Đề xuất đối tượng, chế độ BHXH bắt buộc với người lao động nước ngoài tại Việt Nam

Đề xuất đối tượng, chế độ BHXH bắt buộc với người lao động nước ngoài tại Việt Nam

Bộ LĐ-TBXH đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định hướng dẫn về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó, dự thảo đưa ra mốc thời gian áp dụng từ 1-1-2018.

Đối tượng áp dụng

Bộ LĐ-TBXH cho biết, Khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội (2014) quy định “Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.”

Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo có hai phương án trong việc quy định đối tượng áp dụng tại Nghị định này, cụ thể:

Phương án thứ nhất: Do Luật Bảo hiểm xã hội có quy định 3 nhóm đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Việt Nam là nhóm có giấy phép lao động hoặc có giấy phép hành nghề hoặc có chứng chỉ hành nghề, vì vậy, đối tượng áp dụng của Nghị định cũng chính là người lao động thuộc một trong 3 nhóm đối tượng nêu trên mà không giới hạn ở người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Ưu điểm của phương án này, theo quy định của pháp luật thì hiện lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc với rất nhiều hình thức khác nhau, trong đó làm việc theo hợp đồng lao động chỉ là một hình thức. Việc quy định như Phương án 1 sẽ có nhiều lao động nước ngoài thuộc diện điều chỉnh bởi pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc, không làm hạn chế sự tham gia bảo hiểm xã hội của nhiều đối tượng khác nhau.

Tuy nhiên, trong thực tế rất nhiều người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề mà không ký hợp đồng lao động như: lao động vào Việt Nam tự tạo việc làm, nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật, thực hiện theo thư bổ nhiệm tiền lương không hưởng tại đơn vị trong nước,…. Quy định nhóm đối tượng trên thuộc đối tượng áp dụng tại Nghị định này sẽ gây khó khăn trong quá trình quản lý và thu bảo hiểm xã hội (không có căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội), vì cơ sở thu bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội là hợp đồng lao động và trong đó có phản ánh mức lương mà người lao động nhận được. Nếu dựa trên các giấy tờ như Giấy phép lao động, Chứng chỉ hành nghề hay Giấy phép hành nghề thì sẽ không có căn cứ thu nêu trên và trên thực tế cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ không thực hiện được.

Đồng thời, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động là công dân Việt Nam phải có quan hệ lao động theo hợp đồng mới thuộc đối tượng áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc (các đối tượng khác chỉ được tham gia ở hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện). Vì vậy, nếu quy định đối với người lao động nước ngoài mà không dựa trên quan hệ lao động theo hợp đồng là không bình đẳng đối với lao động Việt Nam.

Phương án thứ hai: Mặc dù Luật Bảo hiểm xã hội quy định áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc với 03 nhóm đối tượng, tuy nhiên, bảo hiểm xã hội là loại hình hướng đến đối tượng là người có quan hệ lao động, vì vậy, đối với nhóm đối tượng là người lao động nước ngoài sẽ áp dụng tương tự như lao động Việt Nam. Theo đó, từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc một trong 3 nhóm đối tượng nêu trên, đồng thời phải có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam thì sẽ thuộc đối tượng áp dụng tại Nghị định này.

Theo dự thảo, ưu điểm của phương án này là Quy định người lao động là người nước ngoài khi phát sinh quan hệ lao động, có ký kết hợp đồng lao động và hưởng lương tại doanh nghiệp, tổ chức cá nhân ở Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan trong quá trình quản lý nhóm đối tượng thuộc diện áp dụng, đồng thời tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện chính sách, xác định căn cứ thu bảo hiểm xã hội đối với nhóm đối tượng này; tạo ra sự bình đẳng giữa hai nhóm đối tượng: nhóm lao động là công dân Việt Nam và nhóm lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo số liệu quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì số lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động chiếm hơn 90% số lao động thuộc diện cấp giấy phép lao động, vì vậy, đối tượng áp dụng của Nghị định là nhóm người lao động có quan hệ lao động sẽ bao quát được phần lớn người lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, phương án này sẽ thu hẹp đối tượng hơn so với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội việc quy định nhóm lao động có hợp đồng 01 tháng trở lên sẽ khó khăn trong quá trình thực hiện vì thủ tục đăng ký kê khai, quản lý đối tượng lao động cũng cần thời gian để các cơ quan có sự đối chiếu, thực hiện. Mặt khác, một bộ phận người lao động nước ngoài chỉ làm việc một thời gian ngắn từ 2- 3 tháng rồi về nước cũng sẽ là khó khăn trong áp dụng. Tuy nhiên

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, để thống nhất với nhóm lao động là công dân Việt Nam và đảm bảo người lao động là công dân nước ngoài được bảo vệ trước những rủi ro có thể phát sinh trong khoảng thời gian đầu làm việc tại Việt Nam thì đối tượng áp dụng của Nghị định nên là những người có quan hệ lao động từ 01 tháng trở lên.

Về các chế độ BHXH bắt buộc

Phương án thứ nhất: Chỉ áp dụng các chế độ ngắn hạn đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam để thuận lợi trong quá trình thực hiện, các chế độ ngắn hạn mang tính chất chia sẻ rủi ro, góp phần đảm bảo an toàn, bảo vệ cho người lao động nước ngoài trong quá trình làm việc tại Việt Nam. Đồng thời theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì thời gian đóng góp tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng là 20 năm, trong khi đó đặc điểm của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn, nếu quy định cả chế độ dài hạn thì sẽ gây khó khăn cho lao động nước ngoài khi tiếp cận chế độ hưu trí hàng tháng, làm giảm ý nghĩa của chính sách.

– Phương án thứ hai: Quy định áp dụng cả 5 chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc để đảm bảo người lao động nước ngoài được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc như đối với người lao động Việt Nam. Bởi theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội thì trong trường hợp người lao động không còn cư trú ở Việt Nam thì sẽ hưởng khoản trợ cấp một lần.

Để đảm bảo nguyên tắc đối xử bình đẳng và nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng như người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị thực hiện cả 5 chế độ áp dụng đối với người lao động nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội tại Việt Nam.

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu