Điều trị, cai nghiện phục hồi tại Thái Lan

Điều trị, cai nghiện phục hồi tại Thái Lan

Một số phương pháp áp dụng trong điều trị và phục hồi đối với người nghiện ma túy

Phương pháp Phân tích tương giao

Phân tích tương giao (viết tắt là T.A) là phương pháp trị liệu xuất phát từ quá trình thực hành của Eric Berne (một nhà tâm lý học Canada, sống và làm việc vào khoảng giữa thế kỷ 20). Berne tin rằng mỗi cá nhân là một phức hợp của nhiều thực thể riêng biệt, mà mỗi thực thể ấy lại có những khuôn mẫu riêng về hành vi, lời nói và vận động khác nhau. Mỗi một trong số những thực thể ấy sẽ phụ trách kiểm soát con người vào những thời điểm khác nhau. Đó được gọi là những “trạng thái cái Tôi” trong bản thân mỗi con người.

Các phương pháp và kỹ thuật của T.A khi áp dụng vào quản lý và giáo dục tại các trung tâm và cơ sở cai nghiện ưu tiên hướng đến khuyến khích sự độc lập và tự định hướng của người nghiện. Cơ sở của sự độc lập và tự định hướng xuất phát từ kiến thức hiểu biết, động cơ và khả năng của bản thân khi giải quyết vấn đề. Do đó, cán bộ làm công tác tại các trung tâm và cơ sở cai nghiện cần hỗ trợ, định hướng cho người nghiện các kỹ năng đối phó với các tình huống; khám phá tính cách của cá nhân; tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng ma túy; thúc đẩy cá nhân tự thay đổi và tự giải quyết các vấn đề trong tâm lý. Điều này đặc biệt hiệu quả đối với người nghiện ma tuý trong giai đoạn ngăn ngừa tái nghiện, làm tăng khả năng giải quyết vấn đề bằng định hướng, kinh nghiệm thay vì bằng cảm xúc như trước đó.

Phương pháp T.A giúp người nghiện tăng khả năng điều hành và giảm sự phụ thuộc vào ma túy; ảnh hưởng tích cực lên tâm lý người nghiện và ngăn ngừa sự tái phát nghiện; tạo cơ hội cho họ phát triển các kỹ năng sống, giúp họ nhận ra giá trị của cuộc sống và giá trị bản thân bên trong con người họ, hướng đến xây dựng một cuộc sống mới sau quá trình điều trị và phục hồi.

Phương pháp Cộng đồng trị liệu

Cộng đồng Trị liệu (viết tắt là T.C) là hoạt động cai nghiện ma tuý bằng phương pháp dùng cộng đồng người nghiện tự giúp đỡ lẫn nhau với phương châm “Trợ giúp để người nghiện tự giúp đỡ chính bản thân”. Đây là liệu pháp điều trị, phục hồi dựa trên nguyên lý tự giúp đỡ lẫn nhau của chính bản thân những người nghiện ma tuý trong một cộng đồng (tập thể) người nghiện dưới sự hướng dẫn quản lý của các chuyên gia và trợ giúp về chuyên môn của các nhân viên cai nghiện, phục hồi chuyên nghiệp.

Về tổ chức, T.C hình thành các cơ sở điều trị chứng nghiện ma túy bằng liệu pháp Cộng đồng Trị liệu tên là “Làng Daytop”. Đây là một mô hình cai nghiện đặc biệt bởi ở đó tạo ra một môi trường điều trị, học tập, rèn luyện và sinh hoạt lành mạnh đối với những người nghiện tình nguyện tham gia chương trình, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người tự xoá bỏ mặc cảm, tự ti của bản thân và hình thành niềm tin, nghị lực để làm lại cuộc đời. Để người nghiện từ bỏ được ma túy, quá trình cai nghiện đòi hỏi phối hợp đồng thời và đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau: từ liệu pháp y tế đến các liệu pháp điều trị tổng hợp đối với người cai nghiện như hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, học tập, tổ chức các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, văn hoá, thể thao.v.v. Các hoạt động quản lý, giáo dục nâng cao nhận thức và làm chuyển đổi hành vi, phục hồi nhân cách của người nghiện ma tuý nhằm giúp cho họ từng bước rèn luyện, thay đổi sự lệch lạc trong nhận thức, quan điểm và dần hình thành ý thức trách nhiệm, tinh thần tập thể, tính kỷ luật, sinh hoạt có nề nếp và lối sống lành mạnh, lương thiện để trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội. Trong môi trường này, có 3 nguyên tắc phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt là: “Không ma túy, không bạo lực và không có tình dục” và các thành viên tham gia chương trình T.C là hoàn toàn tự nguyện, phải luôn tôn trọng, quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau, coi nhau như anh em trong một gia đình. Hiện nay, T.C cũng được một số quốc gia trong ASEAN như Thái Lan, Indonesia đưa vào áp dụng có hiệu quả không chỉ ở các trung tâm cai nghiện tập trung hoặc ở các cơ sở cai nghiện tại cộng đồng mà còn ở các trại giam tù nhân, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng cho người chưa thành niên.

Học viên tham dự khóa tập huấn về điều trị, cai nghiện phục hồi

Hoạt động điều trị và phục hồi cho người nghiện ma túy tại cơ sở điều trị lạm dụng ma túy, trường giáo dục và Trung tâm giáo dục thanh thiếu niên

Viện quốc gia về điều trị lạm dụng ma túy (PMNIDAT): Tại đó, người bệnh đến khám sẽ trải qua các quá trình: đăng kí, làm thủ tục, kiểm tra sức khỏe ban đầu, tìm hiểu về tiền sử, lịch sử nghiện ma túy, sau đó sẽ gặp trực tiếp các bác sĩ tại Viện khám tổng thể. Sau quá trình khám sức khỏe và chẩn đoán, các bác sẽ đưa ra phác đồ điều trị và chuyển người bệnh đến các khoa điều trị tại Viện. Tại đây, người bệnh sẽ được điều trị cắt cơn và chăm sóc phục hồi sức khỏe trong khoảng thời gian từ 10 – 15 ngày. Tùy theo tình trạng sức khỏe và tình trạng nghiện của bản thân người bệnh, các bác sĩ tại Viện sẽ có kế hoạch điều trị cụ thể qua từng giai đoạn, thông báo cho bệnh nhân và người thân để cùng nắm và theo dõi quá trình điều trị. Trong các loại thuốc dùng để điều trị cho bệnh nhân cũng có phương pháp điều trị bằng methadone. Kết thúc quá trình điều trị, người bệnh sẽ được chuyển sang các khu phục hồi, tư vấn, dạy nghề, các kỹ năng sống để trở lại hòa nhập với môi trường xã hội. Quá trình điều trị cho người nghiện hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện, kinh phí do người nghiện và gia đình tự chi trả. Chính phủ sẽ hỗ trợ trong quá trình dạy nghề, tư vấn và phục hồi sau quá trình điều trị.

Trung tâm giáo dưỡng Pharankhon Sri Ayutthaya: Trung tâm là một cơ sở giáo dưỡng bắt buộc, đối với thanh thiếu niên có lứa tuổi từ khoảng 18-24 thực hiện quyết định thi hành của tòa án, số lượng học viên hiện tại của trung tâm là 65 người. Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã bắt đầu áp dụng phương pháp T.C vào trong điều trị và phục hồi cho các học viên với các hoạt động như: Giao ban buổi sáng, các hoạt động thể dục thể thao, xây dựng các kỹ năng sống và làm việc, tập trung thay đổi suy nghĩ, cảm xúc của từng cá nhân. Trong quá trình học tập và lao động, trung tâm đều có những mối liên hệ chặt chẽ với gia đình học viên, trao đổi định kỳ, tư vấn cho gia đình phương pháp, kế hoạch điều trị, mời gia đình tham gia các hoạt động tại trung tâm trong những ngày lễ tạo cho học viên sự gần gũi, gắn kết, hòa nhập với môi trường sống bên ngoài. Kết thúc quá trình giáo dưỡng, trung tâm đều có đánh giá nhận xét với từng cá nhân, từ đó phối hợp với chính quyền địa phương nơi học viên cư trú để có quá trình quản lý sau cai đạt hiệu quả.

Ngoài ra, một số trường trung học tại Thái Lan đã đưa chương trình tuyên truyền phòng, chống ma túy vào chương trình giảng dạy, cụ thể trường Wat khemapirataram là một trường trung học (đào tạo từ lớp 7 đến 12) nằm ở tỉnh Nonthaburi (phía Bắc của Bangkok), được Chính phủ đầu tư xây dựng để trở thành trường trọng điểm số một trong dự án phòng, chống ma túy quốc gia với mục tiêu giáo dục cho học sinh hiểu về vấn đề ma túy thông qua các chương trình giảng dạy tại học đường do các giáo viên trong trường đảm nhận. Để thực hiện dự án này, Chính phủ cũng đã phối hợp với công ty tư nhân tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục cho học sinh trong trường, thành lập các câu lạc bộ, các nhóm đẩy mạnh học sinh tham gia hoạt động để nâng cao hiểu biết, rèn luyện các kỹ năng sống cho mỗi cá nhân nhằm tránh được sự lôi kéo, dụ dỗ của các nhóm bạn bè xấu dẫn đến các con đường liên quan đến ma túy và các chất hướng thần bất hợp pháp./.

K.D

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu