Nghiên cứu: Quá trình xã hội hóa về giới ở trẻ em

Nghiên cứu: Quá trình xã hội hóa về giới ở trẻ em

Ở Việt Nam trong những năm gần đây vấn đề giới (gender) được những nhà nghiên cứu xã hội đề cập đến nhiều trong việcthực hiện các dự án phát triển và giới cũng đang trở thành một ngành học có tính thời thượng. Tuy nhiên xã hội hóa về giới (gender socialization) vẫn còn là đề tài chưa được mấy ai quan tâm. Các nhà khoa học xã hội Việt Nam chỉ mới đề cập đến quá trình xã hội hóa (socialization) nói chung. Đề tài này đã được một số ngườiquan tâm và khía cạnh thường được chú trọng nhất là quá trình xã hội hóa trong gia đình. Theo hiểu biết của chúng tôi, có lẽ công trình nghiên cứu về xã hội hóa giới ở trẻ em Việt Nam duy nhất là của Helle Rydstrom. Tác giả đã dùng phương pháp quan sát trực tiếp và quan sát tham gia của ngành dân tộc học để mô tả về quá trình xã hội hóa về giới ở trẻ em gái thuộc năm gia đình ở hai làng thuộc xã Thịnh Trị, Hà Tây.

Như vậy xã hội hóa về giới (gender socialization) vẫn còn là một đề tài mới mẽ đối với nhiều người. Thật ra vấn đề này là rất quan trọng và rất thiết thân với chúng ta, bởi lẽ khi một đứa bé được sinh ra, câu hỏi đầu tiên là “Trai hay gái?”. Và câu trả lời không chỉ cho ta biết về giới tính (sex) củađứa bé mà còn cho ta có thể hình dung ra hướng phát triển cả cuộc đời của đứa bé. Hơn thế nữa giới tính của đứa bé không chỉ được đặt ra khi đứa bé vừa mới chào đời mà ngay cả trước khi đứa bé sinh ra. Giới tính đặc biệt quan trọng trong những xã hội phụ quyền như xã hội Việt Nam của chúng ta.

Có nhiều công trình lý thuyết về phát triển giới, nhưng tựu chung có bốn khuynh hướng lý thuyết lớn sau đây:

Lý thuyết sinh vật học xã hội: Lập luận của lý thuyết sinh vật học xã hội như sau: nếu những khác biệt giữa trai và gái đã tồn tại ngay khi vừa sinh ra thì những khác biệt trên phản ánh ảnh hưởng của yếu tố sinh lý bởi lẽ quá trình xã hội hóa sẽ chỉ có ảnh hưởng rất ít trong những năm tháng đầu tiên.

Lý thuyết về sự học hỏi thông qua xã hội: Cũng như nhiều hành vi khác của con người, việc học hỏi những hành vi về giớithường thông qua việc phối hợp các biện pháp như: tưởng thưởng, củng cố và trừng phạt. Trong những năm tháng đầu tiên và trong thời niên thiếu, lấy trường hợp đứa bé trai, một đứa bé trai sẽ được khen, tưởng thưởng nếu ứng xử “như là con trai” và sẽ bị trừng phạt nếu bị chê “như là con gái”. Lý thuyết này cho thấy đứa bé trai đã làm theo các khuôn mẫu hoặc đã bắt chước hành vi những người cùng giới tính như thế nào. Đứa bé trai suy nghĩ: “Ta muốn được thưởng, được khen và ta được khen khi làm những việc của con trai, do đó ta muốn là con trai”. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các bé gái. Đây là lý thuyết được ủng hộ rộng rãi và là lý thuyết đơn giản nhất.

Các lý thuyết nhận thức (cognitive theories): Lý thuyết này cho rằng sự khác biệt về giới tính xuất hiện qua một quá trình phạm trù hóa qua đó những đứa bé trai đặt mình trong nhóm (phạm trù) đàn ông và ứng xử theo nhóm này. Đứa bé trai suy nghĩ: “ta là con trai do đó ta phải làm những điều con trai làm”. Và ngược lại, bé gái cũng nhận thức và suy nghĩ như vậy. Lối tiếp cận này đã khuyến khích những nghiên cứu xem trẻ em đã sở đắc và sử dụng nhận thức về giới như thế nào.

Các lý thuyết động thái tâm lý (psychodynamic theories): Các lý thuyến này bắt nguồn từ lý thuyết của S. Freud. Theo quan điểm của Freud, quá trình xã hội hóa nói chung là một quá trình hình thành nhân cách trong việc đấu tranh chống lại những xu hướng bẩm sinh. Trong khi đó quá trình xã hội hóa về giới hình thành do đấu tranh về cảm xúc giữa đứa bé và những người nuôi chúng trong những năm tháng đầu tiên. Cơ cấu cảm xúc của ở bé trai hình thành do xung đột tình yêu dành cho mẹ và việc sợ bố. Mối xung đột này nếu được giải quyết thành công sẽ dẫn đến việc đứa bé đồng hóa mạnh mẽ với cha mình và do đó mang nam tính.

Một tác giả khác là Nancy Chodorov, một người chịu ảnh hưởng của Freud, nhưng cũng đã thay đổi khá nhiều quan điểm của Freud. Chodorov cho rằng việc nhận ra là nam hay nữ là do sự gắn bó của đứa bé đối với cha mẹ khi còn niên thiếu. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của người mẹ hơn người cha. Đến một thời điểm nào đó, nhằm hình nhân cách riêng biệt của mình, sự gắn bó này cần được chấm dứt.

Chodorov cho rằng quá trình chấm dứt sự gắn bó này xảy ra khác nhau giữa trẻ trai và trẻ gái. Ở đứa bé gái không có một sự cắt đứt quan hệ đột ngột nên sau này khi trở thành thiếu nữ, trẻ gái vẫn phát triển một cảm nhận về bản ngã có tính liên tục hơn trong quan hệ với những người khác. Trái lại, trẻ trai hình thành nhận thức về bản ngã bằng một sự khước từ triệt để hơn. Hình thành nhận thức về nam tính là cái gì không thuộc về phụ nữ, khác với phụ nữ. Những khuôn mẫu tâm lý này đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác vì phụ nữ giữ một vai trò hàng đầu trong quá trình xã hội hóa thời niên thiếu ở trẻ em.

Nhiều tác giả đã phê bình Chodorov chưa mô tả được sự phấn đấu của phụ nữ để trở thành những người thực sự độc lập. Chodorov cũng không giải thích được tính cách của một đứa bé sống trong gia đình chỉ có cha hoặc mẹ hay là trong những gia đình mở rộng có nhiều người chăm sóc nuôi dưỡng đứa bé. Theo A. Giddens, dù sao lý thuyết của Chodorov cũng giải thích được “tính không biểu lộ tình cảm của nam giới”-hay là sự khó khăn của nam giới trong biểu lộ tình cảm của mình.

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu