Phát triển nghề Công tác xã hội: Cần hướng tới sự chuyên nghiệp

Phát triển nghề Công tác xã hội: Cần hướng tới sự chuyên nghiệp

Phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) trong cộng đồng là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề xã hội, trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế ngay tại địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Do đó để hướng tới chuyên nghiệp hóa nghề CTXH thì việc phát huy năng lực, vai trò của đội ngũ cộng tác viên là yêu cầu hết sức cần thiết.

Thiếu cộng tác viên

Nhiều năm gắn bó với CTXH, chị Lương Thị Tăng, cán bộ chính sách xã hội xã Kỳ Tân (Bá Thước) chia sẻ: “Công việc của tôi là tiếp cận tuyên truyền, hỗ trợ người nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS. Ban đầu, khi mới làm nghề, do thiếu kỹ năng, kiến thức về nghề CTXH nên tôi lúng túng trong việc tiếp cận đối tượng. Sau khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, công việc thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đội ngũ cộng tác viên cơ sở tại địa phương rất ít trong khi đối tượng cần được trợ giúp, tuyên truyền nhiều nên khi cần phối hợp gặp không ít khó khăn”.

Cuối giờ chiều, nhưng anh Lương Khắc Bảy, xã Văn Nho (Bá Thước) vẫn tất bật giải quyết tiền trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ trên địa bàn xã. “Được lãnh đạo UBND xã cử đi tập huấn nghề CTXH nên tôi tranh thủ đầu giờ sáng, cuối giờ chiều để chi trả trợ cấp cho người dân. Tham gia các lớp tập huấn giúp tôi có kiến thức về nghề CTXH, rèn luyện kỹ năng tiếp cận người nhiễm HIV, nghiện ma túy, rối nhiễu tâm trí… Tuy nhiên, vì làm công tác kiêm nhiệm nên việc áp dụng kiến thức nghề CTXH vào thực tế còn gặp khó khăn về thời gian và chi phí hoạt động.

Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có trên 190.000 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp thường xuyên, trong đó có khoảng 90.000 người cao tuổi, trên 80.000 người khuyết tật, còn lại là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ, người chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật tại cộng đồng… Trong khi đó, toàn tỉnh mới chỉ có Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH tại cộng đồng (trực thuộc ngành lao động – thương binh và xã hội) và khoảng trên 2.000 cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách tại các địa phương có tham gia làm CTXH. Như vậy, so với số đối tượng cần trợ giúp hiện tại thì đội ngũ người làm nghề CTXH còn quá mỏng. Mặt khác, đối tượng cộng tác viên nghề CTXH làm việc trong nhiều lĩnh vực, đơn vị khác nhau: Lao động, thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, tư pháp, các đoàn thể chính trị – xã hội… hầu hết đều chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng về nghề CTXH, làm kiêm nhiệm… Có một thực tế, hiện nhiều người dân chưa biết về nghề CTXH, do đó việc triển khai nhiệm vụ của cộng tác viên CTXH đã gặp không ít khó khăn khi tiếp cận, tư vấn, hướng dẫn trực tiếp và thực hiện chính sách xã hội ở cơ sở.

Hướng tới chuyên nghiệp

Theo định nghĩa chung của thế giới thì CTXH là một nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già…). Sứ mệnh của nghề CTXH là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội; sự bất công trong xã hội; sự bất bình đẳng trong xã hội… Mục tiêu chung mà nghề CTXH hướng đến là: Phát hiện những mối quan tâm của con người; xác định các nhu cầu của con người; xác định các nguồn lực bên trong và bên ngoài của con người. Trên cơ sở đó, những người làm nghề CTXH xây dựng kế hoạch và mục tiêu cụ thể để đáp ứng các nhu cầu đó.

Theo ông Trần Văn Hùng, phó Phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa), để thực hiện được tốt việc chăm sóc, hỗ trợ những nhóm đối tượng xã hội trên hướng tới chuyên nghiệp nghề CTXH thì một trong những giải pháp hữu hiệu là phát triển nghề CTXH và tăng cường mở rộng mạng lưới các cơ sở CTXH. Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội hiện đang rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, trợ giúp cho đối tượng; cơ sở vật chất của nhiều cơ sở trợ giúp được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp; dụng cụ y tế, trang thiết bị cần thiết để phục hồi chức năng còn rất thiếu. Hầu hết các cơ sở trợ giúp xã hội có chức năng chủ yếu là nuôi dưỡng tập trung các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu các dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm, trị liệu, chăm sóc, trợ giúp và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Các cơ sở chăm sóc chuyên biệt người cao tuổi, cơ sở phục hồi chức năng cho người khuyết tật còn thiếu ở các địa phương; các cơ sở trợ giúp xã hội hoạt động thiếu sự liên kết, kết nối đa ngành. Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, viên chức và nhân viên CTXH làm việc tại các cơ sở còn nhiều hạn chế, phần lớn các cán bộ, nhân viên này chưa qua đào tạo hoặc được đào tạo từ nhiều nghề khác nhau, làm việc không đúng ngành, nghề đào tạo. Vì vậy, năng lực chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở không cao, thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hiện nay.

Từ những thực tế trên đòi hỏi cần có nhiều hơn nữa sự chung tay, chung sức của cả cộng đồng đối với sự nghiệp phát triển nghề CTXH, trong đó một yếu tố quan trọng là bên cạnh sự quan tâm của cả hệ thống chính trị thì cũng cần phải nâng cao hơn nữa hiểu biết và nhận thức của toàn xã hội đối với nghề CTXH. Tuyệt đối tránh tư tưởng coi những người làm CTXH (nhất là những người tự nguyện) là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, bởi lẽ dù là tự nguyện hay làm công ăn lương thì những người làm CTXH đều rất đáng được trân trọng; có chính sách nâng cao mức thu nhập cho những người làm nghề CTXH để họ yên tâm làm việc.

Bài và ảnh: Trần Hằng

 

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu