Xử lý nghiêm, dứt khoát những vụ án xâm hại tình dục trẻ em

Xử lý nghiêm, dứt khoát những vụ án xâm hại tình dục trẻ em

Trong một thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ở nhiều địa phương chưa được xử lý gây nên bức xúc lớn trong dư luận xã hội. Về vấn đề này ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em – Bộ LĐ-TBXH đã trao đổi với báo chí xung quanh những bất cập trong khâu xử lý các vụ việc này.

– Thưa ông, trong những ngày gần đây, báo chí cũng như các trang mạng xã hội chia sẻ nhiều thông tin về các vụ xâm hại tình dục với trẻ em chưa được xử lý gây bức xúc dư luận xã hội. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Ông Đặng Hoa Nam: Trước hết chúng tôi xin bày tỏ sự bức xúc, chia sẻ với nỗi niềm của các gia đình, đặc biệt là các bậc cha mẹ có em bé bị xâm hại, đặc biệt là bị xâm hại tình dục trong thời gian vừa qua.

Về phía ngành LĐ-TBXH, chúng tôi cũng đã cố gắng làm hết trách nhiệm về việc bảo vệ nạn nhân, làm sao giảm đến mức tối đa tổn hại của các em cả về thể chất cũng như về tâm lý, cũng như bảo vệ nhân phẩm cho các em.

Ở góc độ khác, chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan tư pháp, đặc biệt là các cơ quan điều tra cần nhanh chóng vào cuộc để thu thập chứng cứ, hoàn thiện các hồ sơ để có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đặc biệt là vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.

Theo quy định của Luật hình sự Việt Nam, hành vi dâm ô trẻ em cũng vi phạm Luật hình sự. Một số vụ việc cơ quan điều tra còn lúng túng và cần thu thập thêm chứng cứ với các hành vi dâm ô với trẻ em. Nhưng bằng chứng của chúng tôi cho thấy, một số các vụ việc dâm ô đối với trẻ em, thông qua việc lấy bằng chứng từ các nhân chứng trẻ em và những nhân chứng khác, một số địa phương cũng đã truy tố vụ án, ví dụ như ở tỉnh Lào Cai.

– Việc chậm chạp trong quá trình điều tra, trừng trị những kẻ dâm ô, hãm hiếp trẻ em cũng chính là điều mà dư luận bức xúc nhất đối với những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, nguyên nhân của thực trạng này là gì thưa ông?     

Ông Đặng Hoa Nam: Hiện nay, các vụ việc cơ quan điều tra thông báo phải tạm hoãn hầu hết là do cần thu thập thêm chứng cứ để khởi kiện bị can.

Theo tôi, Luật Trẻ em có hiệu lực từ năm 2017 đã quy định rõ phải ưu tiên các vụ án liên quan đến trẻ em trong quá trình điều tra, tố tụng hình sự, xử lý dân sự, vi phạm hành chính. Trong Luật Hình sự cũng đã nêu rõ, tất cả các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em đều là vi phạm hình sự, ngay cả việc dâm ô trẻ em. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các cơ quan điều tra phải nhanh chóng vào cuộc để thu thập chứng cứ, đảm bảo không có việc sai lệch hoặc thất thoát chứng cứ liên quan đến xâm hại trẻ em, để vụ việc được xử lý theo trình tự của pháp luật một cách nhanh chóng.

Bản thân cán bộ ngành LĐ-TBXH cũng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an để cung cấp thêm chứng cứ, tư vấn, tham vấn hỗ trợ cho nạn nhân, thúc đẩy các cơ quan pháp luật vào cuộc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

– Trong vụ việc nghi ngờ bé gái học lớp 1 ở Thành phố Hồ Chí Minh bị xâm hại tình dục, gia đình nói có sự việc này nhưng nhà trường lại báo cáo “không có,” ông nhìn nhận thế nào về sự trái ngược này?         

Ông Đặng Hoa Nam: Việc kết luận có hay không sự việc xâm hại tình dục trẻ em là của cơ quan điều tra chứ không phải của nhà trường. Trách nhiệm của nhà trường là phối hợp với cơ quan chức năng để bảo vệ nạn nhân, thu thập chứng cứ để cơ quan pháp luật hoàn thành việc điều tra, làm rõ sự việc.

Vụ việc ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như vậy, không có một đơn vị nào có thể xác định em bé đó có bị xâm hại tình dục hay vết thương do bị ngã, bị tai nạn cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Trong vụ việc này, nếu phát hiện dấu hiệu xâm hại tình dục tức là vi dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự, do đó trách nhiệm của nhà trường là không che dấu thông tin mà phải cung cấp đầy đủ thông tin, phối hợp với cơ quan điều tra, hoàn thành tốt trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Nhà trường cũng phải phối hợp để hỗ trợ các dịch vụ giảm tổn thương cho trẻ em.

– Trong trường hợp kết luận của cơ quan điều tra là có sự việc trẻ em bị xâm hại tình dục thì nhà trường, cơ quan quản lý… sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào?

Ông Đặng Hoa Nam: Trong trường hợp kết luận của cơ quan điều ra có sự việc trẻ em bị xâm hại tình dục thì đây là hành vi vi phạm Luật Hình sự và sẽ bị truy tố. Do đó, không nên vì lợi ích của nhà trường, lợi ích của một cá nhân nào đó mà bao che, làm sai lệch kết quả của quá trình điều tra, hành vi này cũng là vi phạm pháp luật.

Câu chuyện gần đây về vụ việc học sinh bị ô tô đâm gãy chân trong sân trường tại Hà Nội cũng là bài học cho tất các địa phương, cả hiệu trưởng và hiệu phó của nhà trường đều đã bị kỷ luật, cách chức vì cố tình che giấu vi phạm gây khó khăn cho cơ quan điều tra…

– Mặc dù đã diễn ra được một thời gian, nhưng vụ án bé gái bị xâm hại tình dục ở Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn chưa có kết luận cuối cùng, xin ông cho biết thêm về vụ việc này?    

Ông Đặng Hoa Nam: Theo báo cáo của cơ quan điều tra mà chúng tôi nhận được về vụ án dâm ô trẻ em ở Bà Rịa-Vũng Tàu thì hiện nay vẫn chưa đủ chứng cứ để khởi tố bị can. Theo tôi, đối với những vụ án không phải là vụ án hiếp dâm, không phải giao cấu thì đòi hỏi những chứng cứ về mặt pháp y, y tế là rất khó. Những vụ thế này chỉ có thể căn cứ vào nhân chứng và cơ quan điều tra cần phải có biện pháp để thu nhập chứng cứ. Đối với những vụ việc thế này, các cơ quan điều tra cần phải trao đổi kinh nghiệm giữa nhiều tỉnh thành với nhau.

Gần đây, công an tỉnh Lào Cai cũng đã thu nhập chứng cứ từ lời khai của nhân chứng phía trẻ em, kết hợp đấu tranh với đối tượng, kết quả là khởi tố được 2 vụ án liên quan đến hành vi dâm ô trẻ em.

 Là đơn vị quản lý nhà nước về vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Cục đã có những biện pháp nào bảo vệ những nạn nhân là trẻ em bị xâm hại tình dục?

Ông Đặng Hoa Nam: Trách nhiệm chính của Cục là bảo vệ nạn nhân, khi mọi chuyện xảy ra rồi thì tiến hành bảo vệ các em. Tiếp theo là phối hợp với các bên cơ quan công an điều tra, hỗ trợ tìm kiếm chứng cứ.

Hiện nay, khi vụ việc xảy ra, Cục Trẻ em cũng hướng dẫn các địa phương phải hỗ trợ cho các nạn nhân. Không những bảo vệ về mặt thể chất, tâm lý mà còn phải bảo vệ cả nhân phẩm, danh dự cho các em nữa. Bên cạnh đó, Cục cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyến cơ sở huy động tất cả dịch vụ có trên địa bàn kể cả phải phối hợp với trung ương, hoặc các địa phương khác hỗ trợ giúp các em hồi phục tốt nhất.

Sau tất cả những vụ xâm hại, tình trạng này vẫn không giảm thậm chí còn có chiều hướng gia tăng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng đáng buồn này thưa ông?

Ông Đặng Hoa Nam: Xâm hại tình dục và xâm hại trẻ em ở quốc gia nào, thời nào cũng đều có. Nhưng vấn đề hiện nay chính là sự vào cuộc của các cơ quan thực thi pháp luật, thậm chí chính là những đơn vị bảo vệ trẻ em như nhà trường, giáo viên, bố mẹ các em… còn hạn chế.

Theo tôi, khi xảy ra các sự việc, một mặt bảo vệ nhân phẩm, danh dự cũng như sức khỏe cho các em, nhưng mặt khác chúng ta cũng phải cương quyết đấu tranh với những tội phạm này. Đồng thời phải tăng cường giáo dục pháp luật cho người dân. Tuy nhiên, muốn giáo dục pháp luật thì phải xử lý nghiêm, dứt khoát những vụ án xâm hại chứ không thể để tình trạng dây dưa, chìm xuồng như các vụ việc đang diễn ra hiện nay.

Ví dụ như vụ việc ở Bà Rịa – VũngTàu, Thành phố Hồ Chí Minh… tôi thấy có dấu hiệu của sự dây dưa, không ưu tiên xử lý vụ việc của các cơ quan pháp luật. Tôi cho rằng các vụ án về xâm hại tình dục, dâm ô trẻ em cần phải được xem là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, vụ án nóng cần được ưu tiên để xử lý ngay.  Nếu cứ đi theo quy trình tố tụng bình thường thì rất khó để xử lý, bởi nếu không xử lý nhanh thì có thể gây tổn thương hơn cho các em.

– Theo ông, chúng ta cần làm thế nào để xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ em, bảo vệ trẻ em trước những hành vi xâm hại?     

Ông Đặng Hoa Nam: Khi phát hiện vụ việc xâm hại trẻ em, gia đình, người dân phải nhanh chóng tố cáo đến đúng các cơ quan chức năng gồm: Uỷ ban nhân dân xã phường, đường dây nóng bảo vệ trẻ em (19001567), cơ quan công an… Các cơ quan chức năng cso trách nhiệm phải vào cuộc xác minh, phối hợp với nhau để thu thập chứng cứ, đấu tranh bảo vệ trẻ em.

Theo tôi, ngành y tế cần tập trung quy định mức độ tổn thương do xâm hại để tiện cho việc thu thập chứng cứ.

Chúng tôi cũng khuyến nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là Quốc hội khi xem xét, bổ sung sửa đổi bộ Luật Hình sự và Tố tụng hình sự sắp tới thì cần chú ý xây dựng những quy định cụ thể hơn, ví dụ như quy định rõ hơn hành vi dâm ô đối với trẻ em để các cơ quan tố tụng và các cơ quan quản lý có biện pháp hỗ trợ can thiệp và đấu tranh với tội phạm một cách hiệu quả hơn.

– Xin cám ơn ông./.

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu