Hoàn thiện các luật chuyên ngành về lĩnh vực dân tộc

Hoàn thiện các luật chuyên ngành về lĩnh vực dân tộc

Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc được Chính phủ thông qua ngày 14-1-2011, có hiệu lực kể từ đầu tháng 4-2011 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 05). Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định số 05. Sau hơn sáu năm thực hiện, bên cạnh những tác động tích cực, Nghị định cũng bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác dân tộc và quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

Đến nay, các vấn đề công tác dân tộc, chính sách dân tộc và kinh tế – xã hội có nhiều thay đổi so với thời điểm ban hành nghị định nói trên. Nhiều ý kiến cho rằng, những thay đổi chính về lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN). Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu, giải pháp phù hợp sự thay đổi đó.

Thực tiễn thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở nước ta trong giai đoạn hiện nay cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Từ thực tế và trên các diễn đàn nghị trường, những vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn, đề đạt, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm, như lĩnh vực môi trường sinh thái, thực trạng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, khoảng cách chênh lệch về mức sống, về trình độ phát triển kinh tế – xã hội giữa các dân tộc, giữa các vùng. Ngoài ra, chất lượng cũng như hiệu quả về giáo dục – đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề di cư tự do vẫn còn diễn biến phức tạp; một số bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS có nguy cơ bị mai một.

Các chuyên gia và nhà nghiên cứu phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên; trong đó có nguyên nhân là hệ thống pháp luật, chính sách dân tộc hiện hành còn chưa đồng bộ, thống nhất, chưa hoàn thiện. Hiện nay, các chính sách dân tộc nằm rải rác ở các văn bản khác nhau thuộc nhiều bộ, ngành quản lý, nên khó tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Nói cách khác, vẫn thiếu một cơ chế pháp lý thống nhất để các cơ quan nhà nước phối hợp trong quản lý, hoạch định, xây dựng, thực hiện và theo dõi, đánh giá các chính sách đối với vùng DTTS- MN, người DTTS. Các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực dân tộc, chính sách dân tộc có tính ổn định không cao, đặc biệt là các văn bản dưới luật quy định cụ thể chế độ, chính sách áp dụng đối với vùng DTTS-MN. Một số chính sách chưa phù hợp đặc thù vùng DTTS-MN; chính sách ban hành trước và sau thiếu sự kết nối về nội dung; chưa kể có chính sách đặt ra có mục tiêu lớn, nhưng thời gian thực hiện ngắn, gắn với nhiệm kỳ nên hiệu quả chưa cao.

Từ những lý do nêu trên, Ủy ban Dân tộc đã có bản đánh giá tác động chính sách trong xây dựng dự án Luật Hỗ trợ phát triển vùng DTTS- MN, qua đó nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng dự án luật hỗ trợ phát triển vùng DTTS-MN, nhằm bổ sung, hoàn thiện các quy định của các luật chuyên ngành có liên quan lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc; xây dựng các cơ chế cụ thể nhằm bảo đảm thực hiện các chính sách đối với vùng DTTS-MN được quy định trong các luật chuyên ngành, phù hợp những đặc thù về văn hóa và đời sống của đồng bào DTTS. Quan trọng hơn, sẽ tạo khung pháp lý thống nhất, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho rằng, trên cơ sở sự phát triển kinh tế – xã hội và tinh thần của Hiến pháp năm 2013, từ thực tế và bài học rút ra qua tổ chức tổng kết thực hiện Nghị định 05 của Chính phủ về Công tác dân tộc; tổng kết hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2011 – 2015; trên cơ sở nghiên cứu luận cứ khoa học phục vụ xây dựng luật, tiến trình hội nhập quốc tế, đòi hỏi xây dựng nền móng pháp lý cao nhất và vững chắc cho việc giải quyết các vấn đề về lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở nước ta. Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ xem xét, quyết định, trình Quốc hội đưa dự án Luật Hỗ trợ phát triển vùng DTTS-MN vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Mục tiêu xuyên suốt của việc xây dựng luật nhằm giải quyết những bất cập về mặt thể chế trong lĩnh vực dân tộc, chính sách dân tộc, từ đó quy định hệ thống cơ quan công tác dân tộc thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đây chính là điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức xây dựng, thực hiện và giám sát thực hiện các chính sách dân tộc một cách đồng bộ, hiệu quả trong nhiều năm tới.

VĂN CHÚC
comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu