Nghề lắm gian truân

Bắt đầu triển khai từ năm 2010, Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 (Đề án 32) đã tạo ra một hành lang pháp lý để từng bước phát triển nghề công tác xã hội một cách chuyên nghiệp. Theo đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các Bộ, ngành liên quan đã ban hành các văn bản quy định về chức danh, mã số ngạch viên chức công tác xã hội, chế độ tiền lương, trợ cấp, tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, tiêu chuẩn cộng tác viên xã hội cấp phường/xã, hoàn thiện kế hoạch phát triển giáo dục đào tạo công tác xã hội hệ cử nhân ở 55 trường đại học, cao đẳng… Hiện nay, cả nước có 411 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, cung cấp dịch vụ cho hàng nghìn đối tượng, tiêu biểu là Trung tâm công tác xã hội của các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng, Bến Tre… Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn yếu về chất lượng, tính xã hội hóa chưa cao. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn hạn chế, đa số được đào tạo từ ngành nghề khác hoặc thậm chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.

Nằm cách TP Hải Phòng 42km về phía Nam, Trung tâm điều dưỡng người tâm thần xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc cho 323 người bệnh thuộc đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng, gồm các loại tâm thần phân liệt hoặc rối loạn tâm thần mãn tính. Bác sĩ Trần Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Những người vào trung tâm đều có hoàn cảnh rất éo le. Đa số gắn bó cả đời tại đây”. Do xã hội còn nhiều kỳ thị đối với bệnh tâm thần, việc thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, đặc biệt là các bác sĩ về trung tâm làm việc rất khó khăn. Bà Hiền chia sẻ thêm, số lượng bệnh nhân thời gian gần đây ngày càng tăng, nhiều giường bệnh phải nằm 2 bệnh nhân nhưng lực lượng y bác sĩ chỉ có 62 người, trong đó có 3 bác sĩ và nhân viên y tế được đào tạo trung cấp nghề công tác xã hội chỉ vỏn vẹn 2 người. Vì vậy, tất cả cán bộ, nhân viên tại đây đều phải tham gia lo bữa ăn, vệ sinh phòng ngủ, chăm sóc, trò chuyện với bệnh nhân. Thậm chí, khi người bệnh qua đời, nếu không có người thân đến, nhân viên tại trung tâm sẽ phải tiến hành các thủ tục chôn cất chu đáo. Chị Đỗ Thị Huyền, y tá điều dưỡng có 14 năm gắn bó với trung tâm trải lòng: “Công tác tại môi trường đặc biệt này, nếu không có tâm, không có sự cảm thông và sẻ chia thì không làm được việc”. Thực hiện theo Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020 (Đề án 1215), Trung tâm đã đưa vào sử dụng một khu nhà ở mới cho bệnh nhân với 80 giường bệnh. Tuy nhiên, khu nhà mới chỉ thay thế cho khu nhà cũ nên nhu cầu về cơ sở vật chất rất bức thiết. Những khó khăn mà Trung tâm điều dưỡng người tâm thần xã Dũng Tiến gặp phải cũng là tình trạng chung cho các trung tâm xã hội hiện nay.

Nhân viên y tế tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần xã Dũng Tiến chăm sóc người bệnh.

Cần hoàn thiện khung pháp lý

Ông Lê Quang Hưng Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng) cho rằng, hiện nay tuyển nhân lực vào ngành CTXH rất khó khăn. Thực tế cho thấy, hiếm sinh viên ngành y nào sau khi tốt nghiệp lại muốn tham gia vào ngành công tác xã hội. Để thu hút cũng như “giữ chân” nguồn lực, việc tăng mức thu nhập cho những người làm nghề CTXH để họ yên tâm công tác và nâng cao điều kiện làm việc, cơ sở vật chất của các trung tâm CTXH để hệ thống cơ sở này phát triển cả về mọi mặt là cần thiết.

Cũng bàn về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đưa ra giải pháp, không chỉ các đối tượng yếu thế mới cần trợ giúp xã hội mà chính những người làm nghề CTXH cũng cần trợ giúp. Chính vì vậy, cần hoàn thiện khung pháp lý để tạo đà phát triển cho loại hình nghề nghiệp này. Các văn bản pháp luật còn thiếu các quy định rõ ràng và cụ thể, trong khi đó việc xây dựng, phát triển công tác xã hội ở địa phương còn gặp khó khăn khi chỉ có ngành Lao động-Thương binh và Xã hội vào cuộc, sự tham gia xây dựng từ địa phương còn hạn chế nên tính khả thi của văn bản còn chưa cao. Bên cạnh đó, ông Hồi nhấn mạnh, cần có giải pháp thu hút để đẩy mạnh xã hội hóa công tác xã hội nhằm giảm bớt sự trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước. Công tác xã hội không chỉ là công việc riêng của các ban, ngành, địa phương và các trung tâm bảo trợ xã hội mà cần sự chung tay giải quyết của cả cộng đồng, trong đó có các nhà hảo tâm, doanh nghiệp.

Bài và ảnh: VŨ MY