Từ 1/1/2018: Trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị phạt tù tới 7 năm

Bộ Luật hình sự 2015 quy định, từ 1/1/2018, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động sẽ phạt tiền tới 3 tỷ đồng hoặc ngồi tù đến 7 năm.

Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị phạt lên tới 3 tỉ đồng

Theo Điều 216 Bộ Luật hình sự 2015 về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp: Trốn đóng bảo hiểm từ 50-dưới 300 triệu đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10-dưới 50 người lao động đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng -1 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội 2 lần trở lên; Trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng – dưới 1 tỷ đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50-dưới 200 người; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Trường hợp trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên; Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên hoặc không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng.

Gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp phạt tiền tới 100 triệu đồng

Điều 214 cũng quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm như: Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội; Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Từ 1/1/2018: Trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị phạt tù tới 7 năm - Ảnh 1

Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN sẽ bị phạt nặng

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm.

Phạt tù từ 5 năm đến 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:  Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tội gian lận bảo hiểm y tế phạt tù lên đến 2 năm

Điều 215 quy định người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết 31/10/2017, Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH các tỉnh, thành phố là 16.602 tỷ đồng, giảm 64 tỷ đồng so với tháng trước, tỷ lệ nợ bằng 6,3% so với kế hoạch thu năm 2017, bằng so với tháng trước, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Nợ BHXH: 11.433 tỷ đồng, chiếm 68,8% tổng số nợ; Nợ BHTN: 613 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng số tiền nợ; Nợ BHYT: 4.556 tỷ đồng, chiếm 27,4% tổng số tiền nợ. Trong tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN có 2.991 tỷ đồng là số tiền NSNN chưa chuyển cho các đối tượng được do NSNN đóng, hỗ trợ đóng BHYT, chiếm 65,7% tổng số nợ BHYT.

HUYỀN MINH

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu