Nỗi niềm người làm nghề công tác xã hội

Nỗi niềm người làm nghề công tác xã hội

Nhiều năm qua, những người làm nghề công tác xã hội (CTXH) ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn cần mẫn đưa chính sách của Nhà nước, kết nối những tấm lòng hảo tâm nhằm giúp những phận đời, hoàn cảnh đặc biệt có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Đưa chính sách đến với những người gặp khó khăn

“Với những người làm nghề CTXH, nếu không vì cái tâm thì khó có thể cống hiến hết mình cho cộng đồng”-chị Ngô Thị Thanh Hà-cán bộ phụ trách mảng lao động-thương binh và xã hội xã Ia Din (huyện Đức Cơ) đúc rút sau 10 năm gắn bó với nghề. Năm 2007, sau khi học xong chuyên ngành CTXH, chị Hà trúng tuyển công chức văn hóa-xã hội  UBND xã La Din. Đây là xã có 12 thôn, làng với trên 99% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Vì thế, chị phải luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Từ năm 2007 đến nay, chị đã làm cầu nối giúp 129 đối tượng trên địa bàn xã là những người yếu thế được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Biết đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội, chị trực tiếp đến gia đình xác minh, hướng dẫn đối tượng kê khai hồ sơ, khi hoàn thiện hồ sơ thì trình Hội đồng xét duyệt ở xã, sau đó gửi lãnh đạo huyện ra quyết định cho đối tượng hưởng trợ cấp.

Cũng như chị Hà, chị Đào Thị Mai-cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xã Chư Hdrông (TP. Pleiku) được giao phụ trách mảng trẻ em, kiêm công tác Hội Chữ thập đỏ của xã. Trong thời gian làm nghề CTXH, chị Mai nhớ mãi trường hợp cháu bé bị bệnh lý thượng bì bóng nước (căn bệnh này hiện ở nước ta vẫn chưa có thuốc chữa-P.V) mà chị đã giúp đỡ làm chế độ từ lúc bé 7 tháng tuổi (hiện bé 17 tháng tuổi). “Thấy bố mẹ cháu bé làm công nhân, cuộc sống rất khó khăn, con lại mắc bệnh hiểm nghèo, tôi đọc kỹ và vận dụng chính sách để đề xuất với lãnh đạo làm chế độ cho 2 mẹ con. Theo đó, mỗi tháng, ngoài chế độ của con được 675.000 đồng, mẹ cháu cũng được nhận 270.000 đồng”-chị Mai chia sẻ.

Trăn trở với nghề

Tuy nhiên, nghề nào cũng có những khó khăn nhất định và đôi khi còn gặp sự cố. Đối với những người làm nghề CTXH, ngoài trái tim yêu thương thì còn cần có nhiều kỹ năng bổ trợ. “Bởi khi đến gặp gia đình đối tượng để nắm bắt tình hình, có gia đình vui vẻ chào đón nhưng cũng có gia đình không hài lòng và không hợp tác vì họ chưa hiểu hết công việc mình làm, cũng như chưa hiểu rằng những trẻ khuyết tật như con của họ cần sự hỗ trợ của xã hội như thế nào”-chị Ngô Thị Thanh Hà bày tỏ.

Khó khăn là vậy nhưng chị Hà cho biết, chính vì đi nhiều, tiếp xúc nhiều nên chị càng có thêm kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác quản lý những đối tượng bảo trợ xã hội và ngày càng giúp được nhiều đối tượng hơn. Song một số gia đình chưa hiểu rõ về quy định chính sách, nhiều lần kiến nghị để làm chế độ cho con họ. Khi chị giải thích là con họ không thuộc đối tượng được hưởng thì họ quay sang nói cán bộ không giúp và có những lời lẽ không hay. Lúc đó, người làm nghề CTXH phải có những kỹ năng tự giải quyết để họ có thể hiểu cho mình.

Còn theo chị Đào Thị Mai, người làm nghề CTXH phải biết những kỹ thuật giải quyết vấn đề và xây dựng kế hoạch trợ giúp phù hợp. “Trong quá trình giải quyết vấn đề, nguyên tắc đạo đức đầu tiên để theo nghề là sự vô tư, không vụ lợi trong công việc”-chị Mai cho biết.

Một cán bộ Phòng Bảo trợ Xã hội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: Tỉnh ta hiện có 222 người làm nghề CTXH ở các xã, phường, thị trấn. Họ là những công chức văn hóa-xã hội phụ trách mảng lao động-thương binh và xã hội. Ở họ đều chung một tâm nguyện là giúp người bệnh, mang lại những điều tốt đẹp cho người yếu thế. Nếu được hỗ trợ thêm phụ cấp thì họ sẽ có thêm điều kiện để yên tâm gắn bó với nghề.

Đinh Yến

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu