Nhiệm vụ của nhân viên CTXH học đường

Nhiệm vụ của nhân viên CTXH học đường

Công việc của nhân viên xã hội (NVXH) là giúp thân chủ đối phó với những tình huống khó khăn trong cuộc sống và gắn kết họ với những nguồn lực trong cộng đồng có thể giúp họ vượt qua được khó khăn. Ở trường học, cần có NVXH để xây dựng một môi trường thân thiện giúp học sinh thành công trong học tập và hoàn thiện nhân cách. Vì vậy, NVXH học đường sẽ đóng vai trò như cầu nối giữa phụ huynh, nhà trường và cộng đồng; cũng như xây dựng cùng lúc nhiều hoạt động như tổ chức (và thực hiện) những buổi tập huấn kỹ năng hoặc tham vấn cho những người có nhu cầu, phát triển những chương trình ngăn ngừa những hành vi xấu có khuynh hướng phát triển trong trường học, thực hiện những hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu những vấn đề gây cản trở việc học tập của học sinh,…

Ngăn ngừa học sinh trốn học hoặc bỏ học

Học sinh thì phải đến trường để học. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề từ phía gia đình và cá nhân cản trở học sinh đến lớp. NVXH học đường cần đánh giá nhu cầu của học sinh và gia đình để có thể giúp họ lập kế hoạch giúp học sinh tham gia hoc tập. Ngăn ngừa học sinh bỏ học cũng là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường. Vì vậy, NVXH phải là một phần của tất cả các nhóm: quản lý nhà trường, giáo viên, phụ huynh, và cả các nhóm học sinh để có thể phát hiện kịp thời những học sinh có nguy cơ bỏ học và có kế hoạch giúp học sinh và gia đình để ngăn chặn nguy cơ này.

Ngăn ngừa bắt nạt/ bạo lực học đường

Tình trạng bắt nạt trong trường học cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nạn bỏ học, vì những học sinh hay bị bắt nạt sẽ không tập trung được vào việc học, học kém đi, và trở nên sợ hãi trường học. NVXH có thể ngăn ngừa hoặc giảm thiểu nạn bắt nạt bằng cách tăng cường hỗ trợ cho những học sinh có nguy cơ bị bắt nạt và thực hiện những chương trình tập huấn kỹ năng xã hội hướng vào giải quyết mâu thuẩn như kiểm soát sự giận dữ, cách giải tỏa ức chế, cách thương lượng để giải quyết mâu thuẩn không cần đến bạo lực,… NVXH cũng cần phối hợp với giáo viên và đoàn thể (Đoàn, Đội,…) giúp những học sinh yếu lấy lại căn bản để có thể theo kịp bạn đồng học và tự tin hơn.

NVXH có thể tìm mời các chuyên gia đến trường và giúp cho thấy cô giáo và ban quản lý nhà trường trang bị kiến thức và kỹ năng nhận diện trẻ bị lạm dụng, những dấu hiệu có thể dẫn đến bạo hành, dấu hiệu trẻ đang có vấn đề sức khỏe tâm thần,… để có thể can thiệp kịp thời.

Ngăn ngừa tự tử

NVXH làm việc và nhận diện những học sinh bị trầm cảm, hoặc có nguy cơ tự tử. Những dấu hiệu cho thấy các em có khuynh hướng tự tử như đe dọa bằng lời hoặc viết thư, mất ngủ, không còn quan tâm đến tương lai, thay đổi hoàn toàn về tính tình (lầm lỳ ít nói,…), hay nói lên những lời tuyệt vọng,… Khi đánh giá nguy cơ tự tử, NVXH tìm hiểu xem các em có nghĩ đến việc này hay không, xác định xem các em đã lên kế hoạch hay chưa, xác định mức độ khả thi của kế hoạch,… NVXH nên liên lạc với gia đình và giúp gia đình tìm sự hỗ trợ chuyên môn từ những nhà trị liệu. Và sau đó, NHXV cần phải có kế hoạch theo dõi và hỗ trợ các em đến khi thực sự chắc chắn rằng mối nguy hiểm đã qua rồi.

Hỗ trợ phụ huynh

Gia đình học sinh có nhiều vấn đề sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của các em. Vì vậy, NVXH có thể sắp xếp những buổi gặp gỡ với phụ huynh – theo nhóm hoặc cá nhân tùy theo từng trường hợp cụ thể – giúp họ trang bị kỹ năng làm cha mẹ, hoặc tham vấn cho họ khi cần. Việc giúp cho phụ huynh hiểu được những hoạt động hỗ trợ học sinh ở trường học và kêu gọi được sự phối hợp của họ cũng là phần rất quan trọng đối với sự thành công của các chương trình ngăn ngừa hoặc can thiệp nhằm giúp trẻ phát triển.
Có những trường hợp, NVXH còn phải tìm kiếm và phối hợp với những dịch vụ hỗ trợ trong cộng đồng để giúp gia đình các em giải quyết khó khăn và đáp ứng được nhu cầu học tập của các em thí dụ như các chương trình an sinh xã hội, học bổng, các dịch vụ sức khỏe tâm thần, chương trình nhà ở cho người nghèo, chương trình hỗ trợ thực phẩm, chương trình giúp công nhân nhập cư, …

socail-work-_-Large
Xây dựng trường học thân thiện

NVXH cần ứng dụng những chương trình “hành vi tích cực” (positive behavioral interventions ans supports) thúc đẩy việc xây dựng và duy trì môi trường học đường thân thiện, tăng cường sự tôn trọng và tin cậy giữa các giáo viên, giữa học sinh, và giữa học sinh với giáo viên. Môi trường học đường thân thiện và an toàn sẽ giúp các em yêu thích trường học và yên tâm học tập.
NVXH giúp học sinh xây dựng giá trị bản thân và phát triển những kỹ năng như nhận diện và quản lý cảm xúc, biết quan tâm đến người khác, đi đến những quyết định có trách nhiệm, xây dựng được những mối quan hệ tích cực, và giải quyết một cách hiệu quả những thách thức của cuộc sống.

Giúp học sinh đang gặp khủng hoảng

Khủng hoảng xảy ra khi học sinh gặp phải những chấn thương đột ngột vượt quá khả năng ứng phó thường ngày của các em như bạo hành gia đình, mất người thân, mất nhà cửa, thiên tai, bị tai nạn,… Trong những trường hợp như thế, NVXH trước hết cần giúp học sinh vượt qua giai đoạn khủng hoảng, sau đó giúp các em đánh giá lại hoàn cảnh và tìm những giải pháp thích hợp để giải quyết vấn đề. Khi cần thiết, phải cùng làm việc với gia đình và các bên liên quan để có được giải pháp tốt nhất cho các em.

Tham vấn nhóm

Làm việc nhóm là cách hiệu quả nhất để xây dựng mối quan hệ tốt với học sinh, giúp các em trang bị kỹ năng xã hội, và hỗ trợ các em đúng lúc. Khi tham gia nhóm, học sinh có cơ hội thực tập kỹ năng mới và xây dựng được cho mình những mối qua hệ lành mạnh. Nhóm có thể cùng làm việc để giúp nhau giải quyết những vấn đề cá nhân như học yếu môn học, bất hạnh hoặc mất mát, gia đình bất hòa, ly dị, … Nhóm tập trung vào mối quan tâm hoặc vấn đề chung mà các thành viên gặp phải và cùng nhau xây dựng mục tiêu và chương trình hành động phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của nhóm và nhà trường. Khi cần thiết, NVXH có thể trao đổi với giáo viên hoặc phụ huynh để cùng phối hợp giúp các em.

Tham vấn cá nhân

NVXH tham vấn riêng cho từng em học sinh khi các em gặp phải khó khăn gây cản trở việc học tập của các em. Nhu cầu tham vấn của các em có thể là những vấn đề cá nhân, vấn đề thuộc gia đình hoặc trường học hoặc cả 3. Tùy theo đánh giá ban đầu mà NVXH xây dựng kế hoạch tham vấn cho các em, cùng với gia đình các em hoặc giáo viên nếu cần thiết.

Một số trường hợp cần can thiệp hành vi đặc biệt

Với một số trường hợp cá biệt, có thể hình thành một nhóm gồm chuyên gia từ nhiều lĩnh vực (multi-disciplinary team) như giáo dục, y tế, tâm lý, sức khỏe tâm thần, v.v… để giúp các em, trong đó NVXH cũng là một thành viên. Thường thì đây là những chương trình thay đổi hành vi đặc biệt bao gồm 2 giai đoạn: 1/ đánh giá chức năng (động cơ) của hành vi (Functional Behavior Assessment) và 2/ lập kế hoạch can thiệp. Kế hoạch này bao gồm những phương pháp quản lý suy nghĩ và cảm xúc (Cognitive Behavioral Intervention) và chỉnh đổi hành vi (Behavior Modification) nhằm giúp các em giảm hành vi có vấn đề và tăng cường hành vi thích hợp.
Khi việc hỗ trợ các em vượt quá khả năng của NVXH học đường và điều kiện của nhà trường, NVXH phải tìm những những nhà chuyên môn hoặc các trung tâm chuyên nghiệp để thuyên chuyển các em sang điều trị.

Hỗ trợ học sinh khuyết tật

Xu hướng của thế giới hiện này là khích lệ và ủng hộ học sinh khuyết tật học hòa nhập. Điều đó cũng có nghĩa là ngày càng có nhiều học sinh khuyết tật theo học ở các trường. Các em sẽ có những khó khăn riêng cần sự hỗ trợ của NVXH và nhà trường để có thể theo kịp bạn cùng lớp và thoát khỏi mặc cảm bị cô lập ngay trong lớp học. NVXH có thể phối hợp với các chuyên gia về khuyết tật và các trung tâm, tổ chức hỗ trợ NKT để có kế hoạch giúp các em học hòa nhập tốt và học tốt.

Hỗ trợ học sinh cuối cấp

Đối với học sinh cuối cấp phổ thông cơ sở hoặc phổ thông trung học, nhân viên xã hội học đường còn có nhiệm vụ phát triển những chương trình chuyển giai đoạn (transitional program) giúp các em chuẩn bị tốt cho việc bước vào một môi trường sống lớn hơn, với nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ hơn như vào đại học, học nghề, hoặc đi làm kiếm sống.
Như vậy, để thực hiện tốt nhiêm vụ công tác xã hội học đường, người NVXH học đường cần phải có vài năm kinh nghiệm làm việc với trẻ em và gia đình. Đồng thời, họ cũng cần được tạo điều kiện để tiếp cận được với một hệ thống hỗ trợ cần thiết tại nhà trường và cộng đồng. Đây là trường hợp lý tưởng ở các nước đã hình thành và phát triển hệ thống an sinh xã hội. Việt Nam ta cũng cần phải bắt đầu xây dựng hệ thống hỗ trợ này nếu muốn hoạt động công tác xã hội được hiệu quả.

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu