Vai trò của nhân viên công tác xã hội trong trợ giúp phụ nữ bị bạo hành

Vai trò của nhân viên công tác xã hội trong trợ giúp phụ nữ bị bạo hành

Trong những năm qua, việc xây dựng luật và các chính sách nhằm đối phó với bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại những khoảng trống giữa lý thuyết và thực tế.

Một nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam được tiến hành trên phạm vi cả nước với sự tham gia của gần 5.000 phụ nữ ở độ tuổi 18-60. Kết quả cho thấy, 58% số phụ nữ Việt Nam đã từng là nạn nhân của ít nhất một trong ba hình thức bạo lực gia đình (thể xác, tình dục và tinh thần). Cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình được hỏi thì 1 người đã từng bị chồng bạo hành về thể xác hoặc tình dục. Độ tuổi bị bạo hành chiếm tỷ lệ cao nhất là 18-24 tuổi. Đặc biệt, các chuyên gia báo động tình trạng bạo lực gia đình hiện nay diễn ra ở các vùng đều ở mức cao. Chẳng hạn, ở khu vực Đông Nam Bộ là trên 42%, ở Tây Nguyên gần 40%, còn tỷ lệ này ở đồng bằng sông Hồng cũng chiếm khoảng 37%…. Ngay cả phụ nữ đang mang thai cũng có tới 5% từng bị bạo lực thể xác; 10% phụ nữ từng kết hôn cho biết họ đã từng bị bạo lực tình dục do chính chồng mình gây ra. Ở nông thôn, tỷ lệ này là 10,1%, cao hơn so với thành thị là 9,5%…Hòa giải được coi là một trong những biện pháp đầu tiên để xử lý người có hành vi bạo lực gia đình áp dụng hầu hết ở các địa phương nhưng hiện nay, việc hòa giải đang không có tác dụng răn đe đối với người bạo lực. Bởi qua thực tế tìm hiểu, việc thực hiện hòa giải của cơ quan đoàn thể còn chưa đúng, thậm chí đổ lỗi cho người phụ nữ.

Mặc dù chưa có số liệu chính thức, nhưng từ năm 2006 hết năm 2011, qua kết quả nghiên cứu của Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện gia đình và giới thì có 21,2 % các cặp vợ chồng có trải qua hình thức bạo lực từ chửi mắng, nhục mạ, buộc quan hệ tình dục khi không có nhu cầu. Cứ 05 cặp vợ chồng thì có 01 cặp từng xảy ra bạo lực dưới mọi hình thức. Tình trạng Bạo lực gia đình những năm gần đây đang diễn ra với tính chất ngày càng nghiêm trọng, đối tượng vi phạm cùng với số nạn nhân gia tăng ở khắp các vùng miền trong cả nước. Bạo lực gia đình gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, làm tổn thương về thể xác và tâm lý của nạn nhân; tốn kém tiền của do chi phí khám và điều trị bệnh tật. Không những thế, trong thời gian điều trị bệnh nạn nhân không những phải chi phí, tốn tiền cho việc khám và chữa bệnh mà còn phải nghỉ việc nên không có nguồn thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội… ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc gia đình.

baoluc28082015033713

Trước những tác động của bạo lực gia đình, nhân viên công tác xã hội có thể cung cấp một số dịch vụ xã hội để hỗ trợ nạn nhân. Cụ thể:

– Lập kế hoạch trợ giúp cho nạn nhân và điều phối các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân dựa trên nguyên tắc ưu tiên và đáp ứng nhu cầu của họ. Đảm bảo giải quyết tất cả những vấn đề khó khăn mà thân chủ đang gặp phải.

-Trong quá trình tìm hiều và phân tích vấn đề của nạn nhân, nhân viên xã hội sẽ là cầu nối giữa nạn nhân với Ngôi nhà bình yên; TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Các trung tâm bảo trợ xã hội, các nhà xã hội… để đảm bảo nạn nhân có được chỗ ở an toàn trong suốt thời gian can thiệp; giúp đỡ nạn nhân từ quá trình bắt đầu và sau khi tái hòa nhập cộng đồng, đảm bảo có chỗ ăn ở an toàn.

– Nhân viên xã hội tiến hành đánh giá mức độ tổn thương tâm lý, xác định phương pháp tham vấn và trị liệu, cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý để phục hồi sang chấn cho nạn nhân bị bạo lực gia đình. Những trường hợp có vấn đề về tâm lý quá lớn, nhân viên xã hội không đủ khả năng giải quyết thì sẽ đựơc kết nối, chuyển giao đến các cơ quan và tổ chức có khả năng, đủ thẩm quyền.

Nhiều nạn nhân bị bạo lực bị ảnh hưởng rất năng nề về thể chất, sức khỏe, nếu không được chữa trị sẽ gây nên những hậu quả xấu. Nhân viên xã hội sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần thông qua các đối tác cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp. Họ sẽ kết nối những cơ sở cung cấp các dịch vụ y tế miễn phí để các nạn nhân bị bạo lực được khám và điều trị bệnh, thậm chí tìm kiếm các trung tâm giám định y tế để giám định về tỷ lệ thương tật cho họ. Như đã đề cập ở trênm, hầu hết các nạn nhân bị bạo lực đều bị xâm hại, xâm phạm về quyền và lợi ích. Vì vậy đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội sẽ giúp nạn nhân tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tư vấn pháp lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng phụ nữ bị bạo hành thông qua các văn phòng trợ giúp pháp lý, các văn phòng luật sư và cơ quan tư pháp. Đồng thời, tìm kiếm các nguồn lực, xin kinh phí học nghề tại các đối tác đào tạo nghề, hỗ trợ cá nhân và tham vấn nghề nghiệp định kỳ trong thời gian học nghề, xây dựng kế hoạch nghề nghiệp và chuẩn bị hành trang, sẵn sàng làm việc sau khi hỗ trợ.

Song song với các hoạt động trên, nhóm phụ nữ bị bạo hành sẽ được trang bị các kỹ năng tìm kiếm thông tin việc làm và phỏng vấn, tiếp cận với nhà tuyển dụng. Chính đội ngũ nhân viên xã hội sẽ phối hợp với các tổ chức, cơ quan đơn vị giới thiệu việc làm, tổ chức nhân đạo từ thiện để tạo việc làm cho nạn nhân. Một trong những vấn đề rất khó khăn và nhiều thách thức đối với các nạn nhân đó là vấn đề tái hóa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, đội ngũ nhân viên xã hội sẽ tiến hành lập kế hoạch tái hòa nhập, tiến hành liệu pháp nhóm và hướng dẫn kĩ năng sống; tích cực hướng dẫn họ tham gia các hoạt động vui chơi giải trí; cung cấp kinh phí hỗ trợ và theo dõi tái hòa nhập.
Như vậy, có thể thấy, các dịch vụ hỗ trợ nhóm phụ nữ bị bạo hành gồm: nâng cao năng lực tâm lý xã hội (phục hồi tâm lý sau sang chấn, kỹ năng sống và giá trị sống,…) và năng lực kinh tế (kỹ năng nghề và cơ hội việc làm). Sau khi hoàn thành chương trình, người phụ nữ có thể tự tin hơn về phẩm giá, sức mạnh bản thân, năng lực nghề nghiệp, ổn định hơn về tâm lý và tự lập hơn về tài chính.

Hiện nay, ngành Công tác xã hội đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và xây dựng các mô hình hoạt động phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả tại các địa phương như: thành lập các Trung tâm tư vấn, các tổ hòa giải, Câu lạc bộ làm chồng/làm cha, Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc…Đây là chuỗi các hoạt động tương trợ nhóm phụ nữ là nạn nhân của bạo hành; bênh vực quyền lợi cho chị em và hướng tới sự bình đẳng. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về phạm vi của vấn đề, để từ đó xã hội có những hành động cấp bách để ngăn ngừa và đối phó với vấn đề bạo lực đối với phụ nữ.

Linh Nguyễn, Tạp chí LĐXH

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu