Dự báo triển vọng phát triển công tác xã hội tại việt nam đến năm 2020

Dự báo triển vọng phát triển công tác xã hội tại việt nam đến năm 2020

1. Sự phát triển CTXH trên thế giới

Lịch sử phát triển của xã hội loài người cho thấy trong xã hội luôn có những bộ phận dân cư có mức sống thấp hơn mức sống trung bình của cộng đồng cần đến sự trợ giúp của xã hội để duy trì sự tồn tại và nắm bắt cơ hội vươn lên đạt tới những mức sống cao hơn. Nắm bắt tâm lý khát khao sinh tồn và vươn lên của những con người có hoàn cảnh khó khăn đó, nhiều cá nhân có tấm lòng hảo tâm đã ra tay trợ giúp. Đây chính là nguồn gốc manh nha hình thành nghề CTXH hiện nay. Từ những hoạt động trợ giúp mang tính bột phát ban đầu, những cá nhân có tấm lòng hảo tâm tập hợp thành từng tổ chức hoạt động vì mục đích trợ giúp những người yếu thế trong xã hội. Trải qua nhiều năm, hoạt động của các tổ chức này dần dần trở nên chuyên nghiệp và được xã hội thừa nhận từ đó hình thành nên nghề CTXH. Mốc đánh dấu sự thừa nhận của con người đối với nghề CTXH chính là khi Liên hiệp quốc đưa ra định nghĩa vào năm 1955 về CTXH: “là hoạt động giúp con người thích nghi với cấu trúc và giúp cấu trúc thích nghi với con người”.

Trong bài tham luận này, chúng tôi không có ý định đi vào các con số hay mốc các sự kiện cụ thể của từng quốc gia để chỉ ra sự phát triển của nghề CTXH trên thế giới mà đi vào phân tích một số khái niệm về CTXH nhằm chỉ ra lộ trình phát triển của nó từ thấp đến cao, từ mơ hồ thành rõ nét, từ không chuyên trở thành chuyên nghiệp.

Theo cách tiếp cận này chúng ta thấy định nghĩa đầu tiên về CTXH của một tổ chức lớn nhất hành tinh là Liên hợp quốc khi coi CTXH là hoạt động giúp cho con người và cấu trúc thích nghi với nhau còn chứa đựng nhiều yếu tố mơ hồ về CTXH, nhưng định nghĩa này cho thấy, trong giai đoạn đầu của sự phát triển, CTXH cũng như bao ngành khoa học khác đều phải tiến dần từng bước để khẳng định vị thế, vai trò và ý nghĩa tồn tại của nó với xã hội nên lúc này các chuyên gia của Liên hợp quốc cũng chưa thể đưa ra một định nghĩa chỉ rõ nội hàm của CTXH thực chất là gì, mà chỉ có thể nói một cách chung chung đó là hoạt động giúp con người thích nghi với cấu trúc để duy trì khả năng tồn tại và phát triển đồng thời đó cũng là hoạt động giúp cấu trúc thích nghi với con người.

Sở dĩ, cách định nghĩa về CTXH trên của Liên hợp quốc được coi còn mang tính mơ hồ vì nó có thể khiến chúng ta đánh đồng nhiều hoạt động trợ giúp con người thích nghi với cấu trúc là hoạt động CTXH, chẳng hạn như hoạt động trợ giúp mang tính từ thiện, bột phát của một cá nhân hướng tới một đối tượng yếu thế của xã hội thông qua việc cho – nhận nhất thời một đồ vật (quần áo, thức ăn…) hoặc một lời nói, cử chỉ quan tâm…, hoặc như hoạt động tư vấn, trị liệu lâm sàng giúp con người thoát khỏi những khó khăn tâm lý đang cản trở sự hình thành và phát triển nhân cách của cá nhân đó…

Tiến thêm một bước, các nhà nghiên cứu thuộc các ngành khoa học nhân văn đưa ra nhiều định nghĩa mang giá trị khoa học cao hơn như: công tác xã hội là những hoạt động tương tác, giáo dục hay phục vụ nhằm duy trì hoặc phát triển năng lực xã hội của cá nhân hoặc nhóm xã hội có những phương thức sinh tồn không còn phù hợp với các chuẩn mực của địa phương[1].

So sánh với định nghĩa của Liên hợp quốc, định nghĩa này mặc dù vẫn còn chứa đựng yếu tố mơ hồ về CTXH, nhưng cũng đã cho thấy CTXH là hoạt động hướng tới duy trì hoặc phát triển năng lực xã hội của các cá nhân hoặc nhóm xã hội có phương thức sinh tồn không còn phù hợp với các chuẩn mực của địa phương để giúp họ cải biến hoàn cảnh sống của mình sao cho phù hợp với quy luật vận động và phát triển của xã hội.

Nhưng định nghĩa trên cũng cho rằng để thực hiện được việc duy trì và phát triển năng lực của cá nhân thì cần phải thông qua các hoạt động tương tác, giáo dục hay phục vụ mà bản thân những thuật ngữ này còn mang nhiều ý nghĩa khác nhau, chẳng hạn mang nghĩa tương tác xã hội trong xã hội học, mang nghĩa giáo dục trong giáo dục học, hay mang nghĩa phục vụ trong kinh tế học hay thương mại…, đồng thời cũng chưa cho thấy hoạt động CTXH là hoạt động mang tính chuyên nghiệp.

Năm 1970, Hiệp hội quốc gia nhân viên xã hội Mỹ (NASW) đưa ra định nghĩa: “Công tác xã hội là một chuyên ngành để giúp đỡ cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ và tạo những điều kiện thích hợp nhằm đạt được các mục tiêu đó[2].

Định nghĩa này cho thấy đến giai đoạn 1970, CTXH không còn bị coi là một hoạt động mơ hồ như cách hiểu của những giai đoạn trước, mà Hiệp hội quốc gia nhân viên xã hội Mỹ đã khẳng định CTXH là một chuyên ngành hướng tới hỗ trợ cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng yếu thế giúp họ khôi phục các chức năng xã hội và tạo điều kiện thích hợp để giúp họ đạt được mục tiêu.

Điều này cho thấy CTXH là một hoạt động chuyên nghiệp không chỉ hỗ trợ con người thoát ra khỏi những khó khăn nhất thời mà còn tạo cơ hội cho họ thông qua các hoạt động tăng cường năng lực để thích nghi và phát triển bền vững.

Năm 2000, Hiệp hội nhân viên công tác xã hội Quốc tế tại Montréal, Canada (IFSW) đưa ra định nghĩa: “Nghề Công tác xã hội thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng cho người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, Công tác xã hội tương tác vào những điểm giữa con người với môi trường của họ. Nhân quyền và Công bằng xã hội là các nguyên tắc căn bản của nghề[3]“…

Định nghĩa này chỉ rõ:

  • CTXH là nghề thúc đẩy sự thay đổi xã hội theo chiều hướng tích cực;
  • Các nhân viên CTXH có nhiều lý thuyết dẫn đường để nhận diện những vấn đề khó khăn mà cá nhân, hộ gia đình hay cộng đồng đang gặp phải cũng như nhận diện nhu cầu cần hỗ trợ của các đối tượng này; và
  • Hoạt động nghề của các nhân viên CTXH là hoạt động theo các nguyên tắc, quy chuẩn đạo đức nhất định, trong đó nguyên tắc căn bản nhất là coi trọng nhân quyền và công bằng xã hội.

Như vậy, qua lời dẫn nhập và các định nghĩa về CTXH trên chúng ta thấy được phần nào bức tranh về lịch sử phát triển nghề CTXH trên thế giới và lịch sử phát triển đó diễn ra theo 04 giai đoạn: (i) giai đoạn hoạt động tự phát => (2) giai đoạn hoạt động mơ hồ vì còn chứa đựng yếu tố không chuyên => (3) giai đoạn hoạt động chuyên nghiệp => (4) giai đoạn hoạt động chuyên nghiêp có lý thuyết dẫn đường, có quy chuẩn đạo đức nghề khi tác nghiệp.

2. Sự phát triển CTXH tại Việt Nam

Đề cập đến lịch sử phát triển CTXH tại Việt Nam, chúng tôi muốn đưa ra 03 điều khẳng định để hội thảo cùng chia sẻ.

– Khẳng định thứ nhất: CTXH bắt nguồn từ hoạt động trợ giúp xã hội, nghĩa là thoát thai từ ASXH mà không phải là từ xã hội học và tâm lý học như nhiều người suy nghĩ.

Khẳng định trên không chỉ đúng với bối cảnh của Việt Nam mà còn đúng với bối cảnh phát triển nghề CTXH trên thế giới vì nhiều lý do, trong đó chúng tôi lựa chọn đưa ra 02 lý do cơ bản:

+ Thứ nhất: hoạt động CTXH đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử xã hội loài người và tồn tại dưới hình thức hỗ trợ, tương hỗ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng, cộng đồng với cá nhân, cộng đồng với cộng đồng và nhà nước với cá nhân hoặc với cộng đồng, mặc dù khi đó các hoạt động CTXH chưa mang tính chuyên nghiệp như hiện nay. Về điểm này, Bùi Thị Xuân Mai đã viết “là một nghề còn non trẻ so với nhiều ngành nghề khác trong xã hội, song CTXH lại có lịch sử phát triển khá lâu đời trong quá trình phát triển từ dạng hoạt động trợ giúp đơn thuần sang hoạt động chuyên nghiệp[4]”. Chẳng hạn, “trong thời kỳ tiền phong kiến, hoạt động trợ giúp xã hội chủ yếu là trách nhiệm của gia đình, dòng họ và bộ tộc, bộ lạc hướng tới hỗ những đối tượng gặp khó khăn, …, trong thời kỳ phong kiến, hoạt động trợ giúp xã hội của Nhà nước là mở kho cứu đói, lập quỹ quả phụ điền, cô nhi điền …[5].

+ Thứ hai: Do thiếu các hoạt động chuyên nghiệp trợ giúp thân chủ vượt qua khó khăn nên sau này những người làm CTXH mới vay mượn kiến thức của nhiều ngành khoa học khác nhau, chẳng hạn vay mượn kiến thức xâm nhập cộng đồng của dân tộc học, trong đó nổi bật nhất là vay mượn kiến thức của xã hội học (điều tra xã hội…) và tâm lý học (tham vấn, phỏng vấn sâu…) để xây dựng quy chuẩn đạo đức tác nghiệp, cách thức hỗ trợ thân chủ dưới góc độ tâm lý và xã hội nên đây là điểm khiến nhiều người cho rằng CTXH ra đời nhờ sự “kết hợp” giữa xã hội học và tâm lý học.

– Khẳng định thứ hai: hoạt động CTXH trong lịch sử Việt nam phát triển từ đơn thuần, tự phát chuyển dần sang chuyên nghiệp, tự giác với sự tham gia ngày càng tích cực của nhiều chủ thể trong xã hội.

Trong lịch sử Việt Nam, hoạt động CTXH đã từng có thời kỳ được coi là hoạt động từ thiện, thâm chí là hoạt động ban ơn. Chẳng hạn, để hỗ trợ nạn dân của thiên tai liên miên khiến đê điều bị vỡ, ruộng vườn hư hỏng… vua Lê Thánh Tông đã ban chiếu vào năm Ất sửu 1445 “muốn chấm dứt sự trừng phạt của trời cao phải rộng ban điều dân huệ cho “kẻ dưới”. Vì thế nay ban các điều về tha thuế, giảm tô rộng rãi theo các thứ bậc khác nhau…”[6].

Sau này, hoạt động “từ thiện, ban ơn” đó chuyển dần sang thành các hoạt động trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng và Nhà nước trong việc hỗ trợ các đối tượng yếu thế của xã hội như: vợ con binh lính chết trận, người già, trẻ em mồ côi… Nhưng bước chuyển từ hoạt động “từ thiện, ban ơn” sang hoạt động trách nhiệm đó chưa ngay lập tức tạo ra được một đội ngũ CTXH chuyên nghiệp mà còn cần có bước chuyển từ hoạt động trách nhiệm sang hoạt động chuyên nghiệp và bước chuyển này mới chỉ diễn ra tại Việt Nam trong giai đoạn gần đây nhờ sự kế thừa tri thức nghề CTXH của các quốc gia trên thế giới.

91211giang
– Khẳng định thứ ba: hiện nay và trong tương lai gần vẫn còn nhiều người chưa thực sự hiểu được hoạt động của CTXH là gì nên nhiều khi cho hoạt động “tưởng là CTXH” của mình là CTXH.

+ Trong buổi hội thảo tổ chức lần thứ nhất về “Đổi mới CTXH tại Việt Nam trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”, GS. Đặng Cảnh Khanh đã phát biểu “nhiều cán bộ giảm nghèo xuống địa bàn còn dẫm chân nên cơm xóa đói giảm nghèo của người dân”. Đây là một biểu hiện của những người không hiểu về hoạt động của nghề CTXH nhưng vẫn cho rằng mình đang thực hiện hoạt động CTXH trợ giúp người dân giảm nghèo.

+ Đề án phát triển nghề CTXH ra đời khiến nhu cầu đào tạo nhân viên CTXH tăng cao vượt quá khả năng đào tạo cung cấp trong ngắn hạn của các trường đại học. Chẳng hạn quyết định 32/2010/QĐ- TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định giai đoạn 2010 – 2015 cần “phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội trong cả nước, phấn đấu đến năm 2015 tăng khoảng 10%. Trong đó, mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 01 đến 02 cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội”; giai đoạn 2016 – 2020 cần “tiếp tục đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 50% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn; các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp”.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cán bộ CTXH, nhiều cơ quan, đơn vị sẽ cử cán bộ đi học tập huấn một số ngày về CTXH và kết thúc đợt tập huấn, nhiều người trong số họ tiếp tục nghiên cứu thêm để có thể tác nghiệp như một nhân viên CTXH, nhưng cũng có nhiều người trong số này với kiến thức “nửa vời” về CTXH có được sau những ngày tập huấn nghiễm nhiên coi mình là nhân viên CTXH và coi hoạt động mình thực hiện là hoạt động nghề CTXH.

3. Triển vọng phát triển CTXH tại Việt Nam đến năm 2020

Từ thực tiễn phát triển nghề CTXH như trình bày ở phần trên, chúng tôi đưa ra một số dự kiến phát triển nghề CTXH tại Việt Nam đến năm 2020, những dự kiến này đồng thời cũng là những thách thức cần vượt qua đối với sự phát triển CTXH tại Việt Nam.

Thứ nhất: còn tồn tại nhiều cách hiểu mơ hồ, cách hiểu rõ nét về CTXH giữa những người làm CTXH tại Việt Nam. Đây vừa là triển vọng vừa là thực tế phát triển nghề CTXH tại Việt Nam từ nay đến năm 2020 khiến cho hoạt động CTXH vừa mang tính chuyên nghiệp vừa mang tính không chuyên. Từ vấn đề này chuyển tiếp sang vấn đề thứ hai.

Thứ hai: Tách dần hoạt động không chuyên ra khỏi các hoạt động CTXH tại Việt Nam. Vấn đề này cũng đặt ra một câu hỏi cần nghiên cứu, cần tìm lời giải “làm thế nào để tách được hoạt động không chuyên ra khỏi các hoạt động CTXH từ nay đến năm 2020?” khi chúng ta hiện đang phải chấp nhận thực tế đào tạo, tập huấn CTXH gấp rút trong một thời gian ngắn cho 60.000 người từ nay đến năm 2020 để đáp ứng nhu cầu công việc tại các vị trí công tác ở xã, phường và trung tâm Bảo trợ Xã hội.

Thứ ba: sự phát huy vai trò của chủ thể Nhà nước sẽ thúc đẩy nghề CTXH phát triển mạnh mẽ và thu hút được nhiều tổ chức quốc tế cùng tham gia. Nguyễn Thị Kim Loan, một giảng viên CTXH của trường đại học Lao động – Xã hội khi tham gia học tập tại Philipin đã chia sẻ lại lời so sánh của một giáo sư người Philipin: “các tổ chức quốc tế về CTXH vào Việt Nam chưa nhiều, trong khi đó, ở bên Philipin có rất nhiều tổ chức”. Thực tiễn trên trước hết là do hoạt động CTXH trước đây của chúng ta chưa có được cơ sở pháp lý hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước, nhưng với đề án 32 phát triển nghề công tác xã hội đến năm 2020 và sự kiện ra mắt chi hội nghề CTXH tại Việt Nam ngày 23/6/2011 tại Bộ LĐTBXH, chúng ta sẽ có cơ sở pháp lý ủng hộ mạnh mẽ của Nhà nước, nhờ đó thu hút được thêm nhiều tổ chức quốc tế về CTXH tham gia. Triển vọng này cũng là một thách thức với sự phát triển nghề CTXH tại Việt Nam, đó là, làm thế nào để đảm bảo chắc chắn các tổ chức quốc tế mới tham gia sẽ hoạt động đúng theo khuôn khổ nghề CTXH, đúng theo khuôn khổ luật pháp Việt Nam?

4. Kết luận

Triển vọng phát triển nghề CTXH tại Việt Nam đến năm 2020 sẽ phát triển theo lộ tuyến từ mơ hồ thành rõ nét, từ không chuyên chuyển sang chuyên nghiệp với nhưng quy chuẩn đạo đức và kỹ năng chuyên môn tác nghiệp nhờ đi tắt, đón đầu kế thừa tri thức nghề CTXH của thế giới và phát triển truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam. Theo lộ tuyến phát triển này, những hoạt động không chuyên sẽ dần được tách riêng khỏi hoạt động của nghề CTXH.

Đồng thời, từ nay đến năm 2020, chúng ta sẽ nhận thấy sự tham gia mạnh mẽ của chủ thể Nhà nước vào hoạt động phát triển nghề CTXH tại Việt Nam, nhờ đó, Việt Nam sẽ nhanh chóng gia nhập vào các quốc gia có nền CTXH phát triển trong khu vực trên thế giới./.

4. Danh mục tài liệu tham khảo

1. Jean-Marc Dutrenit, la compétence sociale, 1997, L’Harmattan.

2. (trích lại) Bùi Thị Xuân Mai, giáo trình nhập môn CTXH, NXB. Lao động – xã hội, 2010, tr.85.

3. Quyết định 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020.

4. Nguyễn Trung Hải (chủ biên), đồng tham gia trợ giúp xã hội tại Việt Nam, NXB. Lao động – xã hội, 2011, tr. 38.

Ths. Nguyễn Trung Hải – Trường Đại học LĐXH.

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu