Tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo vệ trẻ em

Tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo vệ trẻ em

Ngày 10 – 11/10, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội thảo “Tham vấn dự thảo báo cáo quốc gia lần thứ 5 và 6 về tình hình thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em tại Việt Nam”. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp dự và chỉ đạo.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, để thực hiện khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Thực hiện quyền trẻ em là trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương và có sự hỗ trợ tham gia của các tổ chức xã hội. Bộ LĐTBXH là cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và địa phương nhằm thực hiện tốt hơn quyền của trẻ em theo Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC). Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách thực hiện quyền trẻ em từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân để đảm bảo cho trẻ em được an toàn, can thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc đang bị mua bán, xâm hại; truyền thông, giáo dục, vận động xã hội thực thi quyền trẻ em; lồng ghép thực hiện quyền trẻ em trong các chương trình, kế hoạch, dự án; kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em.

Theo bản dự thảo báo cáo chi tiết tình hình thực hiện CRC giai đoạn 2012 – 2017, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em. Trong giai đoạn 2012 – 2017, Việt Nam đã bổ sung, ban hành một số đạo luật để hài hòa với CRC và Nghị định thư liên quan tới mua bán, mại dâm trẻ em và văn hóa khiêu dâm trẻ em (OSPC) và Nghị định thư về sử dụng trẻ em trong xung đột vũ trang (OPAC) với các nguyên tắc chung là: không phân biệt đối xử với trẻ em; vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; thúc đẩy thực hiện quyền sinh tồn và phát triển của trẻ em; đặc biệt, Hiến pháp 2013 đã ghi nhận quyền tham gia của trẻ em về các vấn đề của trẻ em, Luật trẻ em 2016 đã dành riêng 1 chương để quy định về quyền tham gia của trẻ em.

Bà Yoshimi Nishino, đại diện UNICEF tại Việt Nam đánh giá: thành tựu lớn nhất của Việt Nam là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em và có những bước tiến vượt bậc trong thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc. Việt Nam đã thông qua Luật trẻ em 2016 với nhiều điểm mới; thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em; thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên năm 2014 là những bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các quan điểm của CRC và chủ trương của Đảng và pháp luật của Việt Nam trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Cần quan tâm hơn nữa tới trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Cũng theo bà Yoshimi Nishino, hiện nay thách thức của Việt Nam là vẫn còn khoảng 5,5 triệu trẻ em nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều), trung bình 2/5 trẻ em đang sống trong gia đình có thiếu hụt 1 trong số các chiều. Tỷ lệ này cao hơn ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Một bộ phận trẻ em đang phải sống chung với bạo lực gia đình, học đường và các hình thức bạo lực khác. Vì vậy, Việt Nam cần đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa để giải quyết tình trạng này và thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em.

Thảo luận tại hội nghị, một trong những vấn đề quan tâm của các đại biểu là vấn đề bảo vệ đặc biệt đối với trẻ em tị nạn; trẻ em nghèo đói, trẻ em dân tộc thiểu số; trẻ em bị bóc lột sức lao động; trẻ em tham gia mua bán, sử dụng chất ma túy và chất gây nghiện; trẻ em bị mua bán và lạm dụng tình dục.

Theo các đại biểu, hệ thống pháp luật của Việt Nam khá đầy đủ để phòng ngừa và bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ trên, đặc biệt các chế tài xử lý đều rất nghiêm khắc đối với các tội danh liên quan tới trẻ em. Song trong thực tế, vẫn còn khoảng 9,6% trẻ em từ 5-17 tuổi tham gia lao động, trong đó có 1,75 triệu được coi là lao động trẻ em; tình trạng mua bán, bắt cóc, đánh tráo, xâm hại tình dục và mại dâm trẻ em vẫn chưa được ngăn chặn triệt để; trẻ em di cư còn khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục; trẻ em lang thang đường phố tuy có giảm nhưng đã biến tướng dưới nhiều hình thức tinh vi hơn.

Vì vậy, để thực hiện quyền trẻ em theo CRC và luật pháp của Việt Nam, thời gian tới, các cấp, các ngành, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ cần “vào cuộc” đồng bộ nhằm giám sát, phòng ngừa, can thiệp và hỗ trợ trẻ em trước nguy cơ hoặc đang có hoàn cảnh đặc biệt, đảm bảo cho các em có cuộc sống an toàn, phát triển đầy đủ cả về thể chất và trí tuệ./.

N.C

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu