Người làm công tác xã hội làm gì, ở đâu?

Người làm công tác xã hội làm gì, ở đâu?

Người làm nghề công tác xã hội (CTXH) không đơn thuần là tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người dân… Những sinh viên học chuyên ngành về CTXH khi ra trường có thể làm việc tại các trung tâm, các công ty, xí nghiệp, bệnh viện và nhiều lĩnh vực khác của xã hội.

Nghề “làm dâu trăm họ”
 
Có thể coi CTXH là một nghề đang rất có triển vọng tại Việt Nam. Dù đây là một nghề mới ở Việt Nam nhưng trên thế giới đã được thừa nhận và phát triển ở nhiều quốc gia. Để xác định được những vị trí bạn có thể làm và có thể xin việc ở đâu khi theo học nghề này, bạn cần biết rõ nghề CTXH làm những gì?
 
Chia sẻ về chuyên ngành đào tạo CTXH trong các trường ĐH, CĐ hiện nay, ông Trần Từ Duy – Trưởng phòng Hướng nghiệp, việc làm (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết: “Ngành CTXH có mục tiêu đào tạo các chuyên gia có phẩm chất chính trị, đạo đức, có sức khỏe, có tinh thần phục vụ nhân dân, có tinh thần yêu nghề, nắm vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành nghề nghiệp CTXH. Đặc biệt là khả năng tư vấn và xúc tác với cá nhân, cộng đồng. Khả năng phát hiện, giải quyết những vấn đề xã hội và nâng cao năng lực con người. Khả năng vận dụng kiến thức đã học vào việc nhận thức và giải quyết những vấn đề thực tiễn xã hội đặt ra”.
 
Cũng theo ông Trần Từ Duy, người làm nghề CTXH có thể hiểu là làm các công việc như: vận động bình đẳng giới, quyền lợi của phụ nữ trong gia đình… hay đơn giản là tuyên truyền về y tế, sức khỏe cộng đồng, giáo dục, pháp luật tại địa phương, xí nghiệp. Nếu lựa chọn chuyên ngành CTXH để học và theo đuổi nghề này, trước tiên đòi hỏi phải có lòng yêu mến nghề, vì đây là một nghề chuyên hỗ trợ và giúp đỡ những người gặp khó khăn, yếu thế. Trên thực tế, nhiều người theo nghề CTXH cũng đã từng ví nghề này như “làm dâu trăm họ”.
 
Hiện nay, cả nước có khoảng 50 trường ĐH, CĐ mở chuyên ngành đào tạo nghề CTXH, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực theo sự đòi hỏi của xã hội. Khi học xong, tùy vào chuyên môn, sở trường của mình mà sinh viên có thể làm việc ở nhiều nơi thuộc khối các cơ quan nhà nước, ví dụ: UBND phường xã; phòng, sở LĐ,TB&XH; Hội Chữ thập đỏ…
 Làm việc ở nhiều nơi
Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ,TB&XH), hiện cả nước có số người cần trợ giúp các dịch vụ CTXH lên tới 28% dân số, trong đó: 7,5 triệu người cao tuổi; 5,4 triệu người khuyết tật; 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 12% hộ gia đình nghèo, hơn 180.000 người bị nhiễm HIV được phát hiện…
Người làm nghề CTXH còn có thể làm việc tại các mái ấm, nhà mở cho nhiều đối tượng như trẻ em, người có HIV, người già neo đơn, phụ nữ bị bạo hành. Các bệnh viện cũng cần nhân viên CTXH. Các tổ chức phi chính phủ, các dự án hỗ trợ con người và phát triển cộng đồng đều rất cần các chuyên gia, cán bộ chuyên ngành CTXH. Ví dụ: dự án xóa đói giảm nghèo, bảo trợ trẻ em có HIV… Ngoài ra, người làm nghề CTXH còn đi giảng dạy, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống hoặc  làm việc cho tổ chức từ thiện, mở phòng tham vấn tư nhân, giảng dạy…
Một số công ty cần có chuyên gia hỗ trợ đời sống cho nhân viên, hoặc các tập đoàn và ngân hàng lớn thường có phòng hoạt động xã hội, đây là nơi cần có chuyên gia CTXH vào làm việc. Tuy nhiên, theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ,TB&XH), đa phần nhân viên làm CTXH hiện nay chưa được đào tạo cơ bản. Đội ngũ nhân viên này phát triển có tính tự phát, chủ yếu là của các tổ chức đoàn thể, đôi khi là những người dân tự nguyện tham gia. Đa số làm việc theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng nghề cần thiết về CTXH.
 
Hiện nay, Bộ LĐ,TB&XH đã có những chính sách hỗ trợ nâng cao đời sống của người làm CTXH. Ngoài tiền lương cơ bản, người làm ngành nghề CTXH còn có phụ cấp công vụ, với một số cán bộ y tế làm nghề này sẽ nhận thêm phụ cấp ưu đãi nghành nghề. Những cán bộ, nhân viên CTXH các lĩnh vực khác sẽ có phụ cấp về chăm sóc người khuyết tật, tâm thần…
 
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020 với tổng kinh phí thực hiện đề án là 2.347 tỷ đồng. Đến năm 2020, cả nước cần đào tạo và đào tạo lại 60.000 nhân viên CTXH. Mỗi xã, phường, thị trấn trên phạm vi cả nước phải có ít nhất từ 1 đến 2 cán bộ, nhân viên CTXH thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên CTXH với mức phụ cấp hằng tháng bằng mức lương tối thiểu. Bộ Nội vụ cũng đã ban hành chức danh, mã ngạch viên chức CTXH.
Quang Anh
comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu