Sự ưa thích con trai ở Việt Nam: Ước muốn thâm căn, công nghệ tiên tiến

Sự ưa thích con trai ở Việt Nam: Ước muốn thâm căn, công nghệ tiên tiến

Trong vài thập kỷ trở lại đây, mất cân bằng giới tính khi sinh đã ảnh hưởng đến một số nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thời gian gần đây Việt Nam bắt đầu có sự gia tăng bất thường của tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS). Cho đến năm 2000, TSGTKS vẫn còn ở mức bình thường là 106,2 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái nhưng theo kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009 tỷ số này đã tăng lên nhanh chóng đến 110,6. Ở cấp độ quốc tế cũng như ở Việt Nam, sự mất cân bằng của TSGTKS được coi như chỉ báo nhân khẩu học cho thấy sự bất bình đẳng giới vì nó phản ánh tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái ngay từ trước khi họ được sinh ra.

Mức độ và tốc độ gia tăng đáng báo động của TSGTKSmới chỉ thu hút được sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách trong những năm gần đây. Vào năm 2006 và 2009, một số tài liệu được công bố về kết quả phân tích số liệu của các cuộc điều tra biến động Dân số hàng năm và số liệu thống kê về các ca sinh từ tại bệnh viện năm 2008 đã đưa ra bằng chứng định lượng đầu tiên về sự xuất hiện lên của hiện tượng nhân khẩu học này. Theo đó, sự gia tăng TSGTKSđược cho là bắt đầu vào khoảng năm 2004 và tiếp tục tăng lên với tốc độ chưa từng có với 1 điểm phần trăm mỗi năm. Những phát hiện này sau đó đã được khẳng định bởi một phân tích sâu hơn và toàn diện hơn từ số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009, cung cấp một bức tranh chi tiết về quá trình tiến triển của TSGTKS theo thời gian, những khác biệt về mặt địa lý của tỷ số này theo vùng và cấp tỉnh, cũng như các đặc điểm kinh tế xã hội của hộ gia đình có TSGTKS cao.

Mặc dù những phân tích định lượng đã cung cấp những thông tin có giá trị về xu hướng và đặc điểm của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam, nhiều câu hỏi về các yếu tố văn hóa và xã hội tác động đến TSGTKS vẫn chưa được trả lời. Để xác định những khoảng trống trong kiến thức và hiểu biết về vấn đề này, đầu năm 2010 UNFPA đã tổ chức thực hiện một phân tích tổng quan các tài liệu về TSGTKS ở khu vực châu Á với trọng tâm là Việt Nam. Nghiên cứu này đã thu thập và phân tích hầu hết các tài liệu nghiên cứu, luật pháp và chính sách về TSGTKS ở Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam và xác định những khoảng trống kiến thức đang tồn tại. Đó chính là cơ sở cho việc thiết kế cuộc nghiên cứu mà kết quả được trình bày trong báo cáo này.

Cuộc nghiên cứu định tính này được thực hiện trong vòng 3 tháng từ tháng Tám đến tháng Mười năm 2010 tại bốn tỉnh/thành phố của Việt Nam bao gồm Hà Nội, Hưng Yên (thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng), Quảng Ngãi (thuộc khu vực bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung) và Cần Thơ (thuộc Đồng bằng sông Cửu Long). Nghiên cứu đã chứng minh tầm quan trọng của chế độ thân tộc phụ hệ và mô hình cư trú bên nội ở Việt Nam như cội nguồn sâu xa của tâm lý ưa thích con trai, thôi thúc nhu cầu phải có con trai để nối dõi tông đường.

Thêm vào đó, nghiên cứu đã xác định vai trò quan trọng của việc tiếp cận ngày càng dễ dàng đến công nghệ lựa chọn giới tính tạo điều kiện cho nhiều cặp vợ chồng đạt được ước nguyện sinh con trai. Dự thảo báo cáo kết quả và khuyến nghị về các giải pháp đối với các yếu tố văn hóa, xã hội và công nghệ tác động đến TSGTKS đã được thảo luận trong cuộc hội thảo tham vấn do Chính phủ và các Tổ chức Liên Hợp Quốc phối hợp tổ chức trong hai ngày 3 và 4 tháng 11 năm 2010 với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách và các đại diện từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và các cơ quan Liên Hợp Quốc.

UNFPA xin cảm ơn Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và Tiến sĩ Tine Gammeltoft từ khoa Nhân chủng học, trường Đại học Tổng hợp Copenhagen về sự đóng góp của họ cho báo cáo này. Chúng tôi muốn đặc biệt cảm ơn Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình về những hỗ trợ cho cuộc nghiên cứu và về việc đồng tổ chức hội thảo tham vấn nói trên, tạo điều kiện cho thảo luận giữa chính phủ, Liên Hợp Quốc và các tổ chức xã hội dân sự nhằm hoàn chỉnh các khuyến nghị trình bày trong báo cáo này. Lời cảm ơn cũng xin được gửi tới các cán bộ của UNFPA vì những cố gắng và đóng góp quý báu của họ trong quá trình thực hiện nghiên cứu và chuẩn bị báo cáo này.

UNFPA mong muốn giới thiệu tài liệu có giá trị này đến các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến các vấn đề dân số và giới ở Việt Nam. Những bằng chứng được trình bày trong tài liệu này được đưa ra kịp thời vào thời điểm mà Việt Nam đang xây dựng một số chính sách và văn bản pháp lý cũng như các chương trình can thiệp để giải quyết vấn đề giới có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong nhiều năm tới đây.

Bruce Campbell

Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

Download toàn bộ báo cáo TẠI ĐÂY

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu