Triển khai nghề Công tác xã hội ở cơ sở – Còn đó những khó khăn

Triển khai nghề Công tác xã hội ở cơ sở – Còn đó những khó khăn

Ngày 25/03/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020. Cùng với đó là việc xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, sau 5 năm triển khai trong thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đến thăm làng nuôi dạy trẻ Hoa Phượng (Hải Phòng), chúng tôi đã tận mắt chứng kiến sự hy sinh, vất vả của các “mẹ” trong việc chăm sóc, nuôi dạy các em. Bà Lương Thị Hảo, Giám đốc của Làng cho biết: Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng được thành lập năm 1992 với nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng trẻ em, bao gồm: trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi, khuyết tât, trẻ là con của những phạm nhân đang chấp hành án, trẻ lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn TP. Hải Phòng. Hiện nay, Làng đang chăm sóc, nuôi dạy 59 trẻ trong đó có 11 cháu mồ côi, 30 trẻ bị bỏ rơi, 15 trẻ khuyết tật, 7 trẻ là con của phạm nhân và 18 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khác. Việc nuôi dưỡng các cháu được thực hiện theo mô hình gia đình, nhằm giúp các em có một mái ấm gia đình thực sự, có thể cảm nhận được tình thương yêu của những người mẹ. Với mô hình này, hiện Làng có 8 gia đình, mỗi gia đình có 1 mẹ nuôi và 1 dì, chăm sóc từ 6 đến 8 cháu, thời gian 24/24 giờ.

5e16b0a759f382e7d962c84fe5474359_XL
Trong những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song tập thể CBCNV của Làng bằng tình thương, trách nhiệm và lòng nhân ái của một người mẹ đã hết lòng chăm sóc các cháu. Các chế độ ăn được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo khẩu phần dinh dưỡng. Đối với các trẻ đến tuổi đi học, Làng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cho các cháu theo học tại các trường hòa nhập cộng đồng, ngoài ra, vào các dịp hè còn tổ chức nhiều câu lạc bộ sinh hoạt văn nghệ để phát triển toàn diện năng khiếu của trẻ. Tính đến nay, Làng đã nuôi dạy được 248 lượt cháu, trong đó có 55 cháu lang thang, 57 cháu đã trưởng thành lập gia đình, có công việc ổn định. Các cháu thường xuyên đưa vợ con về thăm làng, thăm các mẹ và em. Đây là nguồn cổ vũ, động viện, khích lệ tinh thần các mẹ rất nhiều để các mẹ tiếp tục gắn bó với công việc của mình.

Tuy nhiên, cũng theo bà Hảo, do đối tượng các trẻ gồm nhiều thành phần nên việc chăm sóc, nuôi dạy gặp nhiều khó khăn như: đối với trẻ sơ sinh phải tập trung đông mẹ cùng chăm sóc, đối với trẻ lang thang là con của các phạm nhân do bị ảnh hưởng bởi yếu tố gia đình, nên việc giáo dục sinh hoạt cho các cháu còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó là trình độ của đội ngũ nhân viên, đặc biệt là các mẹ trực tiếp nuôi dạy trẻ còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo bài bản mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sẵn có và việc tìm tòi học hỏi, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công việc. Việc tuyển dụng các mẹ nuôi phải đảm bảo điều kiện không có gia đình, con cái, toàn tâm, toàn ý tự nguyện vào chăm sóc các cháu 24/24 giờ, đòi hỏi áp lực, sự hi sinh rất nhiều, do đó công tác tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Hiện trong số 8 gia đình với 8 mẹ nuôi có một số mẹ đã đến tuổi nghỉ hưu, song vì chưa tuyển dụng được người nuôi mới, nên Làng vẫn phải ký hợp đồng với các mẹ để tiếp tục công việc của mình.

Chị Đào Thị Hạnh, quê ở Phường An Lão đã có 13 năm công tác tại Làng cho biết: Hiện nay, công việc của chị với vai trò là dì, chăm sóc các trẻ khuyết tật ở ngôi nhà Vàng Anh. Việc chăm sóc các trẻ bình thường ở nhiều độ tuổi, có tâm sinh lý khác nhau đã khó khăn, thì đối với trẻ khuyết tật càng gặp nhiều khó khăn hơn. Ngôi nhà Vàng Anh hiện đang chăm sóc cho 7 trẻ khuyết tật ở các dạng tật nặng, đặc biệt nặng như: bại não, thần kinh, tim bẩm sinh. Trong số 7 cháu thì có đến 5 cháu bị bại não, thần kinh, các cháu chỉ nằm một chỗ, không nhận biết được gì và mọi sinh hoạt cá nhân từ ăn uống, vệ sinh đều do các mẹ chăm sóc. Vừa nói vừa bế cháu Mạc Đình Phúc, chị chia sẻ: Cháu Phúc bị bại não, thần kinh, bị bỏ rơi ở cổng làng Hoa Phượng. Có hôm, sáng ngủ dậy sờ mũi không thấy cháu thở, các mẹ phải vội vàng gọi xe cấp cứu đưa sang viện Nhi Hải Phòng. Bệnh viện còn tiên lượng xấu sợ cháu không qua khỏi, thế rồi may mắn cũng qua được mấy năm rồi. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song ở đây các mẹ không quản ngại khó khăn, đều hết lòng chăm sóc các cháu, giúp cho các cháu có một gia đình thực sự.

Với những khó khăn như vậy, Làng rất mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, nâng cao cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho CBCNV nâng cao trình độ; Bổ sung cán bộ làm nghề công tác xã hội để giúp làng kết nối với các ban, ngành, đoàn thể để kịp thời hỗ trợ thực hiện các chế độ chính sách cho các cháu theo quy định.

Hồng Phượng, TC LĐXH

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu