Buôn bán người và vai trò của nhân viên CTXH với nạn nhân buôn bán người

Buôn bán người và vai trò của nhân viên CTXH với nạn nhân buôn bán người

Công tác xã hội chiếm vị trí ý nghĩa trong giải quyết các vấn đề xã hội, nhằm đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội trong mỗi quốc gia. Chính vì vậy, Tháng 3 năm 2010 Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Nghề Công tác xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 trong Quyết định 32/2010 – QĐ/TTg. Việc phát triển Công tác xã hội theo hướng chuyên nghiệp nhằm thực thi các chính sách an sinh xã hội có hiệu quả đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ xã hội chuyên nghiệp. Do vậy, một trong mục tiêu của Đề án đó là tới 2020 cần đào tạo mới và đào tạo lại 60.000 cán bộ xã hội có trình độ kiến thức, kỹ năng nghề công tác xã hội.

Đội ngũ nhân viên Công tác xã hội được đào tạo, trang bị những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để có thể làm việc, trợ giúp cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Một trong những đối tượng đó chính là những nạn nhân của nạn buôn bán người – một vấn nạn rất bức xúc và đau lòng ở Việt Nam hiện nay. Do vậy cuốn tài liệu này được biên soạn nhằm cung cấp những thông tin nền tảng về buôn bán người, những vấn đề gặp phải của nạn nhân bị buôn bán, nhu cầu của họ và hướng dẫn quy trình hỗ trợ cho nạn nhân buôn bán trở về.

Tài liệu được biên soạn với sự phối hợp của UNICEF, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội và những đóng góp chuyên môn của các nhà khoa học trong lĩnh vực này. Do lĩnh vực công tác xã hội với nạn nhân buôn bán người còn rất mới mẻ nên khi biên soạn không tránh khỏi những thiếu sót, nhóm biên soạn rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc để lần tái bản sau được hoàn thiện hơn.

I. Khái niệm
1. Buôn bán người
Theo điều 3, Nghị Định thư của Liên Hợp Quốc về phòng, chống và trừng phạt việc buôn bán người (đặc biệt là phụ nữ và trẻ em) thì việc buôn bán người bao gồm: “các hình thức tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, tiếp nhận người thông qua các biện pháp đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc các hình thức khác như ép buộc, bắt cóc, lừa đảo, hoặc gian lận, lạm dụng quyền lực hoặc vị trí của nhóm dễ bị tổn thương hoặc thông qua việc nhận hoặc trả tiền… cho người đang nắm quyền kiểm soát người khác, vì mục đích bóc lột”. Nghị định này đã được bổ sung cho Công ước Liên Hợp Quốc về chống Tội phạm Có tổ chức Xuyên quốc gia.

Như vậy, về cơ bản buôn bán người được hiểu một cách chung nhất là việc một cá nhân, nhóm hay tổ chức có liên quan đến việc vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp người thông qua lừa đảo hoặc cưỡng chế, bắt ép, đe dọa, tước đoạt quyền con người và đẩy họ vào tình trạng bị bóc lột dưới nhiều hình thức như: bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, phục dịch, nô lệ hoặc làm việc hay giúp việc tương tự như nô lệ nhằm mục đích bóc lột và kiếm lời cho mình.
Trong luật Hình sự, điều 119, 120 chỉ quy định “Người nào mua bán người thì bị phạt tù….”

2. Nạn nhân của buôn bán người
Một người được xác định là nạn nhân của buôn bán người khi người đó bị một đối tượng dụ dỗ, rủ rê, đưa đi khỏi địa phương đến một địa phương khác trong cùng một nước hoặc sang một nước khác và cuối cùng bị khai thác vì vụ lợi cá nhân hay tiền bạc.

Các nạn nhân của buôn bán người thường đều từng phải trải qua các vấn nạn như: bị tra tấn; bị giam cầm bất hợp pháp; bị cưỡng bức; bị nợ nần; gia đình và người thân bị đe dọa; bị chịu các hình thức bạo hành về thể chất, tình dục và tâm lý khác…

Nạn nhân của buôn bán người có thể ở trong các ngành và các môi trường khác nhau, cụ thể như: công nghiệp tình dục; công xưởng bóc lột sức lao động công nhân; môi trường giúp việc gia đình; làm nông nghiệp và nông trại; ngư nghiệp; ngành xây dựng; ăn xin đường phố…

Những người dễ bị tổn thương thường là người nghèo, người thiếu cơ hội học tập, việc làm, bị phân biệt đối xử… Họ dễ bị lừa gạt, dụ dỗ bởi những lời hứa hão huyền về một cuộc sống tốt đẹp của bọn buôn người và thường bị rơi vào vòng xoáy khủng khiếp của nạn buôn bán người.

II. Các thủ đoạn mà kẻ buôn người thường sử dụng

Thủ đoạn đầu tiên của bọn buôn người là tiếp cận đối tượng và đưa ra những hứa hẹn về công việc rồi dụ dỗ lôi kéo họ. Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, không có công ăn việc làm, đời sống bấp bênh thì một công việc mới tại vùng đất mới chính là chân trời mới mở ra với họ. Tin tưởng và chấp thuận đi theo sự mối lái của bọn buôn người, họ trở thành nạn nhân bị buôn bán ngay trong quá trình di chuyển hoặc bị lạm dụng bóc lột tại nơi làm việc mới. Trên thực tế, có rất nhiều phụ nữ, trẻ em gái hay cả nam giới ở nhiều vùng quê ra đi với hy vọng khấp khởi có được cơ hội tốt hơn cho cuộc sống của bản thân và gia đình nhưng sự thật phũ phàng là họ lại bị buộc trở thành gái mái dâm, làm nô lệ tình dục, phục dịch gia đình hay bị bóc lột một cách tàn bạo mà khó có cách nào thoát ra được.dụ dỗ

– Môi giới lấy chồng nước ngoài
Một hình thức buôn bán người khác đang âm thầm diễn ra hiện nay đó là ẩn sau việc môi giới kết hôn với người nước ngoài.

Những thay đổi về nhân khẩu học và văn hóa ở một số quốc gia trong khu vực đã làm tăng nhu cầu về lao động và cả nhu cầu tìm kiếm vợ nước ngoài. Một xu hướng đang nổi lên ở Châu Á, trong đó có Việt Nam là tình trạng phụ nữ di cư đi kết hôn với những người nước ngoài tại các quốc gia giàu có hơn. Những công ty tư nhân chuyên kinh doanh trong lĩnh vực môi giới hôn nhân điều khiển quá trình này và không phải lúc nào ta cũng có thể nhận biết được đâu là công ty hoạt động hợp pháp và đâu là công ty bất hợp pháp. Trên thực tế, các chức năng của những công ty này chẳng khác nào những mạng lưới buôn bán người, trong đó họ sử dụng nhiều chiêu thức lừa bịp và lạm dụng để dỗ dành, quyến rũ và tìm kiếm “vợ” cho khách hàng của mình. Từ giữa những năm 1990, Việt Nam đã cung cấp gần 100.000 cô dâu cho những người đàn ông Đài Loan, 10.000 cô dâu sang Hàn Quốc, ngoài ra có một số sang Singapore, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn chưa thống kê hết được. Trong số đó, rất nhiều cô dâu khi về nhà chồng đã bị ngược đãi, bóc lột, bị bạo lực cả thể chất, tình dục và tinh thần, thậm chí có những người đã bị giết chết hoặc tự tử hoặc tìm cách trốn về nước nhưng thất bại.

– Lợi dụng việc cho nhận con nuôi với người nước ngoài
Trong những năm gần đây, xuất hiện nhiều trường hợp buôn bán trẻ em thông qua con đường nhận con nuôi. Thực chất các trung gian hoạt động trong lĩnh vực này cũng tương tự như các công ty môi giới hôn nhân, chẳng khác nào một đường dây buôn bán trẻ em trá hình. Năm 1999, báo Công an (số 17, ra ngày 19/07/1999) đã đưa tin về vụ buôn bán trẻ với số lượng lớn, 371 đứa trẻ đã bị bán thông qua việc cho người nước ngoài làm con nuôi.

– Bắt cóc
Bên cạnh những hình thức tiểu xảo và tinh vi, bắt cóc là thủ đoạn trắng trợn nhất mà bọn buôn người thực hiện. Chúng thành lập những hội nhóm, tổ chức hay câu kết với các băng nhóm tội phạm, có tiền án tiền sự thực hiện các phi vụ bắt cóc người, trong đó đối tượng bị bắt cóc nhiều nhất là trẻ em và phụ nữ. Nạn nhân bị bắt cóc được bán qua biên giới và luân chuyển qua các đường dây buôn bán người.

– Du lịch, xuất khẩu lao động trá hình
Một số cá nhân, tổ chức lợi dụng việc tổ chức du lịch hay đưa người đi xuất khẩu lao động quốc tế để đẩy người lao động vào tình thế bị buôn bán. Những người môi giới hay đại lý trung gian thường thao túng thông tin giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, ép họ phải trả những khoản chi phí cắt cổ, đẩy họ vào tình thế nợ nần, phụ thuộc. Bọn buôn người thường đưa người đi xuất khẩu lao động làm việc trong những ngành như nông nghiệp, trên tàu biển hay chăm sóc người già, giúp việc trong gia đình… và thường xuyên bị thay đổi chủ. Hầu như hàng tháng họ đều bị thay đổi chủ và nhận được rất ít tiển lương, thậm chí là không được chút tiền lương nào. Người lao động không bao giờ được thông báo thời gian họ sẽ làm việc với một chủ sử dụng lao động là bao lâu, họ luôn trong tình trạng phải chuyển sang làm cho chủ khác bất cứ lúc nào. Nếu họ dám đặt câu hỏi lý do thì sẽ bị đe dọa hoặc sẽ bị đuổi về nước ngay lập tức. Nhiều người đã phải bỏ trốn và gặp nhiều hiểm nguy.

III. Các nhóm đối tượng là nạn nhân của buôn bán người
Nhiều quan niệm cho rằng chỉ có phụ nữ trẻ và trẻ em gái (trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi) mới là nạn nhân của buôn bán người. Song, trên thực tế, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của buôn bán người bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái, nam giới và trẻ em nam

– Phụ nữ và trẻ em gái
Những lý do chính khiến cho phụ nữ và trẻ em gái bị bán là để làm gái mại dâm và kết hôn (hợp pháp và bất hợp pháp). Trong rất nhiều trường hợp, phụ nữ và trẻ em đã bị lừa gạt, ép buộc, thậm chí là bắt cóc. Tuy nhiên cũng có những trường hợp phụ nữ và trẻ em ra đi tự nguyện với mục đích để có thu nhập đỡ đần cho gia đình ở quê hương.
Có hai loại hình buôn bán phụ nữ để kết hôn phổ biến nhất ở Việt Nam: Một là phụ nữ bị bán, bị xui khiến, bị lừa và đôi khi là bị bắt cóc qua biên giới phía Bắc để làm vợ, hoặc một số khác được môi giới kết hôn với những người đàn ông Châu Á đến từ các nước như Đài Loan, Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc; Hai là phụ nữ bị buôn bán thông qua mạng lưới “đặt hàng cô dâu qua thư tín” để lấy những người đàn ông ở các quốc gia khác, song vẫn chủ yếu là đàn ông Châu Á.

Bên cạnh việc buôn bán để kết hôn thì phụ nữ cùng với trẻ em là đối tượng bị buôn bán vì mục đích bóc lột tình dục hoặc vì mục đích bóc lột lao động. Trẻ em đang ngày càng trở thành một nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hơn, với những nạn nhân trung bình khoảng 10 tuổi.

Buôn bán người làm mại dâm phổ biến nhất ở miền Nam, chủ yếu là buôn bán trẻ em và phụ nữ sang Campuchia. Bên cạnh nhiều trường hợp trẻ em bị lừa bán còn có những gia đình bán con gái của mình cho các chủ nhà chứa thông qua bọn mối lái để lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình. Rất nhiều trẻ em bị bán là con gái lớn hoặc con thứ hai trong gia đình, ở lứa tuổi từ 12 trở lên. Con gái cả thường phải có trách nhiệm trong việc giúp đỡ gia đình hơn là những em khác. Lòng hiếu thảo với cha mẹ thường được xem như là động lực chính khiến cho nhiều bé gái dấn thân vào con đường làm gái mại dâm. Ngoài ra, còn có trường hợp buôn bán trẻ em thông qua con đường nhận con nuôi.

Nhìn chung cả phụ nữ và trẻ em bị buôn bán đều có trình độ giáo dục ở mức chưa hoàn thành tiểu học hoặc chưa hoàn thành ở cấp độ trung học cơ sở, trung học phổ thông. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt các kinh nghiệm sống, các kỹ năng xã hội của các nạn nhân.

– Nam giới và trẻ em nam:
Nạn buôn người hướng tới đối tượng nam giới vẫn chưa được nghiên cứu một cách rõ ràng và hệ thống, tuy nhiên, có những báo cáo và bài báo đã cung cấp thông tin về hình thức tuyển dụng lao động giống như buôn bán người đối với những công nhân tham gia vào các chương trình xuất khẩu lao động. Nhiều nam giới tình nguyện đi lao động ở nước ngoài phải trả một khoản chi phí ban đầu cho các dịch vụ và sau đó được tuyển vào làm việc tại các nhà máy ở nước ngoài. Họ rời khỏi Việt Nam bằng máy bay cùng với các loại giấy tờ hợp pháp trong đó có cả visa ra vào. Tuy nhiên, hầu hết những công nhân này không được hưởng những điều kiện làm việc ghi trong hợp đồng mà họ đã ký, bị lừa bởi môi giới tư nhân hoặc các công ty tuyển dụng, bị sống và làm việc trong điều kiện tồi tàn, bị bạo lực thể chất, tinh thần bởi chủ lao động hoặc người môi giới, bị quỵ lương/ trả ít lương so với thỏa thuận trong hợp đồng. Một số kết quả khảo sát đã chỉ rõ, có tới 90% lao động bị tịch thu hộ chiếu, giấy tờ tùy thân tại nước đến. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sự tự do đi lại của người lao động mà còn ảnh hưởng tới quyền cư trú hợp pháp của các lao động Việt Nam. Tỉ lệ không nhỏ người lao động phải gánh những khoản nợ thuộc loại lớn nhất trong số những công nhân châu Á làm việc tại nước ngoài. Họ dễ rơi vào tình trạng bị lao động trừ nợ và lao động cưỡng bức và khó khăn trong việc tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ tại nước đến.Còn đối với nhóm trẻ em nam, các em thường bị bán để đi ăn xin, làm giúp việc, hay chủ yếu là trong các công trường xây dựng, lao động trong các doanh nghiệp nhỏ, làm việc trong các hầm mỏ hay trên tàu thuyền đánh cá. Một số em bị bán thông qua việc nhận con nuôi, sang đến nơi ở mới các em bị ngược đãi và đối xử như nô lệ phục dịch giúp việc hoặc lại bị bán qua lại giữa nhiều nhóm sử dụng khác nhau.

IV. Các nhóm nguy cơ là nạn nhân của buôn bán người
– Nhóm di cư
Nhóm di cư, trong đó có di cư trong nước và di cư lao động nước ngoài là những đối tượng có nguy cơ rơi vào cạm bẫy của những kẻ buôn người.

+ Nhóm di cư nội địa:
Cùng với quá trình đô thị hóa, người dân có xu hướng di cư tới các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để kiếm tiền, sinh sống. Họ tham gia vào thị trường lao động tay chân, dịch vụ như xây dựng, buôn bản nhỏ, giúp việc gia đình… Với những hạn chế về nhận thức, sự thiếu hụt kiến thức xã hội, kỹ năng sống, các dịch vụ hỗ trợ, họ có nguy cơ trở thành nạn nhân của buôn bán người vì mục đích bót lột lao động, bóc lột tình dục từ chính chủ lao động, người môi giới.

+ Nhóm di cư lao động nước ngoài:
Ngoại trừ những nhóm di cư lao động một cách chính thống, hợp pháp thì nhóm những người đi xuất khẩu lao động qua môi giới bất hợp pháp có tỷ lệ nguy cơ cao đối với buôn bán người. Di cư bất hợp pháp có thể dẫn tới buôn bán người do những người di cư không có giấy tờ, không tiếp cận được với những dịch vụ được xã hội bảo vệ, dễ bị tổn thương trước sự lạm dụng tại các nước đến. Thêm vào đó, việc không thông thạo ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa cùng với sự hạn chế trong khả năng thích ứng đối phó với môi trưởng mới càng khiến những người di cư dễ bị lừa gạt và trở thành đối tượng “mồi” cho bọn buôn người lợi dụng.

– Nhóm dân tộc ít người
Nhiều ý kiến cho rằng, người dân tộc thiểu số là nhóm người có nguy cơ ít bị buôn bán nhất vì họ sống ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Tuy nhiên chính sự tách biệt về mặt địa lý cùng với điều kiện kinh tế – xã hội kém phát triển ở những vùng này dẫn đến trình độ dân trí thấp, nhận thức người dân hạn chế, dễ tin người lại càng làm tăng tính nguy cơ trở thành nạn nhân buôn bán người đối với người dân tộc thiểu số.

– Nhóm nghèo, sống ở vùng nông thôn
Buôn bán người luôn được hiểu như là một hệ quả của nghèo đói do đại đa số những phụ nữ và trẻ em bị buôn bán đều xuất phát từ các vùng nông thôn và từ các gia đình nông dân nghèo. Cha mẹ thông thường có trình độ học vấn thấp, giáo dục gia đình kém. Nhiều gia đình còn gặp phải những vấn đề như rượu chè, bạo lực, tàn tật, cha mẹ đơn thân, ly dị hoặc có cuộc sống không hạnh phúc.

Các nghiên cứu vể buôn bán người cũng thưởng nhấn mạnh sự nghèo khổ như là một trong những nguyên nhân gốc rễ. Trong tất cả các cuộc phỏng vấn với những nhóm người di cư, bị buôn bán, nghèo đói và khó khăn về kinh tế luôn là chủ đề được người trả lời phỏng vấn nhắc đi nhắc lại. Ngoài ra, tình trạng thất nghiệp, không có công ăn việc làm ổn định ở các vùng nông thôn cũng là một yếu tố rủi ro khiến nhiều người trở thành nạn nhân của buôn bán người

V. Vai trò của nhân viên CTXH với nạn nhân bị buôn bán người
Với tư cách là người trợ giúp cho những người yếu thế trong xã hội, nhân viên CTXH đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nạn nhân của buôn bán người. Hoạt động hỗ trợ cho nạn nhân buôn bán người gồm hai công việc chính đó là: hỗ trợ giải cứu cho những nạn nhân bị buôn bán và hỗ trợ cho nạn nhân bị buôn bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Vai trò của nhân viên CTXH được thể hiện trong một số hoạt động như:
hoa-nhap-copy

– Xây dựng mạng lưới liên kết hỗ trợ
Việc có thể phát hiện và trợ giúp cho nạn nhân bị buôn bán là quá trình lâu dài và khó khăn. Do vậy nhân viên CTXH hoạt động trong lĩnh vực này có vai trò trong việc xây dựng được mạng lưới liên kết hỗ trợ. Mạng lưới liên kết này có thể là: mạng lưới nhân viên CTXH hoạt động trong lĩnh vực phòng chống buôn bán người, mạng lưới các cán bộ địa phương, mạng lưới các cơ quan chức trách liên quan đến phòng chống buôn bán người…Những mạng lưới này được thiết lập kết nối giữa các vùng, tỉnh trong nước và liên quốc gia giúp trao đổi, chia sẻ thông tin nhằm kiểm soát và phát hiện các vụ buôn bán người cũng như nhận diện được các nạn nhân bị buôn bán để từ đó phối hợp giải cứu và đảm bảo an toàn cho nạn nhân.

– Biện hộ cho nạn nhân
Đây là một vai trò quan trọng của NVXH với tư cách là một người đại diện cho tiếng nói của nạn nhân để bảo vệ cho lợi ích hợp pháp của họ. Đối với những người là nạn nhân bị buôn bán đã bị xâm phạm nhiều quyền và lợi ích thì trong quá trình hỗ trợ, NVXH trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng như công an, Hội phụ nữ, tòa án… để biện hộ, bênh vực, bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.

– Hỗ trợ/ tạo điều kiện cho nạn nhân
NVXH là người tạo điều kiện, môi trường cho nạn nhân phát huy tiềm năng và tham gia vào quá trình tự giải quyết vấn đề của chính họ. Vai trò này được thể hiện ngay từ giai đoạn đánh giá nhu cầu, lập kế hoạch trợ giúp nạn nhân và thực hiện các hoạt động hỗ trợ. Với vai trò này, NVXH thực hiện được rất nhiều các hoạt động hỗ trợ như tham vấn, tư vấn, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi…

– Kết nối nguồn lực
Đây là một vai trò quan trọng của NVXH với tư cách là một người trung gian kết nối nạn nhân với các nguồn lực cần thiết. Nguồn lực này có thể là các cá nhân, tổ chức, ban ngành, đoàn thể có liên quan đến vấn đề cần giải quyết của nạn nhân; hoặc cũng có thể là các dịch vụ sẵn có trong cộng đồng. Một nạn nhân bị buôn bán có thể có nhiều nhu cầu cần trợ giúp khác nhau như hỗ trợ về mặt tâm lý, pháp lý, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề…

Nguồn: T.S Nguyễn Hiệp Thương-HNUE

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu