Công tác xã hội – Nhân tố bảo đảm an sinh xã hội

Công tác xã hội – Nhân tố bảo đảm an sinh xã hội

Với chủ đề “Công tác xã hội Việt Nam: Thách thức tính chuyên nghiệp trước yêu cầu hội nhập”, sáng 11/11, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH, Trường đại học Công đoàn, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Dự án Hỗ trợ phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Công tác xã hội thế giới lần thứ 18.

Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng… cùng đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức quốc tế.

Góp phần thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu rõ, công tác xã hội (CTXH) là hoạt động mang tính chuyên nghiệp nhằm huy động mọi nguồn lực của người dân, của cả cộng đồngđể giải quyết các vấn đề phát sinh, các mâu thuẫn, bất bình đẳng, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và hạnh phúc của con người, vì tiến bộ, công bằng, phồn vinh của xã hội. Với điều kiện ở Việt Nam, CTXH càng có ý nghĩa to lớn, là một trong những nhân tố quyết định sự thành công bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững, đưa Việt Nam từ quốc gia đói nghèo vươn lên trở thành điểm sáng của thế giới về thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ và đạt nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế, xã hội trong giai đoạn đổi mới đất nước hiện nay.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, số lượng người dân ở nước ta cần trợ giúp của các dịch vụ CTXH là khá lớn. Tính đến cuối năm 2014, cả nước có: trên 9 triệu người cao tuổi, trên 7 triệu người khuyết tật, 5,97% hộ gia đình nghèo, 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội…cần sự trợ giúp của các dịch vụ CTXH. Để trợ giúp cho người dân, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về CTXH, vừa mang đậm truyền thống nhân văn của dân tộc vừa bảo đảm tính hội nhập quốc tế. Một số chính sách, pháp luật tiêu biểu đã và đang được thực hiện như: Bộ Luật lao động, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…Trên cơ sở chính sách được ban hành, hàng triệu người đã được giải quyết trợ cấp hàng tháng; trên chục triệu người nghèo và các đối tượng trợ giúp xã hội đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; hỗ trợ về nhà ở, giáo dục, dạy nghề, việc làm cho các đối tượng.

Bộ trưởng cho biết thêm, sau 5 năm tích cực triển khai thực hiện “Đề án phát triển nghề CTXH hội giai đoạn 2010-2020”, đến nay đã đạt được một số kết quả như: Từng bước hoàn thiện được khung pháp lý về nghề CTXH; Hình thành hệ thống dịch vụ CTXH và đội ngũ cộng tác viên và nhân viên CTXH (Cả nước đã hình thành, phát triển được 408 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập. Các tỉnh, thành phố đã hình thành, phát triển mạng lưới khoảng 80.000 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên có làm CTXH ở các Hội, đoàn thể các cấp).Việc đào tạo nghề CTXH ngày càng chuyên nghiệp (Hiện nay, có 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành CTXH. Hàng năm, có hơn 10.000 lượt cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội được đào tạo hệ vừa làm vừa học và bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xã hội)…

Hoi thao CTXH

Người làm CTXH phải có một tấm lòng

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, việc đảm bảo an sinh xã hội đã trở thành vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước. Vì đây chính là vấn đề con người, vấn đề nguồn lực của đất nước. Đây không phải chỉ đơn giản là vấn đề “Lá lành đùm lá rách” mà là vấn đề đảm bảo sự công bằng xã hội đối với mọi người. Mục tiêu cần đạt được của CTXH là rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế. Bên cạnh đó, Việt Nam lại là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu. Chúng ta lại đang hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế với nhiều cơ hội và thách thức mới, có tác động trực tiếp đến người dân. CTXH sẽ đứng trước những cơ hội và khó khăn mới.

Để CTXH thực sự có hiệu quả, Phó Chủ tịch nước yêu cầu, các bộ, ngành, đoàn thể, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội trong thực hiện và tham gia CTXH, phát huy cao độ truyền thống tốt đẹp của nhân dân Việt Nam, nhằm khơi dậy nguồn lực của toàn dân đóng góp cho CTXH. Mở rộng mạng lưới CTXH trên toàn quốc, thực hiện tốt và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để CTXH ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Cần tập trung đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo nghề cho thiết thực, sát với nhu cầu thực tế, tránh lãng phí, đặc biệt mọi thành viên đều phụ thuộc vào con người. Do đó cần tập trung vào đào tạo các kỹ năng cho đội ngũ làm CTXH. Người làm CTXH cần được nâng cao trình độ chuyên môn, cần tận tâm, tận lực, tận tụy với công tác này, vì bản thân nghề CTXH mang tính nhân văn sâu sắc.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: “Thành công của CTXH không phải chỉ ở chỗ chúng ta có trình độ nghề nghiệp tốt mà quan trọng là chúng ta phải có một tấm lòng. Chính điều này sẽ giúp chúng ta xử lý các vấn đề một cách hiệu quả trên cơ sở luật pháp cho phép. Nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước sẽ được phát huy, bổ sung nếu chúng ta làm CTXH tốt. Thực tế đã chứng minh, Việt Nam từ một đất nước nghèo khó đã đi lên và thành công do con người Việt Nam tuy nghèo nhưng thông minh, hiếu học, nhân văn, nhân ái và có lòng dũng cảm, quyết tâm cao độ. Do đó, hãy giúp người nghèo, các đối tượng yếu thế, đặc biệt là con em họ được hưởng mọi quyền lợi theo qui định của pháp luật để họ được học hành, được tham gia vào quá trình lao động, xây dựng gia đình, xã hội và phát triển đất nước. Chính họ là nguồn nhân lực, là những tài năng của đất nước. Thành công của công tác an sinh xã hội phụ thuộc rất lớn vào CTXH và những người tham gia vào công tác này”.

CÙ HÒA – NGUYỄN SÍU / Lao động và Xã hội

comment No comments yet

You can be first to leave a comment

mode_editLeave a response

Your e-mail address will not be published. Also other data will not be shared with third person. Required fields marked as *

menu
menu