Tài liệu: tham vấn tâm lý cá nhân và gia đình – Trần Đình Tuấn

Nhu cầu tham khảo ý kiến người khác để giải quyết những vấn nạn cá nhân là một nhu cầu đã có từ thượng cổ, có lẽ từ khi con người có được ngôn ngữ. Bạn bè tâm sự cùng nhau; anh chị em chia sẻ vui buồn; vợ chồng, ông bà, cha mẹ cùng nhau bàn bạc để tìm cách giải quyết một vấn đề của gia đình; tham khảo ý kiến chỉ bảo của các nhà tu… là những hình thức tham vấn truyền thống. Những hình thức tham vấn này có giá trị lớn trong việc cung cấp sự hỗ trợ tinh thần và vì vậy đã có phần đóng góp quan trọng vào cuộc sống yên vui của con người cũng như an sinh của xã hội.

Bên cạnh các hình thức tham vấn truyền thống kể trên, khi xã hội phát triển lên theo các mô hình sản xuất kinh tế công nghiệp ngày càng phức tạp, đòi hỏi trình độ phối hợp của nhiều ngành nghề chuyên môn khác nhau, tất cả đều ngày càng chuyên môn hóa, nhu cầu của con người cũng trở nên phong phú và phức tạp hơn. Người ta bắt đầu gặp những vấn nạn vượt ngoài tầm giúp đỡ của các tài nguyên truyền thống. Những uẩn khúc tâm lý, những khúc mắc tình cảm không thể dễ dàng cho cha mẹ, anh chị em hay bè bạn hiểu được, hoặc không thể giải quyết bằng những lý thuyết đạo đức cao siêu của tôn giáo. Trong điều kiện này và song song với sự phát triển nhanh chóng của các khoa tâm lý học, xã hội học, y học, gia đình học và công tác xã hội, từ đầu thế kỷ 20 đã bắt đầu manh nha xuất hiện vai trò mới mẻ của phương pháp trị liệu bằng ngôn ngữ/talk therapy.

Từ một thế kỷ qua, khởi đầu bằng phương pháp phân tâm làm mê hoặc cả thế giới, khoa tâm lý trị liệu đã tiến rất xa, đã phát triển thành một ngành nghề vững chắc với những lý thuyết, những trường phái vô cùng đa dạng. Mặc dù xây dựng ngành tâm lý trị liệu sau Âu Mỹ hàng trăm năm, Việt Nam ngày nay có rất nhiều thuận lợi: chúng ta không phải thụ động chờ đợi sự ra đời của những thiên tài như Freud, Jung, Adler, Ellis, Rogers, Satir, Erickson, Minuchin, Insoo Kim Berg, hoặc de Frazer… Tất cả những phát kiến kỳ diệu của những nhân vật này và hàng ngàn lý thuyết gia kim cổ khác đều ở sẵn trong nhà chúng ta, luôn luôn chờ đợi một vài cái nhắp ngắn gọn trước máy điện toán là xuất hiện để sẵn sàng chia sẻ kiến thức với chúng ta. Một thí dụ điển hình là các thư viện điện tử quốc tế, chỉ cần đóng một lệ phí nhỏ hàng tháng, người ta có thể có trong tay bất cứ lúc nào hàng chục ngàn cuốn sách và hàng triệu bài viết về hầu hết các đề tài chuyên môn nào chúng ta có thể nghĩ ra.

Con người không sống cô lập mà sống trong gia đình. Gia đình là một trong những nguồn hạnh phúc quan trọng nhất cho đại đa số nhân loại, đồng thời cũng là lý do chính khiến người ta đau khổ và đi tìm tham vấn. Từ đầu thế kỷ 20, các nhà tiên phong trong lĩnh vực tham vấn tâm lý đã nhận ra tầm quan trọng của ảnh hưởng tương tác trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, và vì vậy khi vấn đề nảy sinh, sự hợp tác giữa các thành viên là nhân tố quan trọng dẫn đến giải quyết rất nhiều vấn nạn của cá nhân cũng như vấn nạn của gia đình. Điều này thật đơn giản: trong một gia đình có bà mẹ chồng và cô con dâu thù ghét nhau, người chồng bất hạnh ở giữa chịu trận. Tùy theo ai là người đi tham vấn, bà mẹ chồng, cô con dâu, hay người chồng, mỗi người sẽ có một mô tả khác nhau về vấn nạn.Trong những trường hợp như thế này tham vấn tâm lý cá nhân, mặc dù hữu ích, không thể hiệu quả bằng tham vấn tâm lý gia đình, là phương pháp tham vấn tạo ra môi trường an toàn và khách quan để mọi thành viên trong gia đình có thể lắng nghe lẫn nhau, lắng nghe chính mình, và cùng nhà tham vấn thăm dò những giải pháp.

Chính vì ý thứcđượcvai trò quan trọng của gia đình trong việc tạo ra an sinh hay đau khổ cho con người (kể cả trong những trường hợp vấn nạn hoàn toàn mang tính cách cá nhân, thí dụ các bệnh tâm thần), từ rất sớm, gần như ngay sau khi hình thành khoa tham vấn tâm lý cá nhân, tham vấn tâm lý gia đình đã dần dần củng cố được vị trí ngày càng quan trọng của nó và từ 1986 tại Mỹ đã có hiệp hội quốc tế các nhà tham vấn tâm lý gia đình (1). Tại Việt Nam, tham vấn tâm lý chuyên nghiệp gần đây đã bắt đầu hình thành tại các thành phố lớn. Song song với phát triển kinh tế, kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội hiện nay qua đề án 32 của chính phủ chắc chắn sẽ củng cố và mở rộng việc cung cấp dịch vụ tham vấn tâm lý cá nhân cũng như gia đình, góp phần thoả mãn một nhu cầu quan trọng của quần chúng.

Cũng như đối với tham vấn tâm lý cá nhân, điều quan trọng để tham vấn gia đình tồn tại và phát triển ở Việt Nam là nó phải chắt lọc được tinh hoa, kiến thức, kỹ năng, và kinh nghiệm của phương Tây và kết hợp hài hoà được với những giá trị truyền thống của văn hoá Việt Nam. Điều này không đơn giản và sẽ là tranh cãi triền miên giữa hai phái Bảo thủ và Cấp tiến. Phái Bảo thủ sẽ bám chặt vào những giá trị cổ điển và nghi ngờ mọi động chạm vào thành trì cổ kính đó. Phái Cấp tiến trái lại, muốn đổi mới toàn diện. Có lẽ cả hai phái đều đúng và đều sai, và phái Trung dung có thể là giải pháp phù hợp nhất.

Văn hoá Việt tất nhiên có những nét đẹp truyền thống đã đóng góp vào sự tồn tại của dân tộc và đất nước Việt Nam qua nhiều ngàn năm lịch sử. Nhưng trong văn hoá này cũng có những yếu điểm làm trì trệ sức phát triển của Việt Nam: trọng nam khinh nữ, trọng sĩ khinh thương, vô kỷ luật (có kỷ luật tự giác sắt đá nhưng chỉ trong những thời kỳ đang mất nước hoặc sắp mất nước), quá chú trọng gia đình, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của cộng đồng miễn gia đình được lợi…

Mặt khác, văn hoá phương Tây giúp họ phát triển trước Việt Nam rất xa, đành rằng văn hoá của họ có những điều không phù hợp với nếp sống của chúng ta, thí dụ họ hoàn toàn không có khái niệm “hiếu” áp dụng riêng cho quan hệ cha mẹ – con cái theo kiểu Á đông, mà chỉ có khái niệm “công bằng” áp dụng chung cho tất cả các mối quan hệ. Văn hoá Âu mỹ không khuyến khích, cũng không kết án những người con từ bỏ cha mẹ đã đối xử độc ác hay bỏ bê họ, và những người con này có thể công khai điều này chứ không coi đó như một vết đen trong cuộc đời cần che dấu. Tuy nhiên, nền văn hoá đó cũng có vô số điều đáng cho ta học hỏi. Thí dụ: tinh thần vì cộng đồng (2), tinh thần kỷ luật trong thời bình (trong chiến tranh họ chưa chắc đã có tinh thần kỷ luật cao như người Việt, nhưng chiến tranh là hoàn cảnh bất bình thường; trong hoàn cảnh bình thường, tinh thần kỷ luật của họ hơn chúng ta không biết bao nhiêu lần), bình đẳng nam nữ (chưa hoàn toàn bình đẳng đâu, nhưng họ không ngừng phấn đấu để ngày càng tiến bộ hơn trong lĩnh vực này), tinh thần yêu quý cuộc sống một cách tích cực, họ bám chặt lấy cuộc sống bằng mọi giá, ngay cả khi chết rồi họ cũng sẵn sàng hiến tim, gan, phèo, phổi, da, mắt… (3) của họ để người khác được tiếp tục sống. Văn hóa dân gian của chúng ta, ngược lại, có khái niệm “chết bỏ”: đánh nhau chết bỏ, nhậu chết bỏ, hút chết bỏ, chơi chết bỏ,…

Cái khó của nhà tham vấn Việt Nam có lẽ là làm thế nào đi đúng được con đường trung dung. Nghĩa là sáng suốt thấy được nét hay đẹp, hoà hợp được của hai nền văn hoá Đông Tây, đồng thời dũng cảm đấu tranh xoá bỏ những nét lạc hậu, góp phần xây dựng một văn hoá mới cho từng thân chủ và gia đình của họ.

Trong các trường phái lớn của khoa tham vấn tâm lý, còn gọi là tâm lý trị liệu/psychotherapy, trường phái có ảnh hưởng nhất hiện nay là phái nhân văn/humanistic mà người đứng đầu là Carl Rogers. Có thể nói phái nhân văn là một cuộc cách mạng trong tham vấn tâm lý vì nó gần như ngược hoàn toàn với những lý thuyết và cách tiếp cận của các trường phái xuất hiện trước đó. Thí dụ: quan hệ giữa thân chủ và người làm công tác tham vấn là quan hệ hợp tác bình đẳng; thân chủ, chứ không phải người làm công tác tham vấn, là chuyên gia về cuộc đời của họ; giải pháp thật sự cho vấn nạn là giải pháp do thân chủ nghĩ ra hoặc tham gia vào việc tìm ra chứ không phải do người làm công tác tham vấn áp đặt…

Ngoài ra, do tính chất phức tạp của vấn nạn xuất phát từ cuộc sống ngày càng đa dạng của con người, mỗi trường phái, mỗi lý thuyết đều có ưu và khuyết điểm riêng. Chính vì vậy phương pháp tổng hợp các trường phái/the eclectic approach là phương pháp phổ biến nhất. Điều này hợp lý vì nó giúp người làm công tác tham vấn tận dụng được trí khôn của nhân loại, không phân biệt nguồn gốc, miễn giúp được thân chủ vượt qua vấn nạn. Tài liệu này được biên soạn theo tinh thần phương pháp tổng hợp với trụ cột là cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm của trường phái nhân văn.

Soạn giả chân thành cảm tạ Tiến sĩ Bùi Thị Xuân Mai, Trưởng khoa Công tác Xã hội, đại học Lao động Xã hội; Tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan, Trưởng bộ môn Công tác Xã hội, đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội; và tập thể các bạn học viên khóa Bồi dưỡng Công tác Xã hội sau đại học do UNICEF tài trợ tại đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, đại học Quốc Gia Hà Nội 2008-2009, đã đóng góp ý kiến cho tài liệu này. Hy vọng tài liệu sẽ phần nào hữu ích cho độc giả và sẽ góp phần tạo hứng thú cho các bạn trẻ tham gia nghiên cứu, học tập làm cho khoa tham vấn tâm lý Việt Nam ngày càng mau chóng lớn mạnh. Mặt khác, trong tinh thần nghiêm túc học hỏi từ các nhà tiền bối trong ngành tâm lý trị liệu, (Satir, Minuchin, Rogers, Insoo Kim Berg… đều mang phong cách vui tươi, lạc quan, hài hước nhẹ nhàng vào công việc hết sức nghiêm trang của họ), và với niềm tin sách tham khảo không nhất thiết phải khô khan, soạn giả đã cố ý trình bày tài liệu này một cách nhẹ nhàng, đơn giản, mong quý vị đọc giả hiểu cho. Sau cùng, do khả năng hạn hẹp, soạn giả xin phép được để nguyên một số chữ tiếng Anh bên cạnh tiếng Việt nhằm làm rõ nghĩa, tiện cho việc góp ý của quý vị độc giả và nhờ vậy việc chuyển dịch từ ngữ trong tương lai thêm chính xác.

Trần Đình Tuấn/Hà Nội, tháng 7, 2013

Download toàn bộ tài liệu TẠI ĐÂY

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu