Công tác xã hội với người khuyết tật

Công tác xã hội với người khuyết tật

Hội thảo định hướng: Xây dựng chương trình môn học “Công tác xã hội với người khuyết tật bậc đại học và sau đại học ngành Công tác xã hội đã được tổ chức vào ngày 28/2/2012. Dự Hội thảo có các đại biểu đến từ 17 trường đại học trên cả nước, các đơn vị nghiên cứu, các tổ chức xã hội, các nhà khoa học, các chuyên gia thuộc các tổ chức phi chính phủ.

Hội thảo Xây dựng chương trình môn học “Công tác xã hội với người khuyết tật” bậc đại học và sau đại học ngành Công tác xã hội được tổ chức nhằm lấy ý kiến từ các cơ sở đào tạo đã, đang và sẽ đào tạo bậc đại học, sau đại học ngành Công tác xã hội về chương trình môn học. Tại hội thảo các nhà quản lí, các chuyên gia, giảng viên CTXH đã trao đổi, chia sẻ những ý tưởng và trải nghiệm về các vấn đề lí luận, thực tiễn, phương pháp hữu quan đồng thời bàn thảo liên kết tham gia phối hợp đào tạo đại học và sau đại học ngành CTXH nói chung và chuyên ngành CTXH với người khuyết tật trên toàn quốc nói riêng.

Phát biểu khai mạc hội thảo PGS.TS Nguyễn Văn Kim – Phó Hiệu trưởng Nhà trường – nhấn mạnh: Trợ giúp cho người khuyết tật đang trở thành một nhu cầu bức thiết, một trong những vấn đề quốc tế rộng lớn mà còn mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Bên cạnh các chính sách, hoạt động trợ giúp nói chung thì việc nghiên cứu, đưa lĩnh vực làm việc với người khuyết tật thành một môn học cũng là một nhu cầu thực tế đặt ra. Đưa lĩnh vực làm việc với người khuyết tật vào trong chương trình giảng dạy, đào tạo CTXH sẽ góp phần phát triển các hệ thống lí thuyết khoa học đó một cách có hiệu quả.

2012USSH-2

Với sự tài trợ của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kì (USAID) thông qua Hội Trợ giúp Người tàn tật Việt Nam (VNAH), dự án xây dựng chương trình môn học “Công tác xã hội với người khuyết tật” dự kiến triển khai trong 2 năm, với lộ trình cụ thể là:

– Biên soạn chương trình và giáo trình giảng dạy về CTXH hỗ trợ người khuyết tật bậc đại học và sau đại học, được áp dụng cho chương trình đào tạo chính thức ngành CTXH tại Trường ĐHKHXHNV và 17 trường đại học khác

– Thiết lập mạng lưới các trường đại học đào tạo ngành CTXH tại Việt Nam tham gia góp ý trong quá trình xây dựng chương trình và giáo trình giảng dạy môn CTXH với người khuyết tật, đảm bảo ứng dụng vào chương trình đào tạo chính thức ngành CTXH tại các trường đại học

– Tập huấn đào tạo nguồn giảng viên ngành CTXH

– In 600 cuốn giáo trình sau khi việc biên soạn hoàn tất và cung cấp cho Trường ĐHKHXHNV và các trường trong mạng lưới

– Tập huấn đào tạo giảng viên nguồn cho giảng viên ngành CTXH của Trường ĐHKHXHNV và các trường trong mạng lưới

– Hỗ trợ và hướng dẫn các trường đại học trong mạng lưới trong việc áp dụng chương trình và giáo trình

– Tiến hành giảng dạy thử nghiệm trước khi hoàn thành việc biên soạn chương trình giáo trình.

Biên soạn giáo trình CTXH với người khuyết tật trong chương đào tạo CTXH ở bậc sau đại học và sau đại học là một cơ hội tốt để nghiên cứu, chọn lọc, ứng dụng về lí luận và phương pháp để xây dựng mô hình đào tạo và thực hiện đào tạo đặc thù một cách phù hợp trong điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá và truyền thống của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy ngành khoa học CTXH ở nước ta phát triển.

Nguồn: ussh.vnu.edu.vn

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu