mà còn là một phương thức tiếp cận khoa học trong các vấn đề xã hội nói chung, cho giải pháp xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS nói riêng. Tiếp cận quyền con người trong phòng, chống HIV/AIDS đòi hỏi phải đưa các nguyên tắc và chuẩn mực về quyền con người vào các hoạt động phòng ngừa giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm, chăm sóc, điều trị và giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch HIV/AIDS./.

PGS, TS, Chung Á-Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS – Mại dâm – Ma túy
Nguồn: Tạp chí Cộng sản

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu